Những chuyển động ấn tượng của TP HCM

Trong 2 tháng đầu năm 2024, kinh tế - xã hội TP HCM có nhiều kết quả tích cực, thoát khỏi kịch bản tăng trưởng thấp 0,7% như quý I /2023

Ngày 6-3, UBND TP HCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2-2024 và 2 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 3-2024.

Những nỗ lực được đền đáp

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết tổng thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm ước đạt hơn 103.164 tỉ đồng (đạt 21,37% dự toán năm và tăng 13,69% so cùng kỳ). Thị trường bất động sản đã có dấu hiệu phục hồi tích cực hơn, doanh thu kinh doanh bất động sản ước tăng hơn 20% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp hơn cả nước tạo điều kiện thúc đẩy sức mua tiêu dùng nội địa...

Nhiều ý kiến thảo luận của đại biểu nhìn nhận đà phục hồi của thành phố trở lại, tình huống tăng trưởng thấp của quý I/2023 sẽ không tái diễn.

Cục trưởng Cục Thống kế thành phố Nguyễn Khắc Hoàng cho biết những điểm sáng của 2 tháng đầu năm thể hiện rõ qua các chỉ số tiêu dùng, sản xuất, tình hình đơn hàng... Đến hiện tại, Cục Thống kê chưa thấy yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến kinh tế thành phố trong quý I/2024. Thành phố vẫn tăng trưởng ở mức tương đối, có thể là hơn 5,5%.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Trương Minh Huy Vũ cho rằng những điểm sáng không chỉ phụ thuộc vào các nỗ lực ở tháng 1, tháng 2 mà đến từ thời gian dài trước đó. "Cuối năm 2023, đầu năm 2024 có những điểm mới về thể chế, đặc biệt từ cấp trung ương. Luật Đất đai, Luật Nhà ở sửa đổi đã tạo tâm lý tốt, niềm tin và kỳ vọng góp phần giúp thị trường sáng lên" - ông Vũ đánh giá.

Tổ chức ngoài nhà nước có cơ hội tham gia hành chính

Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao những nỗ lực của hệ thống chính trị, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thành phố. Theo ông, nhờ sự chủ động từ sớm, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị được xác định rõ ràng nên tình hình tăng trưởng kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm có nhiều kết quả tích cực.

Bí thư Thành ủy TP HCM đề nghị tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, sự năng nổ của đội ngũ để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Ông đề nghị không chỉ làm đúng mà phải năng động, vượt trội, đổi mới sáng tạo, nhất là trong bối cảnh thành phố mang nhiều sứ mệnh quan trọng.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị

Đề cập việc thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng hiện nay công việc rất nhiều nhưng lực lượng mỏng. Do vậy, cần nghiên cứu thành lập các tổ chức ngoài nhà nước tham gia vào một số hoạt động hành chính để đẩy nhanh tiến độ công việc. "Cần chính sách, cách thức nào đó để huy động người ngoài nhà nước làm dịch vụ công; tham gia, phục vụ ở một số công việc" - Bí thư Thành ủy TP HCM định hướng.

Về chuyển đổi số, Bí thư Thành ủy cho rằng hệ thống phục vụ chuyển đổi số cần đồng bộ với cơ sở dữ liệu của công an, không nên làm riêng lẻ vừa lãng phí vừa chậm tiến độ. Đồng thời, phát triển hệ thống giám sát tiến độ công việc của từng cấp, từng ngành. Làm sao qua hệ thống có thể nhận biết ai, chỗ nào nhận việc mà không làm hoặc làm chậm, đùn đẩy, tránh né. Làm sao công tác kiểm tra phải dễ dàng...

Tập trung cho 50 nhiệm vụ

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương tập trung cao, quyết liệt cho các giải pháp kích thích tăng trưởng, trước hết là trong đầu tư công.

Theo ông, đến nay, TP HCM mới giải ngân được khoảng 1.600 tỉ đồng. Tuy cao hơn cùng kỳ năm ngoái 4 lần nhưng so với kế hoạch đề ra trong quý I/2024 từ 10% - 12% thì con số này còn thấp, phải tăng tốc trong tháng 3. Để làm được, trong quý I/2024, những vướng mắc, tồn đọng của các dự án phải được xử lý dứt điểm để bước sang khâu triển khai trong những tháng cuối năm.

Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu tập trung giải quyết tình trạng thiếu vật liệu xây dựng. Ông Phan Văn Mãi cho rằng trong hợp đồng đã ký với thành phố, các nhà thầu có nhiệm vụ bảo đảm vật liệu xây dựng cho dự án. Khi thiếu vật liệu, trách nhiệm trước hết là của nhà thầu.

Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết đến nay có 1.362 công trình của 105 đơn vị đăng ký triển khai chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các chủ đầu tư phải xem lại, xử lý nghiêm một số nhà thầu yếu kém, không nghiêm túc. Yêu cầu ngay trong tháng 3-2024 các ban quản lý, chủ đầu tư dự án, các quận, huyện, TP Thủ Đức chỉ ra nhà thầu chây ì yếu kém, không nghiêm túc để xử lý ngay. "Nếu những nhà thầu không bị xử lý thì UBND TP HCM sẽ xử lý các đồng chí" - Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, Chủ tịch UBND thành phố giao nhiệm vụ các đơn vị sớm hoàn tất, các quận, huyện, TP Thủ Đức khẩn trương rà soát nhiệm vụ, huy động cả hệ thống chính trị tham gia ngay từ đầu. Các chủ đầu tư rà soát kế hoạch từng dự án đầu tư công để bảo đảm tiến độ, mục tiêu cho từng quý. Nếu có vướng mắc phải kiến nghị ngay với cơ quan chức năng và UBND TP HCM.

Về việc triển khai những nghị quyết quan trọng, ông Phan Văn Mãi cho hay vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy đã bàn về việc có một Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị và một số công việc khác. Thành phố đã có sự tập trung cho tổ chức bộ máy và nhân sự cũng như chủ trương phát huy cơ chế thuê tư vấn, mời gọi chuyên gia. Vấn đề còn lại là Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, ban hành cơ chế để áp dụng.

Chủ tịch UBND thành phố thông tin thêm chính quyền đã bổ sung trong kế hoạch năm việc tập trung nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo để đón bắt các cơ hội từ những chuyển động của các xu hướng này cho kinh tế - xã hội của thành phố. Nhiều đầu việc quan trọng khác của TP HCM cũng được ông Phan Văn Mãi yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt, nhất là 50 nhiệm vụ còn lại của quý I. Cùng với đó, kiểm tra, rà soát lại kế hoạch triển khai hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; các công trình, dự án trọng điểm cấp thành phố.

Hơn 35.000 căn nhà ở xã hội vào năm 2025

Thông tin tại phiên họp, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Trần Hoàng Quân cho biết thị trường bất động sản đầu năm 2024 có nhiều chuyển biến tốt.

Theo ông Quân, qua rà soát sơ bộ, thành phố có nhu cầu trên 340.000 căn nhà ở xã hội. Hiện thành phố có gần 600.000 căn nhà trọ với sức chứa gần 2 triệu người, trong đó 50% là công nhân thuê ở. Dự kiến đến ngày 30-4-2025, thành phố có nguồn nhà ở xã hội với trên 35.000 căn. Sở Xây dựng đang tập trung cho mục tiêu này.

Một dự án nhà ở xã hội tại quận 12, TP HCM

Liên quan tới xuất khẩu, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố, nhận định xuất khẩu đã từng bước lấy lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, theo ông Hưng, hoạt động ngành logistics còn khó khăn, một số doanh nghiệp phải tìm kiếm thị trường khác. Ngoài ra, hoạt động sản xuất ở một số ngành có dấu hiệu phục hồi song chi phí lại tăng; doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. Do đó, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố kiến nghị thành phố chỉ đạo đẩy mạnh chương trình kết nối doanh nghiệp, ngân hàng.

Bài và ảnh: PHAN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhung-chuyen-dong-an-tuong-cua-tp-hcm-196240306210412144.htm