Những chuyến bay 'chữa lành'

Liên hợp quốc vừa nối lại các chuyến bay nhân đạo tới Thủ đô Port-au-Prince, Haiti từ ngày 20/11, sau khi tạm dừng hơn một tuần do các cuộc tấn công nhằm vào ba chuyến bay thương mại. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao quyết định của Liên hợp quốc, ví như những chuyến bay 'chữa lành' chở hàng viện trợ nhân đạo cho người dân Haiti, vốn đang khốn đốn trong vòng xoáy bạo lực gia tăng nghiêm trọng ở quốc gia Caribe này.

Máy bay của hãng Spirit Airlines bị trúng đạn khi hạ cánh xuống sân bay ở Haiti. (Ảnh New York Post).

Máy bay của hãng Spirit Airlines bị trúng đạn khi hạ cánh xuống sân bay ở Haiti. (Ảnh New York Post).

Ngày 12/11, Liên hợp quốc đã phải tạm ngừng các chuyến bay tới Thủ đô Port-au-Prince, sau khi ba máy bay thương mại của Mỹ đang trong quá trình hạ cánh bị trúng đạn của các băng nhóm vũ trang. Các vụ tấn công gây nguy hiểm đến an toàn bay khiến Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) áp đặt lệnh cấm tất cả máy bay của Mỹ bay vào không phận Haiti trong vòng 30 ngày.

Tuy nhiên, theo thông báo của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Cơ quan quản lý dịch vụ hàng không nhân đạo của Liên hợp quốc (UNHAS), các chuyến bay nhân đạo của các tổ chức quốc tế được nối lại hoạt động từ ngày 20/11, để vận chuyển hàng hóa nhân đạo và người dân.

Quyết định của Liên hợp quốc được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, với mục đích hỗ trợ nhân đạo, không bỏ người dân Haiti ở lại phía sau trong bối cảnh tình hình bạo lực tại quốc gia Caribe, nhất là ở Thủ đô Port-au-Prince, vẫn bùng phát nghiêm trọng.

Hầu hết các khu vực trong thành phố đang nằm dưới sự kiểm soát của các băng nhóm vũ trang, gây cản trở công tác cứu trợ và tiếp cận những người cần giúp đỡ, cũng như những đối tượng dễ bị tổn thương. Giám đốc Văn phòng Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Haiti, ông Gregoire Goodstein bày tỏ quan ngại trước thực trạng các tổ chức nhân đạo chỉ tiếp cận được người dân ở 20% diện tích Thủ đô Port-au-Prince.

Theo đánh giá của quan chức này, hoạt động nhân đạo ở thành phố Port-au-Prince gần như tê liệt dưới sự kiểm soát của các băng nhóm tội phạm vũ trang. Theo thống kê chưa đầy đủ của IOM, chỉ trong bốn ngày cuối tuần qua, có hơn 20 nghìn người dân ở Port-au-Prince phải di dời do bạo lực bùng phát, đánh dấu cuộc di tản lớn nhất trong hơn một năm qua. Đặc biệt, hơn 50% số người di dời là trẻ em, vốn đang đối mặt tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng, các đợt bùng phát bệnh tả, căng thẳng tâm lý nặng nề và nhiều mất mát đau thương.

Trong thông cáo báo chí, IOM cho biết khoảng 17 nghìn trong số 20 nghìn người di dời nêu trên đang được trú trong các nhà ở tạm thời, nhiều người trong số họ đã phải di dời nhiều lần. IOM nhận định quy mô di dời như vậy là chưa từng thấy kể từ tháng 8/2023. Giám đốc Văn phòng IOM tại Haiti Gregoire Goodstein cho biết khả năng cung cấp viện trợ của tổ chức này đã đến giới hạn và cần sự hỗ trợ quốc tế ngay lập tức.

Ông cảnh báo sự cô lập đối với Port-au-Prince đang làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo vốn đã rất tồi tệ ở đây. Tình trạng trên được ghi nhận trong bối cảnh Thủ tướng Alix Didier Fils-Aime vừa tuyên thệ nhậm chức hôm 11/11, thay thế Thủ tướng tiền nhiệm Garry Conille, người bị Hội đồng chuyển tiếp (CPT) của Haiti phế truất sau 5 tháng nắm quyền.

Tình trạng tội phạm bạo lực ở Port-au-Prince vẫn ở mức cao, với các băng nhóm được trang bị vũ khí kiểm soát 80% thành phố, bất chấp việc một lực lượng quốc tế do Kenya đứng đầu đã được triển khai để giúp cảnh sát Haiti khôi phục trật tự.

Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, tính từ đầu năm đến nay, bạo lực liên quan các băng nhóm tội phạm đã làm hơn 4.000 người thiệt mạng ở Haiti. Tân Thủ tướng Haiti Alix Didier Fils-Aime từng lên án mạnh mẽ các vụ tấn công và chỉ đạo lực lượng thực thi pháp luật giành lại quyền kiểm soát sân bay quốc tế ở thủ đô, nhưng phần lớn diện tích Port-au-Prince vẫn do các băng nhóm vũ trang kiểm soát.

IOM và các đối tác vẫn đang nỗ lực hỗ trợ những người di dời, bao gồm việc cung cấp các khoản trợ cấp cho chi phí thuê nhà và triển khai các phòng khám di động để cung cấp dịch vụ y tế. IOM cũng hỗ trợ tâm lý xã hội, nỗ lực đoàn tụ gia đình và trợ giúp các nạn nhân của bạo lực. Cộng đồng quốc tế hy vọng với nỗ lực của IOM và các tổ chức nhân đạo, cuộc sống của người dân Haiti sẽ dần trở lại bình thường, an ninh và ổn định ở quốc gia Caribe được khôi phục.

Theo Báo Nhân Dân

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/quoc-te/202411/nhung-chuyen-bay-chua-lanh-5b8237d/