Những cơ sở để nâng cấp Củng Sơn lên đô thị loại IV
Một góc thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa. Ảnh: CTV
Thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa là đô thị loại V bên dòng sông Ba, cách TP Tuy Hòa 47km về phía tây theo quốc lộ 25 đi Tây Nguyên. Huyện Sơn Hòa đang lập quy hoạch chung đến năm 2030, làm cơ sở để đầu tư, nâng cấp lên đô thị loại IV.
Vùng đất giàu tiềm năng
Thị trấn Củng Sơn có 5 khu phố (Bắc Lý, Tịnh Sơn, Đông Hòa, Tây Hòa và Trung Hòa) với dân số khoảng 14.000 người, diện tích tự nhiên 3.037ha.
Củng Sơn nằm ở góc đông nam, ngã tư giao giữa quốc lộ 25 với quốc lộ 19C, phía đông giáp xã Sơn Hà, phía tây giáp xã Suối Trai, phía nam là dòng sông Ba bao bọc, còn phía bắc giáp với quốc lộ 25. Thị trấn này có địa hình đa dạng, đồi núi chiếm 50% diện tích tự nhiên, chen giữa là các bình nguyên và thung lũng nhỏ, sông suối. Với địa hình thấp dần từ bắc xuống nam, từ tây sang đông; thị trấn có khí hậu nhiệt đới gió mùa, ảnh hưởng của khí hậu Tây Nguyên nên khá mát mẻ, nhiệt độ trung bình hàng năm 280C, lượng mưa bình quân từ 1.800-1.900 mm/năm.
Dòng sông Ba bắt nguồn từ Kon Tum, chảy qua huyện Sơn Hòa với độ dài khoảng 60km. Dòng sông Ba mang lại không khí mát lành cho đô thị này. Thị trấn Củng Sơn còn có hồ suối Bùn, suối Thá, suối Ngang, suối Cá và cây lá xanh tươi bốn mùa.
Nơi đây còn có quốc lộ 25 đi Krông Pa, tỉnh Gia Lai; có quốc lộ 19C và cầu Sông Ba là trục dọc miền Tây Phú Yên, nối liền 3 huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân. Giao thông nội thị được nhựa hóa, có đường Trần Phú dài, rộng đẹp và hiện đại. Các công trình phúc lợi như chợ, bệnh viện, trường học, nhà văn hóa, trụ sở cơ quan khang trang; 100% dân cư nội, ngoại thị đều có điện và dùng nước sạch đô thị. Phía đông thị trấn (xã Sơn Hà) có Nhà máy đường Sơn Hòa (Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam) có công suất khá lớn, tạo điều kiện cho cây mía toàn huyện phát triển, giải quyết nhiều việc làm cho lao động tại đô thị này.
Thị trấn Củng Sơn là cái nôi cách mạng, cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ từng bị quản thúc và được đồng bào che chở. Nơi đây còn có đền thờ tiền hiền Củng Sơn, nhà thờ Tịnh Sơn - là những công trình kiến trúc có từ lâu đời. Bà con đồng bào dân tộc thiểu sốcòn có lễ hội cồng chiêng, lễ cúng bỏ mả, cúng bến nước, cúng thần núi, thần sông... là những tiềm năng để phát triển du lịch.
Đối chiếu với các tiêu chí đô thị loại IV thì Củng Sơn mới đạt về: vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và phát triển kinh tế - xã hội của đô thị; còn các tiêu chí khác như quy mô dân số, mật độ cư trú, lao động phi nông nghiệp và hạ tầng kiến trúc cảnh quan đô thị thì chưa đạt. Đây là mục tiêu, nhiệm vụ mà đồ án lần này cần hướng tới.
Hình thành các không gian chức năng
Trước năm 1975, thị trấn Củng Sơn bé nhỏ bên bờ sông Ba. Sau giải phóng, thị trấn được lập quy hoạch chi tiết khu trung tâm hành chính gần núi Hòn Ngang; năm 1993 điều chỉnh quy hoạch khu trung tâm và quy hoạch chi tiết khu dân cư Suối Bạc 1 và Suối Bạc 2; năm 2008 quy hoạch chung thị trấn. Như vậy, trong 47 năm (1975-2022), đô thị này mới được quy hoạch ba lần, nay là lần thứ tư.
Theo dự báo đến năm 2030, dân số thị trấn tăng lên 25.000 người, trong đó tỉ lệ lao động phi nông nghiệp trên 25%. Về tổng thể hình thành hai vùng không gian phát triển: Vùng nông nghiệp, duy trì các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi tại khu vực đồng bằng, thung lũng, khe suối. Vùng đô thị tập trung tại khu trung tâm thị trấn hiện nay, dọc quốc lộ 25, quốc lộ 19C, cải tạo lại khu dân cư bên bờ sông Ba; đầu tư về hạ tầng đồng bộ để thu hút các loại hình dịch vụ, thương mại và du lịch.
Tại thị trấn hình thành 4 không gian chức năng, đó là không gian trung tâm hành chính, khép kín khu dân cư. Không gian động lực phát triển kinh tế thì dọc quốc lộ 25 và quốc lộ 19C. Không gian ở sinh thái là những khu vực có cảnh quan mặt nước, đầm hồ, phát triển các nhóm nhà ở theo mô hình ở kết hợp với kinh doanh thương mại dịch vụ. Không gian khu đô thị sinh thái dọc bờ sông Ba, xây dựng kè kết hợp với đường cảnh quan, khai thác tiềm năng đất đai, mặt nước, các công trình kiến trúc hướng về sông.
Củng Sơn là đô thị miền núi nên không gian phát triển theo tuyến kết hợp đa trung tâm, hình thành những trục phố thương mại dọc quốc lộ 25 và phố chợ trung tâm, trục phố cảnh quan ven bờ sông Ba, trục du lịch nghỉdưỡng dọc quốc lộ 19C và khu vực nhà ở có vườn. Các công trình công cộng xây dựng tại các trung tâm mới để không gian đô thị sinh động, hạn chế việc san ủi, tôn trọng địa hình tự nhiên. Các công trình kiến trúc có khoảng lùi xây dựng lớn hơn 5m, trừ các trục phố thương mại thì trùng với chỉ giới đường đỏ; khuyến khích xây dựng nhà ở có vườn, nhà ở thấp tầng, khai thác văn hóa kiến trúc nhà sàn mái dốc của đồng bào dân tộc, nhà ở bám theo địa hình, kết hợp với các dịch vụ kinh doanh khác, đề cao kinh tế vườn nhà.
Xây dựng công viên trung tâm hồ Suối Bùn, kết hợp mặt nước với cây xanh bản địa, cây xanh đường phố quanh hồ, cây xanh trong các vườn nhà và cây xanh núi đồi, tạo dựng một công viên trung tâm đẹp có màu xanh tươi mới, để thu hút đầu tư... là những tiêu chí mà từ nay đến năm 2030 đô thị này hướng tới.
Củng Sơn là đô thị miền núi nên không gian phát triển theo tuyến kết hợp đa trung tâm, hình thành những trục phố thương mại dọc quốc lộ 25 và phố chợ trung tâm, trục phố cảnh quan ven bờ sông Ba, trục du lịch nghỉ dưỡng dọc quốc lộ 19C và khu vực nhà ở có vườn. Các công trình công cộng xây dựng tại các trung tâm mới để không gian đô thị sinh động, hạn chế việc san ủi, tôn trọng địa hình tự nhiên.