Những chính sách mới thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp

Người lao động thất nghiệp tham gia đào tạo nghề sẽ được nhận mức hỗ trợ học phí 1,5 triệu đồng/ tháng, tối đa không quá 4,5 triệu/khóa đào tạo 3 tháng và bãi bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với giáo viên dạy nghề được xem là những chính sách mới góp phần thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới.

Tăng hỗ trợ học nghề

Từ 15-5-2021, người lao động thất nghiệp tham gia đào tạo nghề sẽ được nhận mức hỗ trợ học phí 1,5 triệu đồng/tháng, tối đa không quá 4,5 triệu/khóa đào tạo 3 tháng. Đây là điểm mới đáng chú ý dành cho lao động thất nghiệp được quy định trong Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 31-3. So với mức hỗ trợ hiện hành của Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg tối đa 1 triệu đồng/ tháng thì mức hỗ trợ mới tăng thêm 500 nghìn đồng/tháng.

Theo Quyết định 17/2021/QĐ-TTg, đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.

Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Người lao động thất nghiệp tham gia đào tạo nghề sẽ được nhận mức hỗ trợ học phí 1,5 triệu đồng/tháng (Ảnh minh họa)

Người lao động thất nghiệp tham gia đào tạo nghề sẽ được nhận mức hỗ trợ học phí 1,5 triệu đồng/tháng (Ảnh minh họa)

Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là 1/2 tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 1 tháng. Quyết định 17/2021/QĐ-TTg áp dụng với người lao động được hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm; cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được thực hiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề nghiệp cho người lao động.

Đơn vị triển khai các thủ tục hỗ trợ học nghề của người lao động là Sở LĐ-TB&XH tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan bảo hiểm xã hội; trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập và các cơ quan có liên quan đến việc hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Quyết định cũng nêu rõ: Hồ sơ đề nghị học nghề và giải quyết hỗ trợ học nghề được thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 61/2020/NĐ-CP).

Hằng tháng, cơ sở đào tạo nghề nghiệp thực hiện các thủ tục thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 25 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 61/2020/NĐ-CP).

Đối với người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa có quyết định hỗ trợ học nghề thì được áp dụng mức hỗ trợ học nghề theo các quy định tại Quyết định này.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, thời gian qua, số lao động thất nghiệp có nguyện vọng và được hỗ trợ học nghề còn thấp. Một trong những nguyên nhân là do mức hỗ trợ học nghề hiện nay còn thấp. Người lao động thất nghiệp tham gia học nghề chỉ được hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/tháng và thời gian hỗ trợ ngắn nên chưa đáp ứng được một số nghề đòi hỏi trình độ trung cấp trở lên của người tham gia. Việc nâng mức hỗ trợ theo đó sẽ tạo điều kiện hơn cho lao động thất nghiệp học nghề để sớm quay trở lại thị trường lao động. Đồng thời góp phần thu hút lao động thất nghiệp tham gia học nghề.

Bỏ quy định về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho giáo viên dạy nghề

Cụ thể, theo quy định của Thông tư số 21/2020/TT-BLĐTBXH: Yêu cầu về ngoại ngữ đối với nhà giáo GDNN không còn quy định bắt buộc phải đảm bảo bậc 01, bậc 02 theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT về khung năng lực ngoại ngữ 06 bậc dùng cho Việt Nam.

Đồng thời, yêu cầu về trình độ tin học đối với nhà giáo GDNN không còn bắt buộc phải đạt Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin theo Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT.

Theo Vụ Nhà giáo, Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH), quy định này không có nghĩa là yêu cầu về ngoại ngữ, tin học đối với nhà giáo GDNN được “xem nhẹ” hoặc “hạ thấp”. Ngược lại, các quy định đã được nghiên cứu, điều chỉnh một cách hợp lý để đảm bảo các yêu cầu về năng lực này được quy định hiệu quả và thực chất hơn.

Thay vì quy định bắt buộc phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ thì Thông tư số 21/2020/TT-BLĐTBXH yêu cầu nhà giáo phải có năng lực sử dụng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm do người đứng đầu cơ sở GDNN quy định. Qua đó, tăng cường phân cấp, tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với cơ sở hoạt động GDNN.

Chính thức bãi bỏ yêu cầu bắt buộc về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với giáo viên dạy nghề (Ảnh tư liệu)

Chính thức bãi bỏ yêu cầu bắt buộc về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với giáo viên dạy nghề (Ảnh tư liệu)

Trước đó, theo quy định tại Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10-3-2017 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo GDNN: Nhà giáo GDNN phải có chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học. Cụ thể: Nhà giáo dạy trình độ sơ cấp phải có trình độ ngoại ngữ Bậc 1 (A1); nhà giáo dạy trình độ trung cấp, cao đẳng phải có trình độ ngoại ngữ Bậc 2 (A2) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24-1-2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương trở lên (sau đây gọi là Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT);

Nhà giáo dạy trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng phải có trình độ tin học đạt Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11-3-2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin hoặc tương đương trở lên (sau đây gọi là Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT).

Việc bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với nhà giáo GDNN kể từ ngày 10-3-2021 là một điều chỉnh hợp lý để đáp ứng yêu cầu thực tế cũng như giảm chứng chỉ, bằng cấp “không cần thiết”. Yêu cầu về ngoại ngữ, tin học được cụ thể hóa trong thực hiện nhiệm vụ của nhà giáo sẽ giúp nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học một cách hiệu quả và thực chất.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-chinh-sach-moi-thuc-day-giao-duc-nghe-nghiep-233582.html