Những chuyến 'luyện công' trong im lặng của cầu lông Việt Nam

Là môn thể thao có mức độ xã hội hóa cao cùng hệ thống thi đấu quốc tế đồ sộ, cầu lông chứng kiến vận động viên (VĐV) Việt Nam bước ra thế giới tranh tài thường xuyên. Tuy nhiên, không nhiều chuyến đi trong số đó được người hâm mộ biết đến. Trái lại, phần lớn các tay vợt Việt Nam chọn phương án trui rèn trong lặng lẽ ở xứ người.

Nổi tiếng và thầm lặng

Trong năm 2024, Nguyễn Thị Thu Huyền vụt sáng như một trong những gương mặt giàu triển vọng của cầu lông Việt Nam. Tay vợt này sinh năm 2011, ít tuổi hơn rất nhiều so với những VĐV cấp độ tuyển thủ. Tuy nhiên, trong một môn thể thao ít phân biệt tuổi tác như cầu lông, Thu Huyền đã sớm là tuyển thủ quốc gia và có thành tích quốc tế.

Thu Huyền và nhiều vận động viên trẻ khác thường xuất ngoại mà không có quá nhiều thông tin.

Thu Huyền và nhiều vận động viên trẻ khác thường xuất ngoại mà không có quá nhiều thông tin.

Bước sang đầu năm 2025, Thu Huyền tiếp tục làm nên thành công sau khi giành HCB giải trẻ châu Á lứa tuổi U13 vào giữa năm ngoái. Cùng trong tuần lễ có nhiều VĐV Việt Nam thi đấu tại Malaysia, Thu Huyền đến Thái Lan dự một giải trẻ mở rộng. Đại diện Việt Nam được xếp hạt giống số 1 đơn nữ lứa tuổi U15, và đã thể hiện rất tốt.

Tuy nhiên, Thu Huyền không phải gương mặt duy nhất của cầu lông Việt Nam đến Thái Lan thi đấu trong tuần cuối tháng 5. Nhiều tay vợt trẻ khác cũng lên đường, trong bối cảnh giải đấu này diễn ra trong khu vực Đông Nam Á. Thuận lợi trong thủ tục xuất nhập cảnh, cũng như kinh phí thi đấu không quá lớn đã giúp các em tự tin xuất ngoại.

Bên cạnh Thu Huyền lọt vào trận bán kết đơn nữ lứa tuổi U15, cầu lông Việt Nam còn có một số đại diện khác tiến sâu. Ngô Nhật Khánh và Lê Nguyễn Ngọc Nga cũng vào đến bán kết ở nội dung đôi nam nữ. Nguyễn Tấn Nghĩa và Phạm Ngọc Minh còn thi đấu tốt hơn khi vào chung kết đôi nam.

Ở tuần cuối tháng 5, Việt Nam ghi nhận 3 đại diện dự giải cầu lông quốc tế Malaysia Masters. Đây là giải đấu có cấp độ tương đối cao của Liên đoàn Cầu lông thế giới. Việc có nhiều tay vợt Việt Nam khác tham dự bên cạnh Nguyễn Thùy Linh đã giúp luồng thông tin về giải đấu thêm đặc sắc, thay vì chỉ có Thùy Linh xuất hiện như trước đây.

Thật dễ để tìm kiếm thông tin về Thùy Linh, Đức Phát, Hải Đăng, cũng như những giải đấu họ tham dự. Nhưng bạn đã bao giờ nghe tên của Thu Huyền, Nhật Khánh hay Tấn Nghĩa chưa? Trên thực tế, đây mới là những gương mặt mang đến tương lai cho cầu lông Việt Nam, nhưng họ đương nhiên không được nhắc đến quá nhiều từ mỗi lần xuất ngoại.

Hành trình của Thu Huyền, Nhật Khánh hay Tấn Nghĩa trên đất Thái Lan diễn ra thầm lặng và không có nhiều người biết đến. Đó cũng là câu chuyện chung của nhiều VĐV cầu lông Việt Nam mỗi khi xuất ngoại thi đấu. Đằng sau những chuyến đi trong im lặng là câu chuyện dài của những VĐV gánh trên mình kỳ vọng quá lớn khi tuổi còn rất trẻ.

Áp lực hữu hình

Không phải chuyến xuất ngoại nào của các VĐV cầu lông Việt Nam cũng mang lại thành công như mong đợi. Trong giai đoạn 2022-2023, cầu lông Việt Nam ghi nhận một tay vợt liên tục thi đấu quốc tế là Vũ Thị Anh Thư. Cô tranh tài từ châu Âu đến châu Mỹ, châu Đại Dương, có một số danh hiệu nhỏ và áp sát top 100 thế giới.

Hai vận động viên Hải Đăng và Đức Phát luôn nỗ lực vượt khó dù liên tục nhận chỉ trích mỗi khi có kết quả không như ý.

Hai vận động viên Hải Đăng và Đức Phát luôn nỗ lực vượt khó dù liên tục nhận chỉ trích mỗi khi có kết quả không như ý.

Anh Thư hiếm khi nào chia sẻ về những chuyến đi đầy tốn kém đó, bởi cô hiểu, vị trí hiện tại của mình còn cách mục tiêu hướng đến quá xa. Những nỗ lực vượt khó của Anh Thư vô tình khiến cô gặp phải cơn ác mộng với VĐV: chấn thương. Tại một giải cầu lông quốc tế cuối năm 2024, Anh Thư gặp chấn thương và phải ngồi xe lăn về nước.

Từ đó đến nay, Anh Thư vẫn chưa thể trở lại tập luyện và thi đấu với cường độ cao nhất. Việc Anh Thư vắng bóng ở các giải cầu lông quốc gia và quốc tế ở Việt Nam đã khiến nhiều khán giả hụt hẫng. Bên lề Vietnam Challenge 2025, rất nhiều người hâm mộ đã hỏi phóng viên, Anh Thư ở đâu, đang làm gì, sao lại không thi đấu năm nay?

Những tay vợt mang kỳ vọng và tham vọng lớn, nhưng gặt hái thành tích dưới mức mong muốn như Anh Thư không phải chuyện hiếm. Trước đây, cầu lông Việt Nam từng có nhiều tay vợt giỏi nhưng không thể vươn tầm như Tiến Tuấn, Cao Cường. Có nhiều nguyên nhân khiến họ khó tiến xa, nhưng đó dường như chẳng phải hiện tượng quá hiếm gặp.

Năm 2019, cầu lông Trung Quốc trình làng một tay vợt trẻ giàu tiềm năng là Zhou Meng. Cô gái sinh năm 2001 lọt vào đến chung kết giải vô địch cầu lông trẻ thế giới 6 năm trước và giành vị trí Á quân. Nhưng sau đó, cái tên Zhou Meng hoàn toàn biến mất trên bản đồ cầu lông quốc tế.

Đến năm 2023, Campuchia giành HCV cầu lông đồng đội hỗn hợp nam nữ với thể thức kỳ lạ. Hạng mục này chỉ cho phép chủ nhà Campuchia cùng các đội yếu như Timor Leste, Lào, Myanmar, Brunei tranh tài. Đội hình tuyển Campuchia khi đó có một tay vợt nữ thi đấu nổi bật tên Chourng Meng, nhưng khi xem cô thi đấu, người này giống hệt Zhou Meng.

Điều gì đã khiến một tay vợt từng vào chung kết giải trẻ thế giới phải trôi dạt sang một quốc gia khác thi đấu? Chẳng ai biết lý do chính xác cả. Người thắng Zhou Meng ở trận chung kết 6 năm trước, VĐV Nhật Bản Gunji Riko, giờ cũng chật vật trong việc vào top 30 thế giới.

"Áp lực trong thi đấu cầu lông đỉnh cao là rất lớn, và hữu hình với mọi VĐV. Đây là môn thể thao Olympic, lại có hệ thống thi đấu đa dạng, lượng VĐV tranh tài rất nhiều. Vì thế, trình độ VĐV phản ánh trực tiếp từ kết quả trận đấu, và một trận thua quá nặng có thể khiến VĐV mãi mãi không trở lại phong độ vốn có", một HLV chia sẻ.

Câu chuyện của Việt Nam

Trong trường hợp nhận định của HLV trên là chính xác, vậy các VĐV Việt Nam đang phải chịu áp lực nào? Thứ nhất, một phần áp lực từ thế hệ VĐV trong quá khứ. Việc Tiến Minh, Thùy Linh vươn xa ở sân chơi quốc tế khiến không ít VĐV Việt Nam bị đem ra so sánh, đặc biệt mỗi khi họ phải nhận thất bại khi xuất ngoại thi đấu.

Vận động viên Bùi Bích Phương và các đồng đội trẻ đã có nhiều bài học quý sau 2 tuần ở Sri Lanka.

Vận động viên Bùi Bích Phương và các đồng đội trẻ đã có nhiều bài học quý sau 2 tuần ở Sri Lanka.

Một VĐV trẻ từng có cơ hội xuất ngoại và để thua chóng vánh khi sớm gặp đối thủ quá mạnh chia sẻ: "Đôi lúc chúng em muốn mọi người không biết tới mình sẽ tốt hơn. Nỗ lực của VĐV không phải lúc nào cũng có thể phản ánh qua tỷ số trận đấu. Thật khó để chúng em đấu ngang ngửa khi phải gặp những VĐV có đẳng cấp cao, ngay cả khi họ còn trẻ".

Trên thực tế, những VĐV đẳng cấp thế giới đến Việt Nam thi đấu không phải hiện tượng hiếm gặp. 5 năm trước khi vô địch Olympic Paris, tay vợt Hàn Quốc An Se Young dự Vietnam Challenge và giành vị trí Á quân. Một năm trước đó, Momota Kento cũng đấu ở giải này và vô địch đơn nam.

Tín hiệu tích cực là ngay cả khi phải nhận chỉ trích kịch liệt, các VĐV Việt Nam vẫn không bao giờ bỏ cuộc. Họ luôn giữ tinh thần cầu tiến hướng ra thế giới, chứ không nản chí dừng ngang hay bỏ cuộc giữa chừng. Đức Phát nhắm đến một vị trí trong top 50 đơn nam, Hải Đăng khắc kỷ tới mức dám nhận thất bại mỗi khi thi đấu không như ý.

Bộ 3 VĐV Hà Nội là Nguyễn Văn Mai, Phạm Văn Trường, Bùi Bích Phương luôn chắt chiu từng cơ hội được xuất ngoại thi đấu. Họ chấp nhận đánh đổi tuổi trẻ, dù điều đó có nghĩa những VĐV trên có thể phải đến những miền đất xa xôi và lạ lẫm để cầm vợt.

Cuối cùng, người hâm mộ nên chấp nhận một sự thật: Không phải ai trong số những tay vợt trên có thể vươn lên nhóm đầu thế giới như Thùy Linh. Bên cạnh đó, việc vào đến top 5 thế giới như Tiến Minh trước đây là mục tiêu không tưởng, đặc biệt trong bối cảnh cầu lông trở thành môn thể thao toàn cầu hóa, phát triển khắp nơi trên thế giới.

Trên hành trình đó, những người thành công đương nhiên xứng đáng được tung hô. Nhưng trong trường hợp họ nhận thất bại, điều đó không có nghĩa VĐV đáng phải nhận chỉ trích. Thay vào đó, khán giả, người hâm mộ nên tiếp tục đồng hành và dõi theo bước chân của từng VĐV.

Những chuyến đi “xương máu”

2 tuần lễ thi đấu tại Sri Lanka của Nguyễn Văn Mai, Phạm Văn Trường và Bùi Bích Phương đã mang lại kinh nghiệm lớn cho bản thân mỗi người. Ba tay vợt trẻ Hà Nội giờ đây đã hiểu, vì sao những VĐV đàn anh, đàn chị mang theo nhiều đồ ăn sẵn mỗi khi xuất ngoại thi đấu. Bởi, không phải ai cũng có thể thích nghi với thức ăn của từng địa phương.

Tương tự Ấn Độ, Nepal và một số quốc gia Nam Á khác, ẩm thực Sri Lanka bao gồm nhiều món ăn dạng sốt, nhuyễn. Thói quen ăn bốc (thậm chí rất ít khi ăn thìa, và thường không có đũa) của người dân địa phương cũng trở thành câu chuyện tế nhị với những VĐV trẻ khi ăn ở nơi công cộng. Đâu phải ai cũng dám ăn bốc ở nơi công cộng?

Trong trường hợp VĐV không thể quen với thức ăn địa phương, việc họ bị rối loạn tiêu hóa là điều dễ hiểu. 3 tay vợt Hà Nội, vì thế, có sức khỏe không tốt trong thời gian đến Sri Lanka thi đấu. Việc họ vượt khó để tiến sâu tại 2 giải đấu quốc tế liên tiếp là điều đáng trân trọng.

Dẫu vậy, câu chuyện bị sút cân nghiêm trọng, tới 4-5kg chỉ trong 2 tuần du đấu thực sự cho thấy tầm quan trọng của việc VĐV cần chăm sóc sức khỏe. Qua mỗi chuyến đi, Văn Mai, Văn Trường, Bích Phương sẽ sớm nhận ra họ còn thiếu sót những gì. Từ đó, cả ba sẽ biết chăm sóc bản thân mình tốt hơn, qua đó hướng đến những kết quả xa hơn.

Đơn Ca

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/nhung-chuyen-luyen-cong-trong-im-lang-cua-cau-long-viet-nam-i769763/