Những chuyển biến từ 'đặt hàng, giao việc' ở Na Hang
Năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thực hiện 'đặt hàng, giao việc' cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh. Cách làm này đã tạo đột phá, làm chuyển biến trong xử lý, giải quyết những việc khó ở cơ sở, trong đó huyện Na Hang là điển hình.
Tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng công trình kè bảo vệ bờ sông Gâm hạ lưu Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang và Dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng thị trấn Na Hang còn một số tồn đọng trong những năm qua chưa được giải quyết triệt để. Theo thống kê của UBND huyện, có 583 hộ gia đình và 8 tổ chức nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng. Để giải quyết vấn đề này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đặt hàng, giao việc cho cấp ủy, chính quyền huyện, cụ thể là đồng chí Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện trong năm 2020 phải hoàn thành việc giải phóng mặt bằng các công trình để bàn giao cho đơn vị thi công triển khai xây dựng. Đến nay, cơ bản hạng mục giải phóng mặt bằng các dự án đã xong, trong đó dự án kè bờ sông Gâm đã có 90 hộ gia đình nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng, 19 hộ nhận đất tái định cư; dự án đường giao thông thuộc Dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng thị trấn Na Hang đã có 484/491 hộ gia đình, cá nhân nhận bồi thường, các trường hợp còn lại đang hoàn thiện các thủ tục để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Đồng chí Hoàng Anh Cương, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Na Hang cho biết, từ khi nhận nhiệm vụ "đặt hàng, giao việc" của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cá nhân đồng chí đã xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các công trình. Điều quan trọng nhất là triển khai đầy đủ các quy định về đền bù, giải phóng mặt bằng; làm tốt công tác dân vận, tạo sự đồng lòng, ủng hộ của người dân trong khi triển khai thực hiện dự án. Đến thời điểm này, dự án giải phóng mặt bằng đạt gần 100% kế hoạch đề ra.
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm - OCOP" triển khai trên bàn huyện Na Hang gặp không ít khó khăn do tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu hiệu quả, bền vững của người dân. Để giải quyết vấn đề này, Ban Thường vụ Huyện ủy Na Hang đã thực hiện "đặt hàng, giao việc" cụ thể phù hợp với từng cán bộ lãnh đạo, từng địa phương. Ông Vi Ngọc Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang bày tỏ, từ khi được Ban Thường vụ Huyện ủy "đặt hàng, giao việc", bản thân ông xác định rõ đã nhận nhiệm vụ thì không thể không hoàn thành. Ông Quý đã tăng cường đi cơ sở nắm bắt rõ điều kiện tự nhiên, đặc thù của từng xã, những lợi thế, tiềm năng riêng có để từ đó tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huyện xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện. Cùng với đó, ông còn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giải thích một cách cặn kẽ cho bà con hiểu thế nào là sản phẩm OCOP, định hướng, tư vấn với các địa phương lựa chọn những sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh để xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tham gia Chương trình OCOP. Chỉ sau chưa đầy 10 tháng thực hiện nhiệm vụ, Na Hang đã hoàn thành xây dựng được 5/8 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có sản phẩm chè Shan tuyết xã Hồng Thái đạt tiêu chuẩn 4 sao, 4 sản phẩm chủ lực khác đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Từ thực tế ở huyện Na Hang cho thấy, "đặt hàng, giao việc" đã gắn trách nhiệm của người đứng đầu với nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị, từ đó tạo bước đột phá, làm chuyển biến trong xử lý, giải quyết những việc mới, việc khó, tồn đọng kéo dài nhiều năm.