Những chuyển hướng chiến lược trong phòng, chống dịch COVID-19
'Nhìn lại 2021 - Những chuyển hướng chiến lược' là chủ đề cuộc Tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 4/1.
Chuyển hướng từ Zero COVID sang thích ứng an toàn, linh hoạt
Năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành, nhất là đợt dịch lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 tại Việt Nam với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm, buộc chúng ta phải áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế… từ đầu tháng 10/2021, nước ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, từng bước mở cửa trở lại.
Nhờ đó, kinh tế đất nước từ mức tăng trưởng âm trong quý III (-6,02%) đã khởi sắc trong quý IV (+5,22%) với nhiều điểm sáng. Đây là sự đảo chiều ấn tượng của GDP, là một thành công lớn trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo về chống dịch.
Nêu quan điểm, Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, dù hiện nay tỷ lệ F0 tăng nhưng chắc chắn chúng ta sẽ khống chế được dịch bệnh, không có chuyện cơ sở y tế quá tải, không có chuyện hoảng loạn trong dân chúng, hoạt động kinh tế, giao lưu hàng hóa diễn ra bình thường… “Chúng ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng khi chuyển hướng chiến lược, để phục hồi nền kinh tế và phát triển tiếp”, ông Nguyễn Sỹ Dũng nói.
Theo ông, giai đoạn đầu chúng ta chống dịch theo phương châm Zero COVID, đó là mô thức chống dịch mang đến thành công trong năm 2020. Có ý kiến cho rằng, dùng mô thức cũ trong tình hình mới không hiệu quả, cứng nhắc, tạo những hệ lụy. Song, đây là điều cần thiết bởi khi đó Việt Nam là nước tiêm chủng ít nhất. Với phương châm sức khỏe người dân là trên hết, là quý giá nhất, chúng ta phải có những biện pháp mạnh để không lây lan và không ảnh hưởng sức khỏe người dân. Khi có vaccine để tiêm, Việt Nam là một trong những nước tiêm vaccine nhanh và nhiều nhất thế giới. Chuyển hướng chiến lược đã mang lại thành công.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng cho rằng, thời điểm đó, sử dụng chiến lược này là hoàn toàn phù hợp. Đến khi tổ chức tiêm vaccine với độ bao phủ cao nhất, chúng ta cũng đồng thời bắt đầu chuyển hướng, ý thức của người dân cũng được nâng lên. Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong năm 2021-2022, chưa thể kiểm soát được hết tình hình, dịch có nguy cơ bùng phát và thực tế đã xuất hiện chủng mới Omicron.
Tuy nhiên, với việc bao phủ vaccine đạt tỉ lệ mũi 1 cho người trưởng thành trên 99%, mũi 2 cho người trưởng thành trên 90%, đảm bảo đạt miễn dịch cộng đồng, việc Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển hướng từ Zero COVID sang thích ứng an toàn, linh hoạt là đúng với tình hình phòng, chống dịch của nước ta. Đến nay, Chiến lược này là phù hợp và đang mang lại hiệu quả cho cả hai lĩnh vực vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Chia sẻ thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhận định, không có giải pháp chung, đồng nhất chống dịch cho tất cả các nước hay tại một nước, cũng không có giải pháp chung cho các tỉnh, mà phải tùy thuộc điều kiện của từng nơi.
“Đến nay, suốt gần 2 năm chống dịch, chúng ta có thể rút ra nguyên tắc hết sức quan trọng về phòng, chống dịch COVID-19, đó là: Y tế là trụ cột; kinh tế là cơ sở; ổn định an ninh, xã hội là trọng yếu, thường xuyên; công nghệ, dữ liệu là vấn đề then chốt; vaccine, thuốc điều trị, ý thức cộng đồng là tiên quyết và sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nói.
Không ban bố tình trạng khẩn cấp
Đề cập đến việc không ban bố tình trạng khẩn cấp, Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết, trước tình hình dịch COVID-19 lần thứ 4 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, biến chủng Delta lây lan rất nhanh và sâu trong cộng đồng, đặc biệt là số ca tử vong ngày càng tăng nhanh. Các địa phương phía Nam đã đề nghị Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, áp dụng các biện pháp theo luật định nhằm kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn.
“Đây là đề nghị hết sức cân não, không chỉ cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ mà còn cho các cơ quan, bộ, ngành, chức năng. Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ nhận thấy có mấy vấn đề cần phải quan tâm, sau nhiều lần họp và làm việc trực tiếp với các địa phương, nhất là các chuyên gia, các cơ quan quản lý nhà nước về công tác phòng chống dịch, và thực tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam”, Trung tướng Ngô Minh Tiến cho hay.
Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam phân tích, nếu áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thì sẽ rất khó khăn cho công tác kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, bởi với thành phố đông dân, không có lực lượng nào bảo đảm được việc giãn cách xã hội, phường giãn cách phường, nhà giãn cách nhà. Vấn đề thứ hai là bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là nhu yếu phẩm cho người dân. Thứ ba là hệ thống y tế của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam không đủ sức để bảo đảm phân tầng điều trị và giải quyết các vấn đề về xét nghiệm, chữa trị cho các bệnh nhân theo phân tầng điều trị như hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, nếu áp dụng các biện pháp khẩn cấp để kiểm soát dịch bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, tình cảm của người dân lúc bấy giờ. Chưa kể đến tác động xấu đến dư luận của khu vực và quốc tế. Nếu ta ban bố tình trạng khẩn cấp, các thế lực thù địch sẽ lợi dụng xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch.
Trên cơ sở cân nhắc và phân tích các yếu tố, sự tham mưu của Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng, bám sát vào mục tiêu đặt ra, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, Thủ tướng đã ra quyết định rất kịp thời, sáng suốt, quyết đoán, tức là sử dụng một lực lượng có lựa chọn, chủ yếu là y tế, quân đội, công an để chi viện cho các tỉnh phía Nam. Với tinh thần chống dịch như chống giặc, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành, chức năng, nòng cốt là Bộ Y tế, Quốc phòng, Công an đã điều động một lực lượng, phương tiện lớn chưa từng có kể từ sau chiến tranh.
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tất cả các lực lượng đều hăng hái lên đường chi viện cho miền Nam với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Đây chính là quyết định có tính bước ngoặt để sau đó chúng ta trong một thời gian ngắn (3 tháng, nhiều nơi trên thế giới phải mất 6 đến 9 tháng) đã kiểm soát, ổn định tình hình dịch bệnh.
Nghị quyết 128 làm xoay chuyển cục diện
Tại Tọa đàm, các vị khách mời đều chung quan điểm rằng Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 có ý nghĩa rất quan trọng cả trong chống dịch và phát triển kinh tế. Nói như Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, “Nghị quyết 128 đã làm xoay chuyển cả cục diện, cả trong công tác chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết 128 ra đời rất phù hợp, không thể sớm hơn và cũng không thể muộn hơn vì phụ thuộc vào mức độ tiêm chủng, mức độ bao phủ vaccine trên toàn quốc. Với tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ thì việc tiêm vaccine cho nhân dân chính là đưa cho nhân dân vũ khí chống giặc”.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng cho rằng, quyết sách này của Chính phủ đã đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân khi họ phải trải qua quãng thời gian rất dài giãn cách xã hội do đợt dịch lần thứ 4 bùng phát. Về kinh tế, Nghị quyết 128 có ý nghĩa then chốt trong việc đảo chiều kết quả kinh tế năm 2021. Nhờ có Nghị quyết 128 chúng ta mới có sự tăng trưởng kinh tế như hiện nay.