Những chính sách, quy định mới về giáo dục bắt đầu triển khai từ năm 2023
Vừa qua, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động ở các lĩnh vực: Chuyển đổi số, khoa học và công nghệ, đào tạo, tài chính, công tác chính trị học sinh sinh viên.
Quy định mới về bồi dưỡng thường xuyên giáo viên
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 17/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên. Đáng chú ý, quy định mới đã bổ sung đối tượng áp dụng của Thông tư này:
Giáo viên đang nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập;
Giáo viên đang giảng dạy tại trường tiểu học, trường THCS, trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông dành cho người khuyết tật; Giáo viên đang giảng dạy tại trung tâm giáo dục thường xuyên. Thông tư có hiệu lực từ 20/1/2023.
Quy định mới về thi chọn học sinh giỏi quốc gia
Thông tư số 2 năm 2023 sửa đổi của Bộ GD&ĐT được bổ sung một số điều của Quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia có hiệu lực từ 21/2. Những sửa đổi này liên quan đến đối tượng và điều kiện dự thi, số lượng thí sinh, hồ sơ thí sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia…
Theo đó, đối tượng và điều kiện dự thi là học sinh đang học ở cấp THPT, có xếp loại hạnh kiểm (hoặc rèn luyện) và học lực (hoặc học tập) từ khá trở lên theo kết quả cuối kỳ (hoặc năm học) liền kề với kỳ thi và được chọn vào đội tuyển của đơn vị dự thi.
Về số lượng thí sinh trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị dự thi (trừ đơn vị dự thi Hà Nội) có tối đa 6 thí sinh. Đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong 2 kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp được Bộ GD&ĐT xét tăng đến tối đa 10 thí sinh.
Đội tuyển mỗi môn thi của đơn vị dự thi Hà Nội có tối đa 12 thí sinh. Đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong 2 kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp được Bộ GD&ĐT xét tăng đến tối đa 20 thí sinh.
Cơ sở giáo dục thường xuyên được quản lý bởi 2 bộ
Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 1 năm 2023, theo đó ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX). Quy chế này có hiệu lực từ 22/2. Theo đó, Trung tâm GDNN-GDTX là cơ sở GDTX thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và là đơn vị sự nghiệp công lập có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
Trung tâm chịu sự quản lý nhà nước về GDTX của Bộ GD&ĐT; hoạt động GDNN của Bộ LĐ-TB&XH đồng thời chịu sự quản lý nhà nước trên địa bàn của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi trung tâm đặt trụ sở chính. Trung tâm thực hiện tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật.
Trung tâm sẽ tổ chức thực hiện các chương trình giáo dục, đào tạo gồm chương trình xóa mù chữ; chương trình giáo dục thuộc chương trình để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: chương trình GDTX cấp THCS và cấp THPT cho đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người tdàn tật, khuyết tật, đối tượng trong độ tuổi học phổ thông theo kế hoạch hằng năm của địa phương, người lao động có nhu cầu hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Trường đại học được thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109 quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học (ĐH), có hiệu lực từ 1/3. Nghị định này quy định về tổ chức và quản lý hoạt động khoa học, công nghệ trong cơ sở giáo dục ĐH, đồng thời quy định về nhóm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu mạnh, các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; liêm chính học thuật; đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ...
Chính phủ yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH ban hành bộ quy tắc về liêm chính học thuật trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đảm bảo nguyên tắc trung thực, trách nhiệm, công bằng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn và theo thông lệ quốc tế.
Đồng thời, cơ sở giáo dục ĐH phải ban hành các quy định nội bộ công cụ để kiểm soát, biện pháp xử lý vi phạm để ngăn chặn hành vi đạo văn, gian lận và bịa đặt trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nghị định còn quy định các cơ sở giáo dục ĐH được thành lập doanh nghiệp theo pháp luật về doanh nghiệp và được đăng ký chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Thanh toán không dùng tiền mặt đối với việc thu học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục
Quyết định số 4597/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về việc ban hành quy định kỹ thuật về dữ liệu trong thanh toán không dùng tiền mặt đối với việc thu học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục
Quy định này áp dụng đối với: Các cơ sở giáo dục (CSGD) bao gồm: CSGD mầm non, CSGD phổ thông, CSGD thường xuyên, CSGD đại học, trường cao đẳng sư phạm và trường cao đẳng có đào tạo ngành Giáo dục Mầm non. Quy định cụ thể các nội dung sau: Quy định cấu trúc thông tin tối thiểu của giao dịch thanh toán cần lưu trữ khi triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đối với việc thu học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục; quy định về định dạng cấu trúc và thành phần dữ liệu QR Code trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; yêu cầu về kết nối giữa hệ thống thanh toán của CSGD với hệ thống của tổ chức cung ứng dịch vụ.