Những cô giáo dành cả thanh xuân… 'cõng chữ lên non'

Con đường đến trường trèo đèo, lội suối; những học sinh người Nùng, người Dao… nói cô chẳng hiểu gì… Vậy nhưng, vượt qua tất cả những khó khăn, những cô giáo vẫn bám bản, bám trường, dành cả thanh xuân 'cõng chữ lên non'.

Với những cống hiến của mình, vượt qua những khó khăn để bám bản, bám trường, dành cả thanh xuân "cõng chữ lên non", cô giáo Hoàng Thị Vân, Trường Mầm non Nấm Dẩn (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang); Cô giáo Ma Thị Bạch, Trường Tiểu học Minh Quang (Lâm Bình, Tuyên Quang) đã được Bộ GD&ĐT tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2023.

Dạy học bằng “song ngữ”

Cô giáo Hoàng Thị Vân, 36 tuổi, giáo viên Trường Mầm non Nấm Dẩn (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) chia sẻ, cô sinh ra và lớn lên ở Hà Giang. Hơn 10 năm công tác tại vùng sâu, vùng xa, có vô vàn khó khăn, nhưng khó khăn lớn nhất là bất đồng ngôn ngữ.

“Cô giáo là người dân tộc Tày, còn đa số các học trò là người dân tộc Nùng và dân tộc Mông, cô và trò không cùng ngôn ngữ. Nhớ nhất ngày mới lên công tác, cô nói mà trò không hiểu, trò nói mà cô không hiểu”, cô Vân chia sẻ.

Từ những tình huống “dở khóc dở cười” khi cô và trò không hiểu tiếng nhau, cô Vân đã quyết tâm học thêm tiếng của đồng bào ở đó để có thể dạy được các em nhỏ. Cô nhờ những học trò ở các lớp lớn hơn hoặc phụ huynh biết tiếng phổ thông dạy lại cho cô giáo tiếng của dân tộc mình. Từ đó, có thể giảng dạy cho các cháu bằng “song ngữ”.

 Cô giáo Hoàng Thị Vân, 36 tuổi, giáo viên Trường Mầm non Nấm Dẩn (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang). Ảnh: Mai Loan.

Cô giáo Hoàng Thị Vân, 36 tuổi, giáo viên Trường Mầm non Nấm Dẩn (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang). Ảnh: Mai Loan.

Ngoài khó khăn về ngôn ngữ, thì đường sá đi lại khó khăn, hầu hết đồi núi, dốc đá, các em nhỏ từ 3-4 tuổi đều phải tự đi học, khoảng 3-5km. Đến giờ, đường xá phát triển hơn việc đi học của các em cũng đỡ vất vả hơn. Bản thân giáo viên những ngày đó đi làm cũng rất cực nhọc. Có một kỷ niệm cô Vân nhớ nhất, khi nhắc lại, cô vẫn nghẹn ngào, rơi nước mắt.

“Hôm đó là lần đầu tiên em đi làm, ngày đầu tiên làm cô giáo. Xe lên dốc cao, đến giữa chừng thì đường khó đi, xe không lên được mà cũng không xuống được. Em chỉ biết đứng khóc. Sau đó, may mắn gặp một người dân đi làm về ngang qua mới giúp xe đi tiếp được”, cô Vân xúc động kể lại.

Một khó khăn nữa, đó là phụ huynh là người dân tộc Nùng và Mông vẫn chưa quan tâm đến việc học của con em mình. Mọi người cứ nghĩ, đi học mầm non thì chỉ hát, múa, các cô giáo chưa phải làm gì. Thời điểm ấy, bản thân cô Vân cảm thấy nản chí rất nhiều.

Chỉ cần học trò đi học đủ đã là niềm vui lớn nhất

Cô Vân tâm sự, việc đến với nghề giáo viên mầm non có lẽ là cơ duyên. Ban đầu cô chỉ đi học vì được bạn bè rủ và cũng chưa nghĩ sẽ thích nghề này. Đến khi đi dạy, những vất vả, khó khăn đã nhiều lúc khiến cô bật khóc. Nhưng rồi, tình yêu với những đứa trẻ vùng cao và bà con nơi đây đã dần khiến cô gắn bó và yêu tha thiết nghề dạy của mình.

Cũng như bao cô giáo ở vùng cao, ngày lễ, ngày Tết, món quà tặng các cô chỉ là củ sắn, củ khoai, những đóa hoa rừng… Nhưng với cô Hoàng Thị Vân, đó là niềm hạnh phúc vô bờ. Đặc biệt, món quà vô giá chính là việc các em đi học đầy đủ. “Với tôi, chỉ cần học trò đi học đầy đủ đã là niềm vui lớn nhất rồi”, cô Vân tâm sự.

 Cô giáo Hoàng Thị Vân cùng các thầy cô giáo nhận bằng khen từ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Lễ tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2023.

Cô giáo Hoàng Thị Vân cùng các thầy cô giáo nhận bằng khen từ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Lễ tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2023.

Chia sẻ về những trăn trở, cô Vân mong được Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều hơn đến ngành giáo dục nói chung và ngành giáo dục mầm non nói riêng.

Hiện nay, tại khu vực vùng cao, khó khăn như Trường Mầm non Nấm Dẩn nơi cô đang công tác, Nhà nước đã hỗ trợ chi phí cho các cháu ở độ tuổi 3 - 5 tuổi, còn các cháu thì từ 0 - 2 tuổi chưa được hỗ trợ tiền ăn trưa. Cô Vân mong Đảng và Nhà nước tạo điều kiện để trẻ 0 - 2 tuổi cũng được hưởng sự hỗ trợ giống các cháu 3 - 5 tuổi, giúp gia đình các cháu đỡ vất vả hơn.

Cô Hoàng Thị Vân cũng đề xuất các cấp lãnh đạo hỗ trợ nhiều hơn cho giáo viên vùng cao và đặc biệt là giáo viên mầm non. Nữ giáo viên bộc bạch, hiện nay, các thầy cô mầm non vẫn đang trực buổi trưa 2 tiếng mà không có khoản hỗ trợ.

Các trường ở thành phố hay trung tâm huyện, trường thị trấn có điều kiện tốt, giáo viên mầm non sẽ được hỗ trợ chút ít từ phụ huynh cho các giờ trực trưa thì giáo viên mầm non các vùng khó khăn hoàn toàn không có, bởi điều kiện phụ huynh còn nghèo, không thể đóng góp.

“Do đó, tôi rất mong các cấp lãnh đạo sẽ xem xét hỗ trợ giáo viên mầm non về vấn đề này”, cô Vân bày tỏ kỳ vọng.

Coi học trò như con

Cô giáo Ma Thị Bạch, Trường Tiểu học Minh Quang (Lâm Bình, Tuyên Quang) đã công tác trong ngành giáo dục được 16 năm. Nhìn lại chặng đường đã qua, cô nói, hiện giờ vẫn còn nhiều vất vả, nhưng so với trước kia đã đỡ khó khăn hơn rất nhiều.

 Cô giáo Ma Thị Bạch, Trường Tiểu học Minh Quang (Lâm Bình, Tuyên Quang). Ảnh: Mai Loan.

Cô giáo Ma Thị Bạch, Trường Tiểu học Minh Quang (Lâm Bình, Tuyên Quang). Ảnh: Mai Loan.

Ngày cô mới đi dạy ở Trường Tiểu học Phúc Sơn, con đường đến trường phải đi qua suối. Vào ngày mưa, học trò không đi học được. Nhiều năm gắn bó với học sinh vùng cao, cô Bạch đã coi các học trò như con đẻ của mình. Ngày cô mới chuyển về Trường Tiểu học Minh Quang, lớp cô nhận chủ nhiệm có một em bị bệnh máu huyết tán.

Tháng nào, học trò này cũng phải đi viện một lần, từ lớp 3, số lần phải tiếp máu trong tháng nhiều hơn. Mỗi lần cần tiếp máu, em lại nằm ra lớp rất mệt mỏi, cô giáo và các bạn động viên bạn rất nhiều. Thương học trò nghèo, lại bị bệnh nặng, cô Bạch đã nhận đỡ đầu luôn học sinh, hỗ trợ em để em có thể đi học được.

“Giờ em đã học lớp 9 rồi, số lần đi viện cũng phải nhiều hơn. Mỗi lần nhớ về những kỷ niệm cùng các em vẫn rất xúc động”, cô Bạch kể,.

Chia sẻ về những trăn trở, cô Ma Thị Bạch cho hay, những trường miền núi còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Đến hơn 90% các em học sinh là dân tộc thiểu số, phòng học chật hẹp, sơ sài khiến cho việc triển khai các hoạt động dạy học theo chương trình mới có những hạn chế,

Như với trường của cô, một lớp học chỉ khoảng 32m2, trong khi có từ 30-35 học sinh, việc tổ chức hoạt động nhóm gặp khó khăn. Cô mong trường lớp sẽ khang trang hơn, để các em có thể học tập tốt hơn.

Cùng với đó, các giáo viên vùng cao sẽ được hưởng đúng, hưởng đủ chế độ chính sách để các thầy cô yên tâm bám bản.

Mời quý độc giả xem video cô giáo Hoàng Thị Vân, Trường Mầm non Nấm Dẩn (Hà Giang) xúc động chia sẻ kỷ niệm khi ngày đầu tiên đi dạy học ở vùng cao. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/tri-thuc-viet-toan-cau/nhung-co-giao-danh-ca-thanh-xuan-cong-chu-len-non-1939928.html