'Những cô em gái' giàu có, chịu chi ở Trung Quốc
Không mang áp lực phải tiết kiệm, sẵn sàng chi tiêu nhiều tiền cho bản thân, phụ nữ trẻ tại Trung Quốc đang trở thành những khách hàng đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ.
Những cô gái sống ở thành thị, có thu nhập cao, sẵn sàng ăn chơi xa xỉ được coi là nhân tố quan trọng, đóng góp lớn vào thị trường tiêu dùng tại Trung Quốc, theo Think China.
"Những cô em gái"
Nhóm người này được gọi dưới cái tên “little sisters” (tạm dịch: những cô em gái). Theo chuyên gia tiêu dùng Wendy Liu, lực lượng phụ nữ trong độ tuổi 20-40 đã và đang tạo ra một “nền kinh tế chị em” năng động, thu hút sự chú ý ở đất nước tỷ dân.
Những cô gái với sức chi tiêu cao này thường có một mẫu số chung: hưởng nền giáo dục tốt, làm việc ở các thành phố phát triển hàng đầu cả nước, công việc ổn định và mức lương tương đối cao.
Cách ví von đối tượng này với "em gái trong gia đình" xuất phát từ việc họ thường không phải mang gánh nặng chu cấp cho người thân và có thể tập trung chăm lo cho bản thân.
Liu Biting (25 tuổi) kiếm được khoảng 10.000 NDT (32,4 triệu VNĐ) mỗi tháng từ công việc tiếp thị ở Thượng Hải. Liu dành khoảng 1/3 để trả tiền nhà. Phần còn lại cô dùng để ăn uống, mua sắm quần áo và chi tiêu cho các sở thích khác.
Cô gái 25 tuổi không có khái niệm tiết kiệm. Sau 3 năm đi làm, bố mẹ Liu luôn hỏi cô đã dành dụm được bao nhiêu. Liu thừa nhận mình không có đồng nào và nói thêm bạn bè cô đều thế cả.
“Đối với bố mẹ tôi, họ muốn một công việc tốt, thu nhập ổn để có thể tiết kiệm tiền mua nhà và nuôi con cái. Nhưng với giới trẻ ngày nay, tiền là thứ để tiêu. Chúng tôi không có tiền tiết kiệm và cũng không bận tâm về điều đó”, Liu nói.
Không tiếc tiền chăm sóc bản thân
Theo bà Wendy, về tổng thể, “nền kinh tế chị em” có tác động lớn đến ngành mỹ phẩm, chăm sóc sắc đẹp, hàng miễn thuế. Sâu xa hơn, sức mua của nhóm này sẽ mở rộng ra và tiếp tục giúp các lĩnh vực liên quan đến gia đình, trẻ em như giải trí, giáo dục, bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc thai sản... phát triển.
Lý do khiến "nền kinh tế chị em" trên đà tăng cao nằm ở chỗ phụ nữ Trung Quốc hiện tại đã được hưởng giáo dục tốt hơn và có nền tảng để xây dựng sự nghiệp thành công.
Lựa chọn trì hoãn, thậm chí không kết hôn, sinh con của họ ít bị xã hội lên án gay gắt như trước. Do đó, những cô gái có khả năng tài chính, nắm quyền kiểm soát kinh tế nhiều hơn và đồng thời, có quyền lựa chọn những gì tốt nhất cho chính mình.
Mặt khác, khi vị trí được củng cố, phụ nữ càng ý thức hơn về nhu cầu chăm sóc bản thân và tìm kiếm những sản phẩm giúp bồi bổ sức khỏe, ngoại hình và tinh thần.
Họ tìm kiếm những thương hiệu, thiết kế, trải nghiệm, dịch vụ chất lượng và thậm chí tập trung vào bảo vệ môi trường. Họ chú trọng những sản phẩm tích hợp thẩm mỹ và trải nghiệm, hấp dẫn cả về mặt tiện ích lẫn cảm xúc.
Show truyền hình thực tế với tên gọi Sisters Who Make Waves (tạm dịch: Những chị em tạo ra làn sóng thay đổi) ra đời nhằm lột tả bức tranh về những phụ nữ thành thị, giàu có và không ngần ngại chi tiêu cho các món hàng đắt đỏ. 6 cô gái tham gia show đều sở hữu nhiều món đồ đắt tiền, mỗi lần xuất hiện đều diện trang phục, phụ kiện hàng hiệu từ đầu tới chân.
Theo một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Mỹ Frost & Sullivan, “little sisters” là tập khách hàng không thể bỏ qua trong số người tiêu dùng nữ tại Trung Quốc. Họ chiếm đến ba phần tư lượt mua hàng ở tất cả nhóm tuổi tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Một báo cáo của JD.com, công ty thương mại điện tử hàng đầu của Trung Quốc, chỉ ra rằng phụ nữ hiện đóng nhiều vai trò khác nhau trong xã hội và là những người tiêu dùng chủ chốt.
Để đáp ứng sở thích của họ, các nền tảng trực tuyến thi nhau đẩy mạnh, tạo không gian cho các “little sisters” thể hiện bản thân, từ đó khiến "chị em" trở thành lực lượng thống trị trong thời đại tiêu dùng ngày nay.
Theo ước tính, giá trị của nền kinh tế “chị em” này ở Trung Quốc sẽ đạt ngưỡng 5.000 tỷ NDT trong năm 2020.
Với thị phần khổng lồ như vậy, không có gì lạ khi các doanh nghiệp đều tranh giành nhau "miếng bánh" béo bở. Quyền lực của “những cô em gái” đang thúc đẩy sự thay đổi trong mô hình kinh doanh.