Những chiến sỹ Cao Bằng góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975 (kỳ 1)

Đại thắng mùa xuân 1975 là biểu tượng của tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã kết thành một khối thống nhất, huy động sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, làm nên chiến thắng lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều năm trôi qua, ký ức hào hùng về một thời máu lửa vẫn vẹn nguyên trong những người lính quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng đã vinh dự có mặt trong đoàn quân anh dũng làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975.

Kỳ 1: Tự hào mình là người lính được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh

50 năm qua, những người lính tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 hiện đang sinh sống ở quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng cũng không nhiều. Vào những ngày tháng Tư lịch sử này, họ luôn sống trong những ký ức đẹp một thời tuổi trẻ đánh giặc cứu nước, tự hào về những đóng góp của mình vào trang sử vàng của dân tộc; luôn phát huy truyền thống Bộ Bội Cụ Hồ, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào hành động cách mạng, chung tay phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng ở địa phương.

Sôi sục tinh thần "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”

Trong căn nhà cũ tại phường Hợp Giang (Thành phố), ông Nguyễn Thạc Lưu, năm nay đã 71 tuổi, thương binh 41%, nhiễm chất độc hóa học 35% bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian tươi đẹp hào hùng của tuổi trẻ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”, phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, nhằm đáp ứng yêu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam ngày càng khẩn trương, cấp bách, hàng nghìn thanh niên các dân tộc Cao Bằng đã hăng hái lên đường làm nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước. Tháng 2/1974, cùng với những thanh niên với niềm tin cháy bỏng "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” chàng trai Nguyễn Thạc Lưu, 19 tuổi hăng hái theo tiếng gọi của Tổ quốc, lên đường ra trận. Tháng 8/1973, nhập ngũ tại đơn vị C2D10E4F10 - Quân đoàn 3 trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn, với vị trí pháo binh.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng vẫn vẹn nguyên đối với ông Nguyễn Thạc Lưu.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng vẫn vẹn nguyên đối với ông Nguyễn Thạc Lưu.

Thời điểm ấy, hàng triệu thanh niên Việt Nam xung phong lên đường ra trận với tinh thần “chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước”. Bằng tinh thần và tình cảm “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, lớp lớp thanh niên đã xung phong ra trận, "sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến”. Những chuyến hành quân trèo đèo, lội suối, băng qua những khu rừng già đầy gian khó, những trận chiến sinh tử, những ánh mắt đồng đội chia sẻ, động viên nhau từ những bát cơm, củ sắn... như một thước phim quay chậm, tất cả dường như đang diễn ra trước mắt ông.

Đầu tháng 3/1975, trên chiến trường Tây Nguyên, Sư đoàn 10 của ông được tăng cường lực lượng đặc công, pháo binh, cao xạ, nổ súng tiến công quận lỵ Đức Lập - vị trí chiến lược án ngữ giữa Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Ngày 09/3/1975, Sư đoàn 10 nổ súng tấn công Đức Lập. Ngày 10/3/1975, cùng các đơn vị phối hợp tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột mở màn Chiến dịch mùa Xuân năm 1975. Ngày 18/3/1975, Sư đoàn 10 tấn công Chư Cúc, tiêu diệt Sư đoàn 23 Ngụy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên giao, đập tan cuộc phản kích tái chiếm Buôn Ma Thuột, xóa sổ Sư đoàn 23 ngụy, thực hiện thắng lợi trận then chốt thứ hai của chiến dịch, góp phần quan trọng thúc đẩy chiến dịch phát triển.

Sau khi thất thủ ở Chư Cúc - Phước An, địch đã quyết định lập tuyến phòng thủ mới ở Khánh Dương (nay là huyện M’Drắk) và phối hợp với lực lượng Lữ đoàn dù 3 ở đèo M’Drắk chặn cuộc tiến công của ta xuống đồng bằng ven biển miền Trung và Nha Trang. Để đập tan âm mưu của Mỹ - ngụy, Sư đoàn 10 tham gia đánh chiếm quận lỵ Khánh Dương quét sạch địch co cụm tại đây, tiêu diệt hoàn toàn 2 Tiểu đoàn Bảo An và Trung đoàn 40 ngụy. Ngày 29/3/1975, Sư đoàn 10 tham gia đánh Lữ đoàn dù 3 ngụy vớiâm mưu tái chiếm Buôn Ma Thuột và chặn quân ta tiến xuống đồng bằng ở đèo M’Drắk - Phượng Hoàng. Sáng 1/4/1975, ta đã tiêu diệt hoàn toàn Lữ đoàn dù 3 ngụy và chiếm lĩnh đèo Phượng Hoàng, lá chắn phía Tây Ninh Hòa bị đập tan, mở toang cánh cửa phía Đông tiến công xuống đồng bằng giải phóng thành phố Nha Trang và Quân cảng Cam Ranh kết thúc thắng lợi Chiến dịch Tây Nguyên. Tại trận chiến này, nhiều đồng đội của ông đã nằm xuống vì Tổ quốc thân yêu.

Ngày 21/3/1975, đơn vị bị trúng bom của địch, ông và nhiều đồng đội bị vùi lấp, khi tỉnh lại, tai chảy máu và không thể nghe được, răng gẫy rụng (sau này theo bệnh án ông mất 21 chiếc răng); quay sang, ông thấy đồng chí Hoàng Văn Trầu vẫn còn sống, bên cạnh đồng chí Vũ Quang Chiến, người Lục Ninh, tỉnh Bắc Giang đã hy sinh. Sau đó, tai vẫn ù đặc nhưng ông vẫn tiếp tục trận chiến qua Nha Trang, Cam Ranh, Phan Ranh, Phan Thiết, lên Lâm Đồng, quay về Thành phố Hồ Chí Minh. Ông còn nhớ như in ngày 30/4 lịch sử, hôm đó 3 giờ sáng, đơn vị được đội biệt động đưa vào đến Gò Vấp, sau khi tính toán tọa độ trên bản đồ để chuẩn bị bắn pháo, đơn vị cử ông đi cảnh giới, ngay cạnh trại huấn luyện quân của đối phương, để từ đó bắn pháo vào sân bay Tân Sơn Nhất. Thời khắc Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào 11h30 ngày 30/4/1975, chúng tôi vô cùng xúc động, dưới cờ hoa rợp trời những giọt nước mắt đã rơi, bởi để có được những phút giây này biết bao xương máu của anh em chiến sĩ, đồng bào, đồng chí đã đổ xuống để giữ lấy nền độc lập dân tộc.

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sau giải phóng, vết thương cũ tái phát, tai, mũi lại chảy máu, ông chuyển điều trị tại Bệnh viện Quân y 211 và đến tháng 11/1975 xuất ngũ trở về địa phương. Bước ra từ cuộc chiến, đôi tay cầm súng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc năm xưa lại tiếp tục hăng say lao động xây dựng cuộc sống mới.

Trở về với cuộc sống đời thường, trong ông những tháng năm rực lửa Trường Sơn luôn cháy bỏng, những đồng đội đã hy sinh vẫn nằm lại đâu đó trên núi rừng Trường Sơn luôn khiến tim ông quặn thắt. Những năm tháng gian khổ trên chiến trường, cùng ăn, cùng ở, chia nhau từng miếng lương khô, ngụm nước, luôn coi nhau như anh em ruột thịt. Trong những trận đánh ác liệt, kề cận với nhiều hiểm nguy nhưng ai cũng lạc quan với một niềm tin chiến thắng.

Giờ đây, nhiều người con anh hùng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh đã ra đi mãi mãi; nhiều người gia đình, người thân và đồng chí, đồng đội vẫn chưa tìm được mộ, vẫn đau đáu một niềm mong chờ. Mỗi lần trở về chiến trường xưa, những mái đầu bạc trắng lại rưng rưng xúc động, đồng đội ơi, giờ nơi đâu... Ai nấy đều tâm nguyện phải tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sống nghĩa tình; động viên nhau cùng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, xứng đáng với những đồng đội của mình đã anh dũng hy sinh.

Những người lính pháo binh bên những cối pháo tại đơn vị cũ.

Những người lính pháo binh bên những cối pháo tại đơn vị cũ.

Trong một lần trở về chiến trường xưa, như một phép màu, ông đã tìm được đơn vị và giấy tờ liên quan khi ông tham gia chiến dịch (trước đây, do chiến sự năm 1979 nên giấy tờ lưu giữ những năm tháng quân ngũ đã bị mất. Được các chiến sỹ tại Quân đoàn 3 tra tìm giấy tờ, hướng dẫn làm thủ tục, đến năm 2019, ông được hưởng chế độ trợ cấp dành cho người nhiễm chất độc da cam; năm 2021, được hưởng chế độ thương binh; năm 2020, được tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì. Ông đã chia sẻ, hướng dẫn cho những đồng đội trong đơn vị để mọi người cùng tìm lại những hồ sơ, giấy tờ năm xưa.

Thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc chặng đường 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc: Kỷ nguyên đất nước hòa bình, độc lập, thống nhất và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.Đây thực sự là bản anh hùng ca bất diệt của chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh. Những ngày tháng Tư lịch sử này, khi khoác lên mình bộ quân phục, trong ông lại dâng trào cảm xúc và lòng tự hào mình là người lính được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Hồng Chuyên

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nhung-chien-sy-cao-bang-gop-phan-lam-nen-dai-thang-mua-xuan-1975-ky-1-3176517.html