Những 'chiến binh' chống nCoV: Nhiều bác sĩ, điều dưỡng... không về nhà

Sau nhiều ngày chống dịch tại bệnh viện, điều dưỡng Bùi Lan Anh (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) nhận được tin nhắn yêu cầu cô đừng về nhà vì nghe đồn cô đã bị nhiễm nCoV

Lan Anh là một trong hơn 60 nhân viên y tế của Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới trung ương túc trực ở BV để điều trị cũng như theo dõi, cách ly bệnh nhân nhiễm nCoV. BV này đang điều trị cho 4 bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp do virus corona chủng mới (nCoV).

Mùa dịch, BV là nhà

Để gặp được các nhân viên y tế - những người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân nCoV - trong thời điểm này không dễ dàng. Bởi ngoài việc bận rộn điều trị, chăm sóc bệnh nhân, họ cũng phải tự cách ly với người thân và hạn chế gặp gỡ người khác để giảm nguy cơ lây bệnh. Nếu như bệnh nhân hết thời điểm cách ly 14 ngày hoặc điều trị khỏi bệnh sẽ được về nhà thì các nhân viên y tế buộc phải cách ly thêm 14 ngày nữa sau khi dịch kết thúc.

Bác sĩ (BS) Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới trung ương, vừa trở về sau chuyến thị sát cùng đoàn công tác của Bộ Y tế về ca dương tính với nCoV tại tỉnh Vĩnh Phúc. Tính đến trưa 9-2, địa phương này đã ghi nhận 9 trường hợp nhiễm nCoV, trong đó có 4 trường hợp nhiễm bệnh do tiếp xúc với nguồn lây.

Nhiều ngày qua, BS Nguyễn Trung Cấp không được về nhà. Thông lệ 30 Tết hằng năm, ông vào BV đón giao thừa và chúc Tết bệnh nhân. Tối mùng 1, ông được về nhà và sáng mùng 2 sẽ về quê. Trưa mùng 2 Tết Canh Tý 2020, ông nhận được điện thoại gọi lên Hà Nội họp khẩn. Cả gia đình chỉ kịp gọi nhau lên xe đi thẳng về Hà Nội mà không kịp ăn bữa cơm tân niên với họ hàng.

Mùng 3 Tết, BS Cấp đi trực và bắt đầu tiếp nhận những ca bệnh nghi ngờ, phải giám sát. Từ đó đến nay, BS Cấp không về nhà, mọi việc gia đình đều phải gác lại để túc trực, điều trị cho bệnh nhân và đến các ổ dịch cùng chia sẻ thông tin với đồng nghiệp.

Hằng ngày, trực tiếp làm việc, chăm sóc các bệnh nhân mắc nCoV tại phòng cách ly đặc biệt, điều dưỡng Nguyễn Thị Dung (Khoa Cấp cứu) phải mặc bộ quần áo bảo hộ kín mít trong suốt 3-4 giờ. "Cả người bí bách, khó chịu nhưng chúng em đều cố gắng. Khó nhất là muốn đi vệ sinh cũng phải cố đợi đến giờ được nghỉ giải lao mới được cởi bỏ bộ quần áo" - điều dưỡng Dung kể.

Công việc vất vả, kỷ luật nghiêm không khiến cô chạnh lòng bằng việc bạn bè xa lánh khi biết cô là điều dưỡng trong tâm dịch. Nhiều người còn mỉa mai rằng bây giờ phải tạm thời "nghỉ chơi với Dung để đợi hết dịch mới kết bạn lại".

Điều dưỡng Bùi Lan Anh (SN 1992) còn gặp chuyện đáng buồn hơn khi cô ở trọ tại khu vực quận Hà Đông. Từ khi có dịch, cô còn chưa kịp về nhà trọ thì đã nhận được tin nhắn nói đừng về, vì có nhiều lời đồn thổi cô đã bị nhiễm nCoV. Có người dọa nếu cô về nhà sẽ xua đuổi, sẽ cấm cô lai vãng đến gần. "Bản thân còn chẳng kịp lấy quần áo, đồ dùng cá nhân gì. Tôi vào viện ở, dùng tạm quần áo của đồng nghiệp và mặc đồng phục cơ quan. Nhiều lúc thấy tủi thân lắm nhưng may mắn còn có gia đình, đồng nghiệp thông cảm, luôn động viên mình" - Lan Anh tâm sự.

Từ khi công bố dịch nCoV, 60 nhân viên y tế đều ăn ngủ tại BV, hạn chế tiếp xúc với người khác. BV đã thu xếp một khu nhà ở tạm cho các BS trong điều kiện sinh hoạt tối giản hết sức. Hằng ngày, cơm ăn đều đặt từ một công ty mang vào phát cho bệnh nhân và nhân viên y tế. "Không thể nói rằng chúng tôi không lo lắng, căng thẳng nhưng công việc đã yêu cầu, chúng tôi phải cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình" - BS Cấp bày tỏ.

Cơm phát cho nhân viên y tế trong khu cách ly

Cơm phát cho nhân viên y tế trong khu cách ly

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương điều trị cho một bệnh nhân nghi nhiễm nCoVẢnh: HUY THANH

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương điều trị cho một bệnh nhân nghi nhiễm nCoVẢnh: HUY THANH

Tin nhảm đáng sợ hơn virus

Khi nCoV xâm nhập Việt Nam, các BS BV Bệnh nhiệt đới trung ương được ví như những người lính bước vào trận chiến mới. Trong các đại dịch, BV này là tâm điểm chống dịch ở phía Bắc. Năm 2003, các y - BS phải đối mặt với dịch SARS, rồi đến cúm A/H5N1, cúm H1N1… Hằng năm lại luôn luôn có dịch sốt xuất huyết, mấy năm lại có một vụ dịch cúm, dịch sởi, dịch tiêu chảy cấp, dịch tả.

Theo BS Cấp, so với dịch SARS trước đây, những lo lắng về nCoV đã giảm đi nhiều. Thời điểm xảy ra dịch SARS, cả thế giới chưa biết là gì khiến ai cũng hoảng loạn. Còn bây giờ, các BS đã biết đối thủ của mình nên sự lo lắng phần nào đã giảm bớt. Thế nhưng, điều khiến các BS mệt mỏi lại chính là những thông tin giả, tin nhảm trên mạng xã hội. Chính các thông tin này tạo ra những lo lắng không cần thiết, thậm chí khiến người dân chạy theo các xu hướng cực đoan kiểu như thông tin "uống nước tiểu, ăn thực dưỡng để ngừa virus corona".

Sự nhiễu loạn thông tin này lan tới cả BV. Thay vì BV tập trung nhân viên y tế để chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân nhiễm nCoV đang được cách ly thì cách đây ít ngày, BV phải phân công y - BS đi giải thích cho hơn 30 người kéo đến đòi xét nghiệm vì lo lắng. Đã có trường hợp vào gây sự với nhân viên y tế để quay clip với hy vọng nhân viên y tế phản ứng lại một cách không phù hợp là họ sẽ có được một clip câu "like" trên mạng xã hội.

"Những điều này gây ức chế tâm lý rất nặng nề cho các nhân viên y tế trong thời điểm căng thẳng của dịch bệnh" - BS Cấp nói.

BS Bá Đình Thắng, Khoa Cấp cứu, là một trong những BS trực tiếp điều trị các ca nhiễm nCoV. Theo BS Thắng, có những ngày nhận được hàng chục cuộc điện thoại hỏi han thông tin, chia sẻ sự lo lắng về dịch nCoV. Thậm chí, những tin đồn thất thiệt ấy đôi khi cũng khiến các BS cảm thấy khó xử, thậm chí còn bị kỳ thị, đến người thân của nhân viên y tế đang "chống giặc" corona cũng bị vạ lây.

Thời khắc cân não

Với các y - BS BV E (TP Hà Nội), thời khắc giao thừa Tết Canh Tý 2020 cũng là thời khắc thử thách tâm lý. BS Vũ Mạnh Cường, Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, chia sẻ sau giao thừa, theo truyền thống của BV, các BS đi mừng tuổi và thăm bệnh cho các bệnh nhân. Qua hỏi bệnh, thăm khám, chính ông đã phát hiện một bệnh nhân đi xuất khẩu lao động từ Trung Quốc trở về có những biểu hiện nghi ngờ nhiễm nCoV.

Lúc đó dịch chưa "nóng" như bây giờ nhưng BV đã kích hoạt ngay phương án cách ly người bệnh vào khu cách ly hoàn toàn và trấn an nhân viên y tế. Bệnh nhân cũng phản ứng tiêu cực nhưng các BS đã động viên, giải thích kịp thời. Ngay đêm giao thừa, toàn bộ kíp trực đã được tập huấn về phác đồ, cách bảo hộ, xử trí để sẵn sàng cho mọi tình huống xảy ra. Thời điểm đó, để chờ kết quả xét nghiệm phải mất 3-4 ngày nên cũng từng đó thời gian, những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân nghi ngờ phải tự cách ly và ăn Tết ở BV.

Quy trình cách ly nghiêm ngặt

Với thâm niên hàng chục năm làm việc tại môi trường có bệnh truyền nhiễm, BS Trần Văn Giang, Phó trưởng Khoa Virus - Ký sinh trùng BV Bệnh nhiệt đới trung ương, chia sẻ đội ngũ y - BS ở đây ai cũng phải thuộc nằm lòng quy trình khử trùng, cách ly nghiêm ngặt. Ở những khu vực có nguy cơ lây nhiễm thấp, trước khi nhân viên y tế ra về đều phải bảo đảm các điều kiện khử khuẩn, vệ sinh cá nhân (tắm rửa, súc miệng, rửa tay...) nhằm hạn chế tối đa nguy cơ có thể mang virus ra ngoài cộng đồng. Sau khi ra khỏi khu cách ly, đồ bảo hộ chuyên dụng cũng sẽ được tiêu hủy theo đúng quy định

Thông thường, nhân viên y tế sẽ đổi ca 8 giờ/lần và trong thời gian khoảng 4 giờ trực, họ sẽ được cởi bỏ đồ bảo hộ để ra ngoài ăn uống, đi vệ sinh. Ngay cả những hành động rất đơn giản cũng phải thành quy trình kỹ năng như cởi một cái áo ra khỏi người nhân viên y tế, mở một cánh cửa hay rửa đôi bàn tay.

Ngọc Dung - Huy Thanh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nhung-chien-binh-chong-ncov-tran-chien-moi-20200209202128646.htm