Những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam ghi dấu ấn trong chuỗi cung ứng bán dẫn
Với nguồn nhân lực trẻ dồi dào và am hiểu công nghệ, cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển, Việt Nam có lợi thế ở khâu thiết kế chip. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã nhận thấy những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu và thông báo những kế hoạch đầu tư mới và dự định phát triển tại thị trường đầy tiềm năng.
Trước thềm Xuân Giáp Thìn 2024, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã có những chia sẻ với VnBusiness về câu chuyện phát triển của ngành bán dẫn Việt Nam trong thời gian tới.
Thưa ông, 2023 được đánh giá là năm sôi động của ngành bán dẫn Việt Nam, minh chứng là các tập đoàn lớn trên thế giới đã tới Việt Nam để khảo sát, tìm hiểu cơ hội?
Việt Nam có đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn. Đó là một hệ thống chính trị được đánh giá ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nhân lực công nghệ cao dồi dào và Việt Nam quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Như Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian vừa qua, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Hoa Kỳ trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn như sau: hoàn thiện cơ chế một cửa, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030 sẽ đạt 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn, thành lập NIC Hòa Lạc để sẵn sàng đón nhận dự án đầu tư ngành bán dẫn với các chế độ ưu đãi nhất…
Các doanh nghiệp nước ngoài đã đánh giá rất cao những tiềm năng của Việt Nam. Các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) đã nhận thấy những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu và thông báo những kế hoạch đầu tư mới và dự định phát triển tại thị trường đầy tiềm năng.
Và mới đây, Chủ tịch Jensen Huang của Nvidia đã cam kết biến Việt Nam thành quê hương thứ hai của Nvidia và sẽ thành lập pháp nhân ở Việt Nam.
Vậy, trong mảng chip bán dẫn, Việt Nam nên làm hết hay chọn một khâu để tận dụng nhiều nhất cơ hội?
Với 3 công đoạn của chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn là thiết kế, sản xuất, kiểm thử và đóng gói, thì Việt Nam chỉ mới có hoạt động ở công đoạn đầu và công đoạn cuối. Hiện tại, Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất bán dẫn.
Đối với thiết kế: Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có các công ty VHT (Viettel) và FPT Semiconductor tham gia với khoảng 200 nhân viên. Còn lại khoảng 36 công ty nước ngoài đến từ Nhật, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc đã đầu tư tại Việt Nam cùng với đội ngũ nhân lực ước tính khoảng 5.600 kỹ sư.
Đối với kiểm thử, đóng gói: Việt Nam có nhà máy của Intel và một vài công ty FDI làm công đoạn lắp ráp, kiểm thử và đóng gói. Hiện tại, Intel đã đầu tư vào Việt Nam 1,5 tỷ USD, hoạt động từ 2009 với gần 3.000 kỹ sư. Tại Bắc Ninh, nhà máy Amkor với số vốn đầu tư hơn 1,6 tỷ USD chia làm 3 giai đoạn.
Ở khâu thiết kế, tại Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng phụ thuộc nhiều vào số lượng doanh nghiệp có trong thị trường. Việc gửi kỹ sư ra nước ngoài làm việc phụ thuộc nhiều vào chất lượng và khả năng đáp ứng các đòi hỏi về kỹ thuật và kỹ năng cũng như trình độ ngoại ngữ của nhân sự được đào tạo tại Việt Nam.
Với nguồn nhân lực trẻ dồi dào và am hiểu công nghệ, cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển, Việt Nam có lợi thế ở khâu thiết kế. Theo khảo sát năm 2023 của Bộ KH&ĐT, Việt Nam đủ điều kiện và năng lực để đào tạo khoảng 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ ngành liên quan như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông…; một số trường đại học hàng đầu của Việt Nam là Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh…
Tuy vậy, một số khu công nghệ cao, khu công nghiệp và khu kinh tế các tỉnh thành triển khai nhiệm vụ và giải pháp theo các nhóm như sau:
Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn: đào tạo giảng viên, đào tạo sinh viên, đào tạo sau đại học, đào tạo ngắn hạn, chuyển tiếp, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức tham gia đào tạo.
Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về nghiên cứu và phát triển: khuyến khích và tài trợ các dự án nghiên cứu và phát triển vi mạch, ứng dụng và thương mại hóa các dự án nghiên cứu, nghiên cứu các xu hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ: Đầu tư trung tâm đào tạo vi mạch bán dẫn, Đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn, Xây dựng Cổng thông tin, các nền tảng hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo
Bên cạnh đó là nhóm nhiệm vụ, giải pháp thu hút chuyên gia, nhân tài; Nhóm nhiệm vụ, giải pháp tạo đầu ra cho nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ triển khai…
Ngành bán dẫn mở ra cơ hội lớn, nhưng liệu có thách thức, bởi mức đầu tư cho sản xuất chip rất lớn, chúng ta có thể bắt đầu từ đâu, thưa ông?
Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn như hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, nguồn nhân lực kỹ thuật - công nghệ dồi dào, cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển. Chính phủ Việt Nam quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành này.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp bán dẫn đang đặt ra các thách thức cho các doanh nghiệp và Chính phủ các nước, trong đó Việt Nam cũng đang phải đối mặt: Mức đầu tư cho sản xuất chip là rất lớn, đòi hỏi cơ sở hạ tầng đặc biệt và các dây chuyền sản xuất phức tạp. Trong thực tế, việc xây dựng một xưởng đúc chip có thể tiêu tốn tới 50 tỷ USD.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp bán dẫn đang chịu áp lực từ sự cạnh tranh cao, đặc biệt là từ các nước như Trung Quốc, Mỹ, và châu Âu. Những quốc gia/khu vực này đã công bố kế hoạch cho lĩnh vực chip của mình từ 50 tới 150 tỷ USD.
Đồng thời, sự phức tạp ngày càng tăng của công nghệ bán dẫn đòi hỏi sự đầu tư lớn vào R&D để duy trì sự cạnh tranh. Yêu cầu về đội ngũ nhân sự chất lượng cao rất lớn, và thực tế nguồn nhân lực của Việt Nam mới chỉ đang dừng lại ở giai đoạn đầu, kỹ năng và trình độ chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
Để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất chip bán dẫn, chúng ta cần phải triển khai các giải pháp gì thưa ông?
Để ngành công nghiệp bán dẫn ở nước ta phát triển xứng tầm với các lợi thế sẵn có, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung vào các nội dung cụ thể để bước đầu hình thành ngành công nghiệp công nghệ cao này. Bao gồm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, với việc xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đến năm 2030, đề án sẽ làm rõ bức tranh toàn cảnh về nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đến năm 2023 có 50.000 nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn, với kỳ vọng cung cấp đủ số lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp bán dẫn trong nước và xuất khẩu lao động sang các các thị trường phát triển khác.
Xây dựng cơ chế và chính sách riêng để thu hút và tận dụng sự đầu tư từ nước ngoài: Theo Nghị định 94/2020/NĐ-CP dành riêng cho NIC được Chính phủ ban hành đã đưa ra các chính sách và mức độ ưu đãi cho các doanh nghiệp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Trung tâm. Trong đó có các doanh nghiệp bán dẫn muốn gia nhập đầu tư vào thị trường Việt Nam, cụ thể được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm kể từ năm đầu tiên có doanh thu; miễn thuế trong 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp không quá 09 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế; Được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất trong thời hạn 05 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất…
Đầu tư xây dựng các trung tâm R&D, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp của Việt Nam tiếp cận các công nghệ mới. Trong khuôn khổ chuyến thăm Hoa Kỳ, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Việt Nam (NIC) đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Cadence và Đại học Bang Arizona (ASU) để hình thành trung tâm ươm tạo, nghiên cứu thiết kế vi mạch tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư trong ngành bán dẫn. Trong tương lai không xa, chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.