Những chốt gác đặc biệt ở biên giới

Trên tuyến biên giới dài gần 100km, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đã tổ chức 134 tổ chốt chặn, kiểm soát lưu động trên biên giới, khu vực biên giới, với gần 800 cán bộ, chiến sĩ tham gia làm nhiệm vụ. Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn kể chuyện về các chốt gác đặc biệt ở vùng biên giới...

“Chốt chim” là tên gọi đùa mọi người đặt cho chốt phòng, chống dịch bệnh Covid-19 số 6 (Đồn Biên phòng Vĩnh Gia, Tri Tôn) cho dễ nhớ, bởi lúc nào cũng có vài ngàn chú chim sẻ, chim sáo tụ họp về đây. Nhiều năm nay, chúng làm tổ trên các nhánh cây, vì cảm nhận được sự bình yên của khu vực. Lúc ấy, thưa thớt người qua lại, chốt gác chưa có, con đường mòn đang chậm rãi hiện ra.

Năm 2012-2013, chốt được hình thành để đảm bảo việc xây dựng cột mốc 285, dạo gần đây được kiêm thêm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh. Kể từ ngày có chốt gác, có cán bộ, chiến sĩ (CBCS) tới lui, dựng tạm mái nhà trên đường đi, bầy chim lại càng nhiều hơn! Đó là do CBCS thường xuyên rải gạo, lúa “đãi” chim. Hoặc có thức ăn gì cũng chừa ra cho chúng một ít. Riết rồi chúng dạn dĩ hẳn, không biết sợ là gì. Hôm nào không đủ ăn, chúng chuyển sang “ăn mặn”, giành luôn cả phần thức ăn của chó. Thú vị đến thế là cùng!

Có thể nói, đây là một trong số ít chốt gác được tận hưởng không gian mát mẻ, nằm dưới bóng mát của cây lâm vồ xoài, mận, si, lộc vừng... Giữa trưa nắng, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi chen lẫn tiếng chim hót ríu rít, nghe bình yên vô cùng.

Đại úy Bùi Văn Thi kể: “Sáng sớm, chim kêu hót tưng bừng, cứ như gà báo thức. Trong trận mưa cách đây mấy hôm, chim bị ướt, gió giông quật chúng “rụng” xuống đất, chắc cũng khoảng 200 con. Chúng tôi bưng chúng vào chuồng gà tránh mưa. Sáng hôm sau, khô ráo, khỏe mạnh trở lại, chúng bay lên cây, “như chưa từng có cuộc chia ly” cùng bầy đàn. Nhưng buồn một nỗi, non nửa số chim còn lại bé quá, sức yếu, không vượt qua được cơn mưa giông...”.

Xa nhà, gánh vác nhiệm vụ nặng nề trên vai, những chú chim ấy như trở thành bạn thân thiết của các anh. Những lúc vắng người, rỗi rãi, các anh lại nghe tiếng chim hót, cảm thấy bớt tịch mịch, bớt nỗi nhớ nhà...

Đi sâu vào cánh đồng biên giới một chút, chúng tôi đến chốt phòng, chống dịch bệnh Covid-19 số 7. Một bên là nơi giữ vịt của người dân, bên kia là bạt ngàn lúa xanh mát mắt, chốt nằm giữa hàng cây tràm, với 3 chiếc giường kê sát, miếng vải bạt phủ lên trên. Cũng như các chốt dã chiến khác, 4 CBCS phải liên tục đi tuần tra biên giới. Thời gian rảnh rỗi, họ quây quần bên nhau, cùng ăn, cùng ngủ.

“Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mì gói vẫn là thức ăn chủ yếu vì tiện lợi, nhanh chóng. Tận dụng thêm rau muống đồng, thêm ít cá mua ngoài chợ, chúng tôi đã xong bữa ăn. Bà con thương mến, hay đi ngang gửi cái này, tặng cái kia ăn lấy thảo. Nhưng khổ một nỗi, chuột cứ canh ruộng lúa mà nhào đến. Thức ăn, chén đũa để sơ sẩy một chút là tiêu với chúng. Thành ra, chúng tôi phải tự đóng một kệ chén 2 tầng, đề phòng chuột phá hoại” - chiến sĩ Đỗ Vũ Đạt chia sẻ.

Người dân gửi mấy cái rập chuột, CBCS sẵn tay đặt dọc theo bờ ruộng. Lúc chúng tôi đến, thiếu úy Nguyễn Văn Khá giở mấy chiếc rập lên, bên trong là đám chuột xấu số nằm phơi bụng. Chúng tôi không gọi chốt số 6 nữa, mà chuyển sang gọi “chốt chuột” cho dễ nhớ!

Tối, chúng tôi có mặt ở Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn (TP. Châu Đốc). Xuống vỏ lãi, tôi xuôi theo kênh Vĩnh Tế, rồi ngoặt vào rạch Miễu Ngói Lớn, ghé thăm một chốt gác nơi đây. Gió sông phả vào mặt, mát rượi, nhưng nghe lành lạnh, báo hiệu cơn mưa giông đang kéo đến.

Lúc này, CBCS trong tổ đang chia nhau trái xoài, gói mì (toàn là thức ăn do người dân gửi tặng), chuẩn bị sức để đi tuần tra đêm. Đang tác nghiệp, tôi cảm giác thứ gì đó mềm mại quấn lấy chân mình. Thấy tôi ngạc nhiên, thiếu úy Nguyễn Văn Linh cho biết, đó là chú chó tên Bông, mới mấy tháng tuổi thôi, nhưng đã bám trụ cùng tổ suốt 2-3 tháng nay.

Linh kể: “Nước trong rạch khi cạn khi đầy, không thuận tiện di chuyển, nên chúng tôi nhờ người dân đi đồng ghé chợ mua thức ăn dùm. Bông ngoan lắm, chúng tôi ăn gì, Bông ăn nấy, kể cả mì gói. Mấy hôm trước, mưa gió làm tốc cả lều trại, chỉ còn khoảng 1m2 trong lều khô ráo, nên ai nấy đều thức tới sáng. Bông cũng chịu trận chung”.

Ban ngày, Bông nhiệt tình, xông xáo đi “tuần tra”, thấy gì lạ trên đồng là “lên tiếng” ngay. Đêm khuya, CBCS thay nhau thức canh gác, Bông chịu trách nhiệm để ý chuột bọ. Chú chó hiếu động, sểnh ra một chút là lao mình xuống sình, mặt lấm lem vẫy đuôi chờ được tắm. Có chú chó này, tổ chốt như thêm một người bạn, chia sẻ cùng nhau khó khăn, vất vả. Tiếng cười thi thoảng vang lên, xua bớt sự trống trải giữa đồng...

Thật ra, mỗi tổ chốt trên tuyến biên giới đều rất đặc biệt, chất chứa những câu chuyện đặc biệt về người lính trong thời bình, đang ngày đêm chống “giặc Covid-19”. Không than vãn, không nói quá nhiều về chính mình, từng người lính tôi gặp vẫn luôn giữ nụ cười trên môi, sự lạc quan từ suy nghĩ đến lời nói. Họ tìm thấy niềm vui nhỏ bé trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, để vững lòng vào một ngày gần nhất “hết dịch để được trở về nhà”.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nhung-chot-gac-dac-biet-o-bien-gioi-a269670.html