Những chuyển biến tích cực trong CCHC ở Sơn Dương
Công tác CCHC được huyện Sơn Dương xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài, đồng bộ, trong đó cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là khâu đột phá, có ý nghĩa to lớn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, cải thiện mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức và người dân.
Từ năm 2017 đến nay, huyện Sơn Dương đã tổ chức kiểm tra công tác CCHC đối với gần 30 xã. Qua các cuộc kiểm tra đã nắm được thực trạng CCHC tại cơ sở, chỉ ra được những tồn tại, hạn chế ở từng cơ quan, đơn vị, trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức, viên chức để kịp thời chấn chỉnh và xử lý các sai phạm. Trong công tác thông tin tuyên truyền, UBND huyện chỉ đạo tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các cuộc họp ở xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố. Nhờ đó 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã và nhân dân nắm được các nội dung chương trình tổng thể về CCHC, nhận thức về công tác CCHC được nâng lên. Trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ có nhiều chuyển biến tích cực.
Điểm nổi bật nữa trong công tác CCHC ở huyện Sơn Dương là đã xây dựng được Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức đối với các phòng chuyên môn và các đơn vị sự nghiệp giai đoạn 2016 - 2020. Đây là căn cứ để giao chỉ tiêu biên chế, nâng ngạch, tuyển dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu công việc. Hàng năm, trên cơ sở biên chế được UBND tỉnh giao, UBND huyện tiến hành phân bổ biên chế đến từng cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp bảo đảm đáp ứng thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức nhằm phát hiện kịp thời những tồn tại, thiếu sót ngay từ đơn vị cơ sở. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được huyện chú trọng.
Từ 2016 đến nay, UBND huyện đã cử đi đào tạo, bồi dưỡng trên 1.500 lượt cán bộ. Ở cấp xã, cán bộ, công chức có trình độ đại học và trên đại học 432 người, chiếm trên 65%, còn lại là trung cấp. Vừa qua, huyện đã xây dựng xong phương án sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị trên địa bàn 4 xã sáp nhập thành 2 xã. Sau khi sáp nhập xã, đã tinh giản được 15 cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng chí Nguyễn Công Thành, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Sơn Dương, Phụ trách Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Sơn Dương cho biết, từ năm 2017, huyện Sơn Dương đã áp dụng phần mềm một cửa điện tử đối với Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả trên toàn huyện. Hiện nay, huyện đã triển khai ứng dụng chứng thực điện tử và chữ ký số chuyên dùng trong giao dịch, hiện tại có 46 cơ quan, đơn vị (33 xã, thị trấn và 13 phòng, ban thuộc huyện). Huyện đã triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 124 TTHC cấp huyện, 54 TTHC cấp xã. Nhờ vậy, việc tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có nhiều chuyển biến tích cực. Ông Phan Văn Tạo, xã Đông Lợi làm thủ tục cải chính khai sinh tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Sơn Dương cho biết, tinh thần, thái độ, cung cách làm việc của cán bộ rất chuyên nghiệp. Do vậy, việc giải quyết TTHC của ông không có gì khó khăn bởi trước đó ông đã được hướng dẫn rất kỹ những giấy tờ cần thiết.
Thực hiện CCHC, huyện Sơn Dương cũng chú trọng đầu tư nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất đồng bộ theo hướng hiện đại ở hầu hết các Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các xã. Việc tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có nhiều chuyển biến tích cực, số hồ sơ tồn đọng, hồ sơ quá hạn giảm. Các hiện tượng gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong việc giải quyết các thủ tục hành chính các cấp đã được khắc phục, góp phần giảm thiểu chi phí, thời gian, công sức của nhân dân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương.