Những chuyện tình có thật của những người đàn ông nổi tiếng trong lịch sử
Trong suốt chiều dài lịch sử, nhiều chuyện tình từng khiến đế chế thay đổi, truyền cảm hứng cho những kiệt tác bất hủ. Vượt qua những lãng mạn lý tưởng hóa, những câu chuyện có thật sau đây cho thấy tình yêu không chỉ để lại dấu ấn sâu sắc trong trái tim con người, mà còn in hằn trong văn hóa...
Abélard và Eloise
Chuyện tình của Pierre Abélard và Eloise là một trong những câu chuyện cảm động, thường được nhân loại nhắc tới. Pierre Abélard là nhà triết gia và nhà thần học nổi bật của nước Pháp thế kỷ 12. Ông đã đem lòng yêu cô học trò tài năng Eloise. Mối tình đầy đam mê giữa hai người vấp phải sự phản đối kịch liệt từ xã hội và giới giáo sĩ thời đó. Họ có với nhau một đứa con trong bí mật và kết hôn lén lút. Khi người cậu của Eloise phát hiện, ông trả thù bằng cách sai người thiến Abélard. Sau biến cố, Abélard đi tu, còn Eloise bị đưa vào tu viện.

Dù bị chia cách, họ vẫn duy trì thư từ suốt hàng chục năm. Những bức thư ấy được xem là kho báu văn chương thời Trung cổ, thấm đẫm tình yêu, nỗi buồn, sự ăn năn và đam mê trí tuệ. Họ được chôn cất cạnh nhau, như biểu tượng cho một tình yêu vượt qua thời gian và nghịch cảnh.
Frédéric Chopin và George Sand
Nhạc sĩ thiên tài người Ba Lan Frédéric Chopin gặp nữ văn sĩ nổi loạn George Sand năm 1836 tại Paris. Bà mạnh mẽ, độc lập, hơn ông 6 tuổi và đi ngược mọi chuẩn mực xã hội. Tình yêu giữa họ nồng cháy nhưng đầy trắc trở. Mùa đông năm 1838, cả hai trốn sang Mallorca, nơi Chopin sáng tác nhiều kiệt tác như loạt Preludes Op. 28 giữa cơn bệnh lao hành hạ.

George chăm sóc ông tận tình, nhưng sức khỏe sa sút và mâu thuẫn gia đình khiến mối tình tan vỡ năm 1847, không lâu trước khi Chopin qua đời. Những tác phẩm âm nhạc ông để lại mang dấu ấn đậm nét của một tình yêu đẹp, đầy trí tuệ nhưng bi thương.
Richard Wagner và Cosima Liszt
Richard Wagner là nhà soạn nhạc thiên tài người Đức. Ông bắt đầu mối quan hệ với Cosima Liszt khi bà vẫn đang là vợ của chỉ huy dàn nhạc Hans von Bulow. Cosima bỏ chồng và sống cùng Wagner đến cuối đời ông. Họ có với nhau nhiều con.

Vào năm 1870, Wagner tặng bà món quà sinh nhật đặc biệt: bản giao hưởng Siegfried Idyll, do chính dàn nhạc chơi lặng lẽ trên cầu thang nhà họ. Cosima trở thành người bạn đời, cộng sự, và là nguồn cảm hứng lớn nhất cho những sáng tác cuối đời của Wagner.
Shah Jahan và Mumtaz Mahal
Vua Shah Jahan là vị hoàng đế thứ năm của đế quốc Mughal, đã kết hôn với Mumtaz Mahal năm 1612. Họ có 14 người con, sống bên nhau mặn nồng cho đến khi bà mất khi sinh con vào năm 1631.

Đau đớn khôn cùng, ông cho xây Taj Mahal. Đây là một lăng mộ bằng đá cẩm thạch trắng kỳ vĩ, mất hơn 20 năm và 20.000 thợ thủ công để hoàn thành. Shah Jahan được chôn cạnh Mumtaz trong lăng, như minh chứng cho lời hẹn “mãi mãi bên nhau”.
Victor Hugo và Juliette Drouet

Tác giả Những người khốn khổ quen nữ diễn viên Juliette Drouet năm 1833. Từ đó, bà từ bỏ sự nghiệp, trở thành người bạn đời âm thầm của ông trong suốt 50 năm. Dù Victor Hugo đã có vợ, nhưng mối quan hệ với Juliette sâu đậm đến mức ông gọi bà là “người vợ của tâm hồn mình”.
Juliette viết cho ông hơn 20.000 lá thư, theo ông đi khắp nơi, kể cả những năm tháng lưu vong vì bất đồng chính trị. Dù không chính danh, nhưng bà là người duy nhất Victor Hugo yêu trọn đời.
Beethoven và “người tình bất tử”

Năm 1812, nhà soạn nhạc thiên tài Ludwig van Beethoven viết một bức thư nồng nàn cho một người phụ nữ mà ông gọi là “người tình bất tử” (Unsterbliche Geliebte). Bức thư chưa bao giờ được gửi đi, và đến nay danh tính người phụ nữ ấy vẫn là điều bí ẩn.
Trong thư, ông viết: “Mãi mãi là của em. Mãi mãi là của anh. Mãi mãi là của chúng ta”. Câu nói ấy đã trở thành một trong những lời tỏ tình bất hủ nhất mọi thời đại. Dù người ấy là ai, tình cảm của Beethoven đã vượt cả lý trí và thời gian.
John Keats và Fanny Brawne

Nhà thơ người Anh John Keats gặp Fanny năm 1818. Họ yêu nhau sâu đậm, nhưng Keats khi đó nghèo, lại mắc lao phổi. Họ đính hôn trong bí mật. Trong giai đoạn bệnh nặng, Keats chủ động xa cách Fanny để không khiến cô đau lòng.
Trước khi qua đời ở Rome ở tuổi 25, Keats để lại những bức thư tình day dứt, khắc khoải. Fanny giữ chúng suốt đời và không bao giờ tái giá. Những bức thư ấy ngày nay được xem là đỉnh cao của thư tình tiếng Anh.