Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7/2024

Tăng lương cơ sở; Thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước; Chuyển khoản trên 10 triệu phải xác thực bằng khuôn mặt...là chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2024.

Chuyển khoản trên 10 triệu phải xác thực bằng khuôn mặt

Ngày 18/12/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 2345 triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, có hiệu lực từ 1/7/2024.

Theo đó, từ 1/7, nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng và tổng số tiền chuyển các lần trong ngày không quá 20 triệu đồng thì xác thực bằng mã OTP, không cần xác thực bằng khuôn mặt, vân tay.

Nếu chuyển tiền trên 10 triệu đồng thì bắt buộc phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay.

 Chuyển khoản trên 10 triệu phải xác thực bằng khuôn mặt.

Chuyển khoản trên 10 triệu phải xác thực bằng khuôn mặt.

Nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng giao dịch trong ngày đã chạm mốc 20 triệu thì đến lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay, dù lần tiếp theo đó chỉ chuyển vài nghìn đồng.

Căn cước thay thế căn cước công dân

Từ 1/7, Bộ Công an triển khai cấp thẻ căn cước thay cho thẻ căn cước công dân. Mẫu thẻ mới sẽ không còn thông tin về đặc điểm nhân dạng, vân tay ngón trỏ trái và ngón trỏ phải; mục "nơi đăng ký khai sinh" và "nơi cư trú" sẽ chuyển sang mặt sau của thẻ thay vì mặt trước như hiện nay.

Luật Căn cước còn mở rộng đối tượng được cấp thẻ căn cước với người dưới 14 tuổi (theo nhu cầu chứ không bắt buộc). Đặc biệt, khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước, người dân sẽ bắt buộc phải cung dữ liệu về mống mắt.

Hiện nay, Bộ Công an đã trang bị cơ sở vật chất, nâng cấp phần mềm, tổ chức tập huấn… cho công an các địa phương, sẵn sàng cấp thẻ căn cước theo chính sách mới, phục vụ nhu cầu của người dân.

Cấm bán bảo hiểm không bắt buộc đi kèm khoản vay

Kể từ 1/7, luật Các tổ chức tín dụng nghiêm cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Luật này cũng quy định giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông trong tổ chức tín dụng. Trong đó, một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% (trước đây là 15%), cổ đông và người liên quan không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% (trước đây là 20%) vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

Riêng với nhà đầu tư nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần tối đa sẽ do Chính phủ quy định cụ thể.

Chồng không được ly hôn khi vợ đang mang thai, dù có thai với bất cứ ai

Ngày 16/5, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/7.

Theo đó, khoản 4, 5 Điều 2 Nghị quyết quy định: Vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt có thai, sinh con với ai. Vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, chồng cũng không có quyền yêu cầu ly hôn (không phân biệt con đẻ, con nuôi).

Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau: Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Điều luật không phân biệt vợ nuôi con dưới 12 tháng tuổi là con của chồng hay con của người khác. Do vậy, khi đứa trẻ dưới 12 tháng tuổi thì bất luận là con của ai, người chồng cũng không có quyền ly hôn.

Như vậy, không phải là từ ngày 1/7, mà từ trước đến nay pháp luật (cụ thể là Luật Hôn nhân và gia đình 2014) đã quy định chồng không có quyền ly hôn khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi bất luận là con của ai.

Việc Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết nói trên là một lần nữa minh định quyền ly hôn của người chồng khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Tăng lương cơ sở

Từ ngày 1/7, nhiều chính sách mới có hiệu lực thi hành, trong đó mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng/tháng.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết đồng ý cải cách tiền lương với phương án tăng lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng một tháng từ 1/7/2024.

 Tăng lương cơ sở.

Tăng lương cơ sở.

Quốc hội cũng đồng ý tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng. Người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng; người hưởng từ 3,2 triệu đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn cũng tăng 35,7% từ 2,055 lên 2,789 triệu đồng/tháng. Chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9%, từ 360.000 lên 500.000 đồng/tháng; lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6% áp dụng từ 1/7.

Anh Thư

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/nhung-chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-thang-72024-89895.html