Những chuyến 'bay xanh'
Hiện nay, các hãng hàng không đang chịu áp lực đáng kể nhằm cải thiện hình ảnh bền vững của mình theo hướng thân thiện hơn với môi trường.
Lượng khí nhà kính cùng rác thải máy bay tăng dần khiến ngành hàng không trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận, đặt ra yêu cầu những biện pháp phù hợp cần được áp dụng để tạo nên các chuyến bay “xanh” hơn.
Trong bối cảnh này, xu hướng sử dụng nguyên liệu thay thế trong thiết kế và nhiên liệu mới, cùng thử nghiệm giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần, bắt đầu xuất hiện trong nhiều chuyến bay, đánh dấu những bước đi quan trọng trong hành trình “xanh hóa” ngành hàng không của tương lai.
Nâng cấp phương tiện bay
Kể từ chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 1/1914, ngành hàng không đã đóng góp một lượng lớn khí thải vào tiến trình làm trầm trọng thêm ô nhiễm không khí trên toàn cầu.
Dưới sức ép từ các tổ chức xã hội và cá nhân hoạt động môi trường, ngành hàng không thế giới hứng chịu nhiều chỉ trích liên quan đến các chuyến bay “đáng xấu hổ”. Các hãng bay vẫn còn hoạt động quá chậm khi ngày càng có nhiều bằng chứng xuất hiện về tác động tàn phá của biến đổi khí hậu.
Tại Thụy Điển, ca sĩ Staffan Lindberg đã khởi đầu phong trào yêu cầu ngừng bay, kêu gọi nâng cao nhận thức về ô nhiễm không khí và bày tỏ mong muốn một ngành hàng không “khí thải sạch”.
Trong bối cảnh này, nhiều “đại gia” sản xuất máy bay như Boeing và Airbus cam kết giảm tới 50% lượng phát thải nhà kính sau ba thập niên nữa, đồng thời một số quốc gia bao gồm Thụy Điển tuyên bố không còn khí thải ô nhiễm vào cùng thời hạn trên.
Cho đến tháng 7/2019, 81 quốc gia (gồm hai “ông lớn” phát thải khí nhà kính là Anh và Mỹ) - tương đương khoảng 77% hoạt động hàng không toàn cầu - đã cam kết tham gia Cơ chế giảm và bù đắp carbon đối với hàng không quốc tế (CORSIA) của Liên Hiệp Quốc. Mục tiêu của CORSIA là giải quyết bất kỳ sự gia tăng hàng năm trong tổng lượng khí thải CO2 từ hoạt động hàng không dân dụng quốc tế so với mức năm 2020.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, giảm khí thải là một nhiệm vụ khó khăn đối với ngành công nghiệp hàng không với chu kỳ phát triển phải mất 10 năm và các loại máy bay đã được sản xuất có thể bay tới nửa thế kỷ. Dù vậy, dưới áp lực cải thiện hình ảnh bền vững, ngành hàng không vài năm trở lại đây đang bắt đầu chuyển mình, với sự xuất hiện của những động thái “xanh”.
Trước hết, họ tập trung cải thiện tính hiệu quả của phương tiện bay như sử dụng vật liệu nhẹ để làm thân máy bay, ghế ngồi hay gắn thêm bộ phận thăng bằng vào đầu cánh. Ví dụ như mô hình máy bay phản lực tương lai của Airbus với cánh liền thân từ vật liệu siêu nhẹ composite, cùng hai động cơ phía sau cho phép cắt giảm mức tiêu thụ nhiên liệu tới 20% so với máy bay một lối đi hiện nay.
Ngoài ra, nhiều hãng bay thay thế nhiên liệu hóa thạch truyền thống bằng nhiên liệu sinh học sản xuất từ tảo và các cây dầu mè, hoàn toàn bền vững để đạt được mục tiêu “xanh”. Trên 170.000 chuyến bay của các hãng lớn như Qantas Airways, United Airlines, Virgin Atlantic hay Alaska Airlines đã thử nghiệm thành công nhiên liệu sạch. Thậm chí, các sân bay ở Oslo và Bergen (Na Uy), Los Angeles hay Stockholm đã bắt đầu cung cấp loại nhiên liệu bền vững này hàng ngày.
Chưa hết, tận dụng năng lượng mặt trời nhờ hệ thống pin khổng lồ tích hợp trong thiết kế được đánh giá là giải pháp đột phá cho các máy bay dân dụng. Thành công trong các chuyến bay có người lái xuyên lục địa Âu - Phi của máy bay năng lượng mặt trời Solar Impulse (Thụy Sĩ) đã khẳng định tiềm năng vô tận của nguồn năng lượng này đối với ngành hàng không.
Gần đây, giới quan sát chú ý đến đề xuất chế tạo động cơ điện thử nghiệm cho các máy bay nhỏ của Airbus.
Theo tiết lộ, Airbus sẽ phát triển máy bay chở khách không tạo ra khí thải độc hại vào năm 2030, kêu gọi hợp tác tìm giải pháp cải thiện đặc tính khí động học của máy bay. Tương tự, công ty Smartflyer (Thụy Sĩ) đã công bố thiết kế máy bay điện cho bốn người, tham vọng thực hiện chuyến bay đầu tiên vào đầu năm 2022.
Trong khi đó, NASA đã hoàn tất thử nghiệm giai đoạn 1 với máy bay X-57 thay thế toàn bộ động cơ đốt trong truyền thống bằng các động cơ hành trình điện, có thể gia tăng hiệu suất hành trình tốc độ cao lên tới 500%. Các thử nghiệm tiếp theo tập trung hoàn thiện xác nhận hệ thống trên mặt đất cũng như kiểm định tải trọng cho cánh máy bay. Bên cạnh lợi ích không phát thải khí carbon trong lúc vận hành, máy bay động cơ điện ít tiếng ồn hơn và rẻ hơn nhờ chi phí nhiên liệu thấp.
Trải nghiệm không rác thải
Có nhiều ý kiến nhận định, thay đổi thiết kế hay nhiên liệu chưa hẳn đã là lối đi thiết thực cho ngành hàng không “xanh”.
Theo nhiều tổ chức môi trường, những lời cam kết hay mô hình trên giấy chỉ đóng vai trò như quảng cáo thỏa mãn dư luận tại một thời điểm nhất định, còn thực chất sẽ chẳng giúp nhiều trong việc giảm thiểu thiệt hại từ một lượng lớn nhiên liệu máy bay bị đốt cháy mỗi năm.
Điều này dẫn đến việc một số hãng hàng không quyết định thay đổi các trải nghiệm đem tới cho hành khách để phù hợp với tiêu chí thân thiện hơn với môi trường, song song với việc tìm kiếm mô hình máy bay thế hệ mới giảm khí thải và nhiên liệu bay bền vững.
Cần nhắc đến việc “xanh hóa” đồ dùng phục vụ hành khách bằng vật liệu thân thiện với môi trường, có thể tự phân hủy hoặc phân loại dễ dàng để tái chế. Không còn sự xuất hiện của đồ nhựa dùng một lần, các vật dụng được sản xuất từ mía đường (đồ đựng thực phẩm), bột ngô (bộ thìa dĩa) hay đồ tái chế (chăn) nhằm mục tiêu giảm thiểu rác thải trên máy bay.
Các loại ly và cốc phân hủy sinh học được phát cho hành khách ở phòng chờ hay trên khoang máy bay khi cần, trong khi nước sốt và nước tương sẽ được phục vụ trong những bát nhỏ có thể tái sử dụng. Độc đáo hơn, Hãng hàng không Air New Zealand còn đưa vào thử nghiệm ly cà phê ăn được làm từ thực vật, có thể trụ vững trước sức nóng của chất lỏng trong vòng 1 giờ.
Cuộc đua không đồ nhựa và dụng cụ tái chế đã thu hút nhiều hãng hàng không trên thế giới tham gia. Qantas (Australia) và Emirates (Dubai) kì vọng chỉ dùng 20% đồ nhựa trong các chuyến bay đến cuối năm 2020, cắt giảm từ 100 đến 120 triệu sản phẩm dùng một lần.
Các hãng lớn ở châu Âu thử nghiệm thiết kế xe đẩy phục vụ đồ ăn tích hợp thùng rác đặc biệt để phân loại rác ngay lập tức, đồng thời sử dụng máy nén rác tái chế để giảm ô nhiễm hàng không. Họ cũng đề xuất bỏ hình thức check-in giấy, mà thay bằng hệ thống số hóa dữ liệu thẻ làm thủ tục lên máy bay, thẻ hành lý và thông tin cá nhân hành khách nhằm cắt giảm tới 50% rác thải máy bay đến năm 2025.
Theo giới quan sát, việc giảm thiểu rác thải hàng không là cần thiết trong bối cảnh lượng chất thải sẽ đạt mức trên 10 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030. Với khối lượng rác khổng lồ, không ít hãng hàng không đã hợp tác với các công ty công nghệ để biến chúng thành nhiên liệu sạch.
Nhật Bản đi tiên phong khi xây dựng các nhà máy “hai trong một”: xử lý rác thải tươi, sau đó chiết xuất khí CO và H2 từ lò tinh chế để sản xuất nhiên liệu máy bay.
Hãng British Airways (Anh) cũng đầu tư gần 500 triệu USD phát triển nhiên liệu bền vững từ rác thải trong 20 năm tới, đảm bảo cung cấp đủ lượng nhiên liệu cho các chuyến bay từ London đến San Jose và New Orleans (Mỹ), giảm đến 70% khí nhà kính trong ngành hành không quốc gia. Tham vọng hơn, sân bay Rotterdam (Hà Lan) mong muốn thương mại hóa nhiên liệu máy bay từ khí thải carbon từ năm 2021, mở đường cho các hãng hàng không cùng công ty công nghệ khác đi theo.
Cần phải thừa nhận rằng thách thức vẫn còn đó khi các thử nghiệm hay thiết kế máy bay mới cần thêm thời gian để hoàn thiện, cũng như kiểm định độ an toàn, trước khi được đưa vào sản xuất và khai thác thương mại.
Những hiệu ứng tích cực từ nhiên liệu sinh học được ghi nhận, thế nhưng phương án này hiện vẫn có giá thành tương đối cao so với nhiên liệu thông thường, trong khi các chuyến bay không nhựa một lần hay hạn chế rác thải còn chưa được phổ biến rộng rãi do khó khăn liên quan đến sản xuất vật liệu tái chế và phân hủy sinh học.
Những vấn đề này chỉ có thể được giải quyết nhờ sự chung tay phối hợp của các hãng hàng không, giới khoa học và chính phủ các quốc gia. Thế còn mỗi cá nhân thì sao? Nhiều người đùa rằng, để hàng không trở nên “xanh” hơn thì chính du khách cũng nên vào cuộc bằng cách hạn chế đi lại bằng máy bay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy điều này là... bất khả thi.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/nhung-chuyen-bay-xanh-587410/