Những cổ thụ giữa đại ngàn

Từ bao đời nay, Quảng Nam và Sê Kông luôn duy trì mối quan hệ truyền thống, đoàn kết hữu nghị. Trong quá trình giao thương, qua lại, nhiều cư dân từ các cụm bản của Lào đã kết hôn, nhập quốc tịch, rồi định cư tại khu vực biên giới và trở thành công dân Việt Nam. Đặc biệt ở thôn Đăc Ngol, xã La Êê (Nam Giang) có hai cư dân gốc Lào trở thành đảng viên đảng cộng sản Việt Nam và cũng là hai già làng tiêu biểu.

Vùng đại ngàn phía Tây của tỉnh Quảng Nam, nơi tiếp giáp với nước bạn Lào.

Vùng đại ngàn phía Tây của tỉnh Quảng Nam, nơi tiếp giáp với nước bạn Lào.

1 - Cuối năm lại làm một chuyến ngược ngàn. Do chỉ cách mấy hôm sau những trận mưa lớn nên con đường chúng tôi qua vẫn còn đầy những cây cối ngã đổ, đất đá lớn đá nhỏ ngổn ngang. Vượt hơn 70km từ thị trấn Thạnh Mỹ, huyện miền núi cao Nam Giang sau gần một buổi đường, chúng tôi mới có mặt ở thôn Đắc Ngol, xã La Êêm vùng biên giới giáp huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông, Lào. Theo chân một người dân địa phương, chúng tôi đã tìm được già làng Zơrâm Vênh.

Già Zơrâm Vênh năm nay 73 tuổi, còn khỏe và nhanh nhẹn. Già rất vui khi được gặp cánh nhà báo. Trong câu chuyện của mình, già Zơrâm Vênh cho hay: Phần lớn cư dân ở làng trước đây di cư từ bên kia biên giới. Chuyện cũ đã lâu nên không còn nhớ rõ thời gian. Hiện thôn Đắc Ngol có 59 hộ với 226 khẩu đều có gốc gác là dân từ Lào di cư sang sinh sống.

Trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, người dân ở Đắc Ngol và đồng bào lân cận cùng nhau hợp sức đánh giặc. “Khi giặc đổ quân lên đây, mình cùng buôn làng chế tạo cung nỏ, chất độc bắn địch. Loại thuốc tẩm vào nỏ cũng chỉ bằng loại cây lá ngâm tẩm thôi nhưng rất độc khi đã vào người thì không thể cứu được. Miết đến khoảng năm 1973 thì trên cho gia nhập đơn vị 70, mặt trận 4 Quảng Đà…”, già nhớ lại. Những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, già Zơrâm Vênh được bổ sung vào lực lượng bộ đội chủ lực của tỉnh. Năm 1974, già Vênh trực tiếp tham gia đánh trận Thượng Đức, chiến địa được coi như cánh cổng thép để bảo vệ Đà Nẵng, nơi mà ngụy quyền Sài Gòn từng huênh hoang, nếu Việt cộng đánh được vào đây thì nước sông Vu Gia sẽ chảy ngược.

Vợ già Zơrâm Vênh là bà Pơloong Von, cũng từng tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến, nay đã trở thành công dân Việt Nam. Năm 1997, già Zơrâm Vênh vào Đảng và chính thức trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hàng chục năm qua, gần như tất tần tật công việc của người dân ở đây đều có công sức đóng góp của già: vận động con cháu ra lớp học tập, xóa bỏ hủ tục, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Trong vai trò người đảng viên và cũng là một già làng đưa mọi chủ trương của Đảng, Chính phủ, của tỉnh đến với đồng bào một cách rất thuận lợi.

Đảng viên Zơrâm He’m - năm nay 44 tuổi, là trưởng thôn Đắc Ngol, xã La Êê cho biết, dù trong thôn có đến ba dân tộc Ve, Rà Riềng, Cơ Tu nhưng đồng bào luôn đoàn kết, cùng nhau xây dựng bản làng. Hiện Đắc Ngol đã được công nhận thôn văn hóa. Nói về vai trò người đảng viên, già Zơrâm Vênh thì anh nhận xét: “Già ni thôi khỏi bàn nữa. Lâu nay dân tin cũng bởi việc làm của già. Cái gì có lợi cho dân thì ổng làm hết”.

Tác giả bài viết (giữa) già làng Zơrâm Vênh (trái) và vợ chồng già làng Zơrâm Niêm.

Tác giả bài viết (giữa) già làng Zơrâm Vênh (trái) và vợ chồng già làng Zơrâm Niêm.

2 - Điều hiếm thấy cũng ở thôn Đắc Ngol còn có một cây đại thụ nữa, cũng là đảng viên, già làng uy tín Zơrâm Niêm. Ông từng là Bí thư Chi bộ Đắc Ngol. Thời kỳ chống Pháp, già Niêm theo cha rời núi Đăk Crơ’na huyện Đắc Chưng về Đắc Ngol định cư. Lớn lên đi dân công hỏa tuyến. Bao nhiêu sức trẻ đều đóng góp cho cách mạng, phục vụ kháng chiến. Năm 1982 ông mới chính thức được kết nạp Đảng. Mới đây ông đã được nhận huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Trong niềm tự hào già Zơrâm Niêm chia sẻ: Chủ trương của Đảng, Nhà nước rất đúng, có vậy bà con mình mới có ngày hôm nay, trước khổ lắm nay đầy đủ, con em được học hành, có trạm y tế, có trường… đời sống đi lên. Bản thân nhận huy hiệu 30 năm tuổi Đảng, rồi 40 năm. Già coi huy hiệu này còn quý hơn những chiêng, ché đồ cổ quý của già”.

Với chủ trương đưa cán bộ Biên phòng về làm tham gia cấp ủy Đảng ở các xã vùng biên, ông cho đây là chủ trương “sáng nhất” của Đảng. Bởi theo ông, có đảm bảo an ninh chính trị, bình an nơi biên giới thì bà con mới yên tâm làm ăn. Riêng với gia đình, ông tự hào vì trong số các người con của ông, một người là Chính trị viên một Đồn biên phòng, một là Phó Bí thư đảng ủy xã đang theo học cao cấp chính trị và một là cán bộ Kiểm lâm…

Trao đổi với chúng tôi Thiếu tá Biên phòng Đặng Đình Xuân kiêm Phó Bí thư Đảng ủy xã La Êê nhìn nhận, cả hai già làng, hai đảng viên cao tuổi Zơrâm Vênh và Zơrâm Niêm đã có vai trò rất lớn về việc xóa bỏ các hủ tục vùng cao. Hai già làng như những cây đại thụ giữa đại ngàn Trường Sơn, soi bóng, quy tụ cộng đồng các dân tộc anh em theo Đảng, bảo vệ bình yên biên giới, xây dựng cuộc sống ấm no. Bằng tất cả nhiệt huyết, tình người nồng thắm, không chút màu mè, chân chất và nặng nghĩa tình, họ khác nào những dũng sĩ của núi rừng đủ sức vóc bảo vệ buôn làng, bảo vệ đất nước qua các cuộc chiến tranh giành độc lập, tự do và với ngày hôm nay cũng vậy.

VÕ VĂN TRƯỜNG

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nhung-co-thu-giua-dai-ngan-post272488.html