Những chuyện ly kỳ ở ngôi đình cổ, kiến trúc độc đáo hơn 200 năm tuổi ở Thanh Miện
Xây dựng từ thời vua Gia Long năm thứ 14 (1815), đến nay đình Nại Trì ở xã Ngũ Hùng (Thanh Miện) vẫn lưu giữ được nhiều nét kiến trúc độc đáo, cổ kính.
Thần tích hào hùng
Đình Nại Trì thờ ba vị thành hoàng, trong đó có một vị là thủy thần và hai vị là nhân thần. Hai vị nhân thần có công âm phù, trợ giúp vua Lý đánh đuổi giặc Xiêm.
Theo bản thần tích - thần sắc, thì vào triều Lý Thái Tông (1028-1054), ở trang Chính Đại, huyện Nga Sơn, châu Ái (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa) có một vị tù trưởng họ Lê, tên Cảnh, vợ là Nguyễn Thị Trinh. Hai người kết duyên vợ chồng mà mãi vẫn chưa có con.
Một hôm bà nằm mơ thấy 2 con rắn quấn vào mình, sau đó mang thai. Khi có thai được một thời gian thì ông Lê Cảnh đột ngột qua đời. Đến ngày 15/5, bà sinh được hai cậu con trai, diện mạo khôi ngô tuấn tú, trên trán người anh có chữ “Đệ nhất Đông Long” và người em có chữ “Đệ nhị Tây Long”. Tục truyền, hai con sinh được 5 tháng thì vào một buổi trưa, bỗng dưng có một đàn hổ kéo đến vây quanh nhà định ăn thịt. Hoảng sợ quá, bà Trinh ẵm vội hai con bỏ chạy, sau đến cùng đường đành phải nhảy xuống cửa biển Thần Phù và hóa tại đây. Sau khi ba mẹ con qua đời, nơi cửa biển có sóng dữ nổi lên suốt 3 ngày, kéo theo nhiều người đau ốm và súc vật chết. Nhân dân cho là điềm báo linh dị, bèn cùng nhau lập đền ở cửa biển để thờ phụng, từ đó mọi việc trở lại yên ổn.
Vào một năm nước ta bị giặc Chiêm xâm lược, chúng kéo quân sang đánh chiếm các châu, quận. Được tin cấp báo, vua sai tướng đem quân đi đánh nhiều lần nhưng vẫn không thắng do thế giặc mạnh. Đến năm Long Thụy thứ 3 (1056), vua cho lập đàn cầu đảo trời đất, xin thần linh phù giúp. Sau đó, vua trực tiếp cầm quân ra trận. Bỗng dưng, thuyền không tiến được do mưa to, gió lớn. Vua dừng thuyền lên bộ, mới biết đây là địa giới của trang Cụ Trì, bèn truyền cho đóng quân thành ba đạo: 1 đạo ở xứ Đồng Mài, gọi là đồn Trung Trì, 1 đạo ở xứ Đông Dùng gọi là đồn Thượng Trì, 1 đạo ở xứ Đồng Thày gọi là đồn Hạ Trì. Một đêm, nhà vua đang nằm ngủ, chợt mơ thấy có một người cao lớn, diện mạo hồng hào, khăn áo chỉnh tề, đứng tâu trước vua rằng: “Ta là thổ thần ở trại này, nay bệ hạ thân chinh đi đánh giặc, xin báo mộng để bệ hạ biết, sẽ có thần giúp”. Sau đó vị thổ thần đọc mấy câu thơ ý nói có 2 vị "Đông Tây nhị thánh" sẽ giúp vua đánh giặc.
Quả nhiên sau đó, lời thần báo mộng linh nghiệm. Nhờ hai vị thành Đông Long và Tây Long, quân ta nhanh chóng đánh bại quân Chiêm. Thắng trận trở về, vua liền ban cho quân 3 đồn 300 quan tiền và sai dân lập đền thờ, xuân thu nhị kỳ phải cúng tế. Đồng thời ban cho dân ba trang 500 quan tiền, miễn trừ không ai phải đi lính, nộp thuế và các tạp dịch khác. Lại phong cho hai vị thần là “Thượng đẳng tối linh phúc thần”. Chuẩn cho trang Cụ Trì, đền Thượng Trì, đền Trung Trì, đền Hạ Trì, nhân dân ba trang có trách nhiệm phụng tự.
Truyền rằng, trải qua các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn; thần đều được các triều đại phong sắc và mỗi khi cầu đảo đều rất linh ứng.
Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh
Theo văn bia hiện còn lưu giữ, đình Nại Trì được xây dựng từ năm Gia Long thứ 14 (1815), trùng tu năm Tự Đức thứ 31 (1878) và tu bổ, tôn tạo vào năm Thành Thái thứ 19 (1897). Ngôi đình được đặt tại trung tâm của làng trên một khu đất cao ráo, rộng rãi, mặt tiền quay hướng đông bắc, kiến trúc kiểu chữ đinh gồm 3 gian đại bái và 1 gian hậu cung. Tòa đại bái dài 12,23m, rộng 7,57m được tạo bởi 4 bộ vì với 16 cột, chất liệu bằng gỗ tứ thiết. Đây là lối kết cấu vì kèo theo kiểu con chồng giá chiêng phổ biến ở các ngôi đình miền Bắc đầu thế kỷ XIX.
Nghệ thuật chạm khắc ở đình Nại Trì tập trung trên các cấu kiện gỗ ở bảy hiên, xà nách, con thuận, các bức cốn... Nổi bật là hình tượng tứ linh (long, ly, quy, phượng), kế đó là đề tài lá lật, trúc hóa long. Mái đình được lợp bằng ngói mũi, trên các góc đao được tạo dáng hình đầu rồng uốn lượn mềm mại. Ở hai đầu bờ nóc đình là hai đầu rồng to khỏe với tư thế như kìm giữ cho mái đình vững chắc hơn. Trên xà ngang gian trung tâm treo bức đại tự “Thánh cung vạn tuế”, phía dưới bài trí một cỗ kiệu long đình. Hai bên là hai hàng bát bửu. Tất cả các hiện vật đều sơn son thếp vàng.
Lễ hội truyền thống làng Nại Trì được tổ chức vào ngày 16/3 âm lịch hằng năm. Theo thần tích - thần sắc lưu truyền lại, khi xưa trong một năm làng tổ chức bốn kỳ tế lễ, trong đó kỳ tế lễ vào 16/3 là dài ngày và trọng thể nhất, kỷ niệm ngày thần hiện (tức là ngày hai vị thần Đông Long và Tây Long xuất hiện). Lễ hội này được coi là lễ hội chung của 3 làng My Trì, Thượng Trì và Nại Trì, dân làng đóng góp theo suất đinh để mổ lợn, nấu xôi, mua sắm hương hoa, trầu rượu cúng tế các vị thành hoàng, sau đó chia phần.
Trong lễ hội, phần lễ có chương trình rước kiệu của 3 làng ra miếu chính tại thôn Cụ Trì tế, sau đó mới rước kiệu về đình mỗi làng. Phần hội có các trò chơi dân gian như chọi gà, đi cầu thùm... tạo nên nét đẹp văn hóa cho địa phương. Ngày nay, do không có điều kiện, dân làng chỉ tổ chức một kỳ tế lễ vào ngày 16/3. Cứ ba năm một lần, làng lại tổ chức lễ trọng thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về dự hội.
Ngày 22/11/2010, đình Nại Trì được UBND tỉnh Hải Dương xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/kien-truc-doc-dao-cua-ngoi-dinh-hon-200-nam-tuoi-370964.html