Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2024

Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, quy định mới về giao dịch chứng khoán, quy định mới về mức lãi suất… là những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2024.

 Nhiều chính mới về kinh tế có hiệu lực từ tháng 11/2024.

Nhiều chính mới về kinh tế có hiệu lực từ tháng 11/2024.

9 chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã

Luật Hợp tác xã được quy định chi tiết tại Nghị định 113/2024/NĐ-CP trong đó nêu rõ 9 chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã từ ngày 1/11/2024.

Cụ thể, Nhà nước có chính sách hỗ trợ pháp triển tổ hợp tác, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã gồm: Chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ thông tin; chính sách hỗ trợ xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn; chính sách hỗ trợ nhân rộng mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả; chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chính sách hỗ trợ tiếp cận và nghiên cứu thị trường; chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro; chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp...

Theo đó, Căn cứ Điều 7 Nghị định 113/2024/NĐ-CP, chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tập trung vào hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho các cơ sở giáo dục và các thành viên, cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong lĩnh vực kinh tế tập thể. Nội dung hỗ trợ bao gồm việc xây dựng chương trình, giáo trình, tổ chức đào tạo trong và ngoài nước, hỗ trợ chi phí cho người tham gia, lương và phúc lợi cho người lao động tốt nghiệp, cùng với các chương trình truyền thông và hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực quản lý, sản xuất, kinh doanh trong các tổ hợp tác, hợp tác xã.

Căn cứ Điều 8 Nghị định 113/2024/NĐ-CP, chính sách hỗ trợ thông tin tập trung vào việc cung cấp thông tin cho các tổ hợp tác, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã thông qua Cổng thông tin quốc gia về hợp tác xã. Thông tin bao gồm đăng ký, kế hoạch, dự án hỗ trợ, hướng dẫn kinh doanh, tín dụng, thị trường, và chính sách pháp luật liên quan. Các cơ quan trung ương và địa phương có tài khoản trên cổng này để cung cấp và cập nhật thông tin, đồng thời dữ liệu được tích hợp từ nhiều hệ thống để hỗ trợ tra cứu cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.

Căn cứ Điều 9 Nghị định 113/2024/NĐ-CP, chính sách hỗ trợ xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn nhằm hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã, cùng các cá nhân, tổ chức tư vấn cho họ. Nội dung hỗ trợ bao gồm xây dựng và nâng cao năng lực mạng lưới tư vấn, giúp các tổ hợp tác, hợp tác xã tiếp cận dịch vụ tư vấn về nhân sự, tài chính, sản xuất, bán hàng, quản trị và các lĩnh vực khác liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Căn cứ Điều 10 Nghị định 113/2024/NĐ-CP, chính sách hỗ trợ nhân rộng mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả tập trung vào việc củng cố, hoàn thiện các mô hình hợp tác xã hiệu quả và hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm. Nội dung hỗ trợ bao gồm tổ chức hội nghị, hội thảo, tham quan, khảo sát và tư vấn, giúp xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh từ các mô hình thành công.

Căn cứ Điều 11 Nghị định 113/2024/NĐ-CP, chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm giúp các tổ hợp tác, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã chuyển đổi quy trình kinh doanh, sản xuất, quản trị và mô hình kinh doanh. Nội dung hỗ trợ bao gồm tư vấn và cung cấp giải pháp chuyển đổi số, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, phát triển phần mềm dùng chung miễn phí và xây dựng trang thông tin điện tử kết nối với Hệ thống thông tin quốc gia về hợp tác xã.

Căn cứ Điều 12 Nghị định 113/2024/NĐ-CP, chính sách hỗ trợ tiếp cận và nghiên cứu thị trường giúp tổ hợp tác, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã tiếp cận thông tin pháp lý, kinh tế và thị trường. Nội dung hỗ trợ bao gồm cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, áp dụng tiêu chuẩn chất lượng, phát triển thị trường, và tham gia sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, còn hỗ trợ chi phí thuê địa điểm và quảng bá sản phẩm tại các địa phương.

Căn cứ Điều 13 Nghị định 113/2024/NĐ-CP, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và trang thiết bị cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhằm phục vụ sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, và phát triển chuỗi cung ứng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Căn cứ Điều 15 Nghị định 113/2024/NĐ-CP, chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro nhằm hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức đại diện của họ. Nội dung hỗ trợ bao gồm chi phí kiểm toán cho các hợp tác xã siêu nhỏ và nhỏ, cũng như hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức đại diện trong việc đánh giá rủi ro, tư vấn tài chính, kiểm soát và kiểm toán nội bộ.

Căn cứ Điều 16 Nghị định 113/2024/NĐ-CP, chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp dành cho tổ hợp tác, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong nông nghiệp, bổ sung các hỗ trợ ngoài các chính sách quy định trong Nghị định 113/2024/NĐ-CP. Nội dung hỗ trợ bao gồm vốn, giống và trang thiết bị cho sản xuất bền vững và nông nghiệp hữu cơ, cũng như chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu, như công trình thủy lợi, giao thông nội đồng và hạ tầng nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi.

Quy định mới về giao dịch chứng khoán

Từ ngày 2/11, Thông tư 68/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán chính thức có hiệu lực.

Thông tư sửa đổi, bổ sung việc nhà đầu tư phải có đủ tiền khi đặt lệnh mua chứng khoán, ngoại trừ các trường hợp: Nhà đầu tư giao dịch ký quỹ theo quy định; Tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh theo quy định.

Đồng thời bổ sung công ty chứng khoán thực hiện đánh giá rủi ro thanh toán của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức để xác định mức tiền phải có khi đặt lệnh mua cổ phiếu (nếu có) theo thỏa thuận giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức hoặc đại diện theo ủy quyền của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.

Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức không thanh toán đủ tiền cho giao dịch mua cổ phiếu, nghĩa vụ thanh toán giao dịch thiếu tiền được chuyển cho công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức đặt lệnh thông qua tài khoản tự doanh.

Các khoản lỗ, lãi và chi phí khác phát sinh khi thực hiện giao dịch theo quy định được thực hiện theo thỏa thuận giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức hoặc đại diện theo ủy quyền của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.

Ngân hàng lưu ký nơi nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức mở tài khoản lưu ký chứng khoán chịu trách nhiệm thanh toán giao dịch thiếu tiền và các chi phí phát sinh (nếu có) trong trường hợp xác nhận sai số dư tiền gửi của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức với công ty chứng khoán dẫn tới thiếu tiền thanh toán giao dịch mua cổ phiếu.

Quy định mới về mức lãi suất

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành hàng loạt Thông tư quy định về mức lãi suất của tổ chức, cá nhân có hiệu lực từ ngày 20/11/2024.

Cụ thể, loạt Thông tư này gồm: Thông tư 46/2024/TT-NHNN về quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Điều 3 về lãi suất, nêu rõ: “Tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ không vượt quá mức lãi suất tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ đối với tiền gửi của tổ chức và tiền gửi của cá nhân.

Lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ quy định tại Thông tư này bao gồm các khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức, áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ và các phương thức trả lãi khác được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ.

Tổ chức tín dụng niêm yết công khai lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng và đăng tải trên trang thông tin điện tử (nếu có) của tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi không được thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật”.

Thông tư 47/2024/TT-NHNN ban hành ngày 30/9/2024 sửa đổi khoản 3 Điều 3 Thông tư số 04/2022/TT-NHNN ngày 16/6/2022 về việc sửa đổi hình thức tiền gửi rút trước hạn từ chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành thành “chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng phát hành”.

Thông tư 48/2024/TT-NHNN ban hành ngày 30/9/2024 Quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; trong đó nêu rõ lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam: Không vượt quá lãi suất tối đa với tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn dưới 1 tháng, có kỳ hạn từ 1 - dưới 6 tháng trong từng thời kỳ và từng loại hình tổ chức tín dụng.

H.A

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/nhung-chinh-sach-kinh-te-noi-bat-co-hieu-luc-tu-thang-112024-94556.html