Những chiến sỹ Cao Bằng góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975 (kỳ 7)

Sáng mãi tinh thần Bộ đội Trường Sơn

Những ngày tháng 4 lịch sử, cờ hoa rực rỡ trên con đường dẫn vào ngôi làng truyền thống cách mạng Nà Toàn, tại Tổ 8, phường Đề Thám (Thành phố), chúng tôi được gặp gỡ cựu chiến binh Đoàn Ngọc Tuân. Ở "cái tuổi xưa nay hiếm", trong ông vẫn vẹn nguyên những ký ức nhiệt huyết cả tuổi trẻ tham gia chiến đấu ở tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Ký ức hào hùng ấy mãi là thanh xuân tươi đẹp, một thời những thanh niên nhiệt huyết rèn luyện trở thành đội quân cách mạng sống, chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp, đấu tranh vì nền độc lập dân tộc.

Xứng danh người chiến sỹ thông tin

Từ sau Hiệp định Pari năm 1973, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn cuối đầy ác liệt. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, nhằm đáp ứng yêu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam hàng nghìn thanh niên các dân tộc Cao Bằng đã hăng hái lên đường làm nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước. Thời điểm đó, Cao Bằng là địa phương luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, kế hoạch tuyển quân cả về số lượng, chất lượng và thời gian giao quân. "Thanh niên chúng tôi nhiệt huyết lắm, cả làng cùng rủ nhau đăng ký ra chiến trường", ông Tuân hào hứng kể lại.

Cựu chiến binh Đoàn Ngọc Tuân hồi tưởng lại những năm tháng chiến đấu trên đỉnh Trường Sơn.

Cựu chiến binh Đoàn Ngọc Tuân hồi tưởng lại những năm tháng chiến đấu trên đỉnh Trường Sơn.

Tháng 8/1973, mới bước vào tuổi 18, cùng với bao thanh niên các dân tộc Cao Bằng, chàng thanh niên Đoàn Ngọc Tuân lên đường nhập ngũ, đến tháng 11/1973, hành quân vào Nam, tại Trung đoàn 132, trực thuộc Bộ Tư lệnh Thông tin. Trong cuộc chiến đầy cam go ấy, vị trí nào cũng rất quan trọng, đặc biệt việc giữ thông tin liên lạc là vô cùng quan trọng. Chúng tôi luôn nhớ lời Bác Hồ dạy: "Việc liên lạc là việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mạng, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó bảo đảm thắng lợi". Những lời dạy này của Người đã trở thành kim chỉ nam cho những người lính thông tin, luôn nỗ lực giữ thông tin liên lạc thông suốt dù có phải hy sinh thân mình. Những chiến sỹ thông tin anh dũng phát huy tinh thần bộ đội cụ Hồ trên chiến trường đã góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Vào chiến trường, đến năm 1974, ông là Tiểu đội phó, tháng 1/1975, là Tiểu đội trưởng, ông luôn xông pha trong mọi nhiệm vụ. Thời điểm đó, đơn vị ông được giao nhiệm vụ xây dựng tuyến thông tin liên lạc dây trần vượt rừng Trường Sơn. Hơn 1 năm, từ tháng 11/1973 đến tháng 1/1975, những chiến sỹ thông tin hằng ngày băng rừng, vượt suối chuyển tải đường dây dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù. Thông tin dây trần là loại phương tiện thông tin tốt nhất thời đó, bởi đường dây trần bảo đảm tốt nhất bốn yêu cầu "Nhanh chóng - Chính xác - Bí mật - An toàn". Khó có cách nào truyền lệnh chính xác bằng truyền lệnh trực tiếp bằng miệng, khi đó người nhận lệnh có thể cảm nhận cả những điều không văn bản nào ghi nhận nổi. Ngoài những nội dung mệnh lệnh còn có cả tình cảm con người thể hiện qua âm sắc và nhịp điệu giọng nói con người. Khi ta vượt Trường Sơn đánh Mỹ và nhất là khi lượng kỹ thuật đòi hỏi rất cao. Bởi vì khi đó đường dây phải bảo đảm cho việc ứng dụng công nghệ thông tin mới "Đường dây mang sóng". Các đơn vị thông tin dây trần được tăng cường cả về số lượng và trình độ mọi mặt. Trung đoàn 132, đơn vị duy nhất trong toàn quân làm nhiệm vụ xây dựng đường dây trần, bắt tay vào một công trình có một không hai trên thế giới đó là kéo đường dây quyết thắng vượt Trường Sơn phục vụ chỉ huy đánh Mỹ.

Dưới sự chỉ đạo của vị tướng tài ba - Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, quân ta nhanh chóng xây dựng hệ thống thông tin tải ba, thông tin vô tuyến sóng ngắn và hệ thống dây thông tin đến tất cả các đơn vị trên toàn tuyến. Hệ thống thông tin tải ba được Bộ đội Trường Sơn nối thông suốt tới tất cả các hướng chiến trường của 3 nước Đông Dương, bảo đảm sự chỉ huy từ tổng hành dinh tới tận chiến trường Nam Bộ. Hệ thống điện thoại đã được trang bị cho tất cả cấp đại đội và tương đương, tới các trọng điểm, các trạm phẫu thuật… của toàn chiến trường Trường Sơn.

Để có được thành quả như vậy, lính dây trần rất vất vả, họ luôn phải mang vác nặng nề. Hành trang luôn phải đem theo trên người là súng đạn, lương thực và những thứ không thể thiếu của người lính thông tin, như: dây hãm đồng và dây hãm thép, thiếc hàn, axít, nhựa thông, kìm, cờlê mỏ lết mỏ hàn, dao, rìu... Để chuyển dây, hằng ngày những người lính trước tiên phải phát tuyến mở đường rộng 10 mét ngang, đường kéo dây phải thẳng, sau đó đào, chôn cột, kéo dây. Những vật liệu khi chuyển từ binh trạm vào tuyến đường dây trên đỉnh núi thì phải mang vác bằng vai người lính, những cột sắt, bê tông nặng 90 kg, những cuộn dây nặng 72 kg, bê tông trộn để chôn cột... Bộ đội Trường Sơn đã phải đối mặt với sự đánh phá ác liệt nhất của máy bay và bom đạn Mỹ, với những thủ đoạn tinh vi, tàn bạo và các loại vũ khí tối tân, hiện đại nhất mà Mỹ, ngụy sử dụng trên chiến trường Trường Sơn. Giọng ông chợt nghẹn lại khi nhớ về ký ức trên đỉnh đèo Ngọc Vin, 18 chiếc xe của ta đang vận chuyển bất ngờ bị địch ném bom oanh tạc xé toang bầu trời, khói lửa ngập tràn, đau thương vô cùng... nhưng lúc đấy các lưc lượng cùng nén đau thương, những ánh mắt rực lửa căm thù giặc tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả của mình, đánh đuổi giặc Mỹ, chiến đấu vì độc lập dân tộc thống nhất đất nước.

Lính thông tin đi trước về sau, khi kéo dây hơn 1.000 km đến Ngã ba Đông Dương, đơn vị quay lại Ban Mê Thuột phục vụ chiến dịch Tây Nguyên. Vào thời khắc lịch sử đất nước trọn niềm vui, ngày 30/4/1975, hòa chung niềm vui của nhân dân cả nước, hòa bình rồi, non sông thu về một mối, chúng tôi ôm nhau khóc...

Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ

Sau giải phóng, ông Tuân ở Đắk Lắk với vai trò là quân quản, là quân đội chống thế lực phản động Fulro, giữ bình yên cho nhân dân. Lực lượng công an, quân đội và nhân dân đã đồng lòng, góp sức đẩy mạnh đấu tranh trên nhiều mặt trận để làm tan rã nhiều nhóm Fulro, từng bước ổn định an ninh chính trị địa phương. Đến tháng 12/1984, ông trở về Cao Bằng với vị trí Đại đội trưởng, năm 1988, nghỉ chế độ bệnh binh 75%.

Quê hương sau chiến tranh bị tàn phá nặng nề, nghèo đói là tình hình chung của nhân dân cả nước. Năm 1989, được sự động viên của anh em đồng chí, sự tín nhiệm của nhân dân, ông Tuân làm Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Nà Toàn; tháng 5/1996, là Chủ tịch Hội Nông dân xã Đề Thám; năm 2000, là Bí thư Đảng ủy xã Đề Thám (Hòa An); nhiệm kỳ 2004 - 2011, là Chủ tịch phường Đề Thám (Thành phố). Đến tháng 2/2011, ông nghỉ chế độ hưu trí, vui vầy bên con cháu.

Tự hào và tiếp nối truyền thống gia đình, các con ông phấn đấu học tập, lao động và trưởng thành. Ông có 3 người con, hiện nay hai người con đầu (1 trai, 1 gái) và con dâu, con rể đều công tác trong lực lượng Công an nhân dân. Anh Đoàn Duy Thường, con trai út của ông, hiện công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hòa An chia sẻ: Là thế hệ trẻ chúng tôi luôn biết ơn những đóng góp của cha ông trong công cuộc bảo vệ đất nước, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ chí Minh lịch sử thống nhất nước nhà. Anh em chúng tôi rất tự hào có cha là người đã góp phần làm nên lịch sử. Chúng tôi luôn nỗ lực phấn đấu, góp phần xây dựng quê hương đất nước, để xứng đáng với những hy sinh của lớp lớp cha ông trong các cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước.

50 năm đã trôi qua, trở về với cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Đoàn Ngọc Tuân luôn phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, là người uy tín trong cộng đồng dân cư, gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, góp sức vào công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương đất nước, viết tiếp bản anh hùng ca thầm lặng, tiếp nối tinh thần bộ đội Trường Sơn trong cuộc sống đời thường.

Hồng Chuyên

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nhung-chien-sy-cao-bang-gop-phan-lam-nen-dai-thang-mua-xuan-1975-ky-7-3176828.html