Những con đường khai thông Hành lang Kinh tế Đông - Tây
Những năm qua, Việt Nam đã mở nhiều tuyến đường chiến lược theo trục Đông - Tây, khai thông tuyến giao thương hàng hóa từ Thái Lan, Lào, Campuchia, đưa hàng hóa xuất khẩu sang các nước.
Thủ tướng Chính phủ vừa thống nhất chủ trương nghiên cứu đầu tư tuyến đường mới từ Khu Kinh tế cửa khẩu Quốc tế Nam Giang đến cảng biển Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Tuyến đường này sẽ kết nối giao thông giữa đồng bằng và miền núi, mở rộng không gian phát triển của tỉnh Quảng Nam và khu vực miền Trung, thúc đẩy giao lưu hàng hóa dọc Hành lang Kinh tế Đông- Tây.
Cửa khẩu Quốc tế Nam Giang, tỉnh Quảng Nam mỗi ngày đón hàng trăm lượt xe container, xe tải vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh Đông Nam Thái Lan và Hạ Lào vào miền Trung Việt Nam. Từ Cửa khẩu này, các phương tiện đi qua Quốc lộ 14D dài 75km để đến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua huyện Nam Giang.
Tuyến đường này có độ dốc lớn, hiện tồn tại 24 điểm đen giao thông, nhiều đoạn che khuất tầm nhìn... từng xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Người dân địa phương lo ngại mỗi khi đoàn xe container đi qua, gần như chiếm hết lòng đường, các phương tiện giao thông khác rất khó đi lại.
Ông Lê Văn Tùng, tài xế xe tải thường xuyên lưu thông qua đây cho biết, đường đã xấu lại quá hẹp nên việc vận chuyển và bảo quản hàng hóa gặp nhiều trở ngại. “So với các tuyến đường vận chuyển hàng hóa về cảng Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng để đi ra nước ngoài thì tụi tôi chọn con đường này vì cự ly ngắn. Nhưng do đường dốc nhiều quá nên tỷ lệ xe chạy không thể đạt tốc độc cho phép. Chúng tôi mong muốn đường sớm được mở rộng để về cảng Đà Nẵng được gần hơn".
Từ tháng 8 năm ngoái, Cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc chính thức trở thành Cửa khẩu Quốc tế. Hơn một năm qua, cửa khẩu này vẫn chưa phát huy hết công năng do hệ thống giao thông chưa khớp nối đồng bộ.
Ông Leklai Sivilay, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Sê Kông, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào cho rằng, Chính phủ 2 nước Việt Nam và Lào cần bổ sung quy hoạch, tăng cường đầu tư nâng cấp đồng bộ hệ thống giao thông để Cửa khẩu Quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc trở thành cánh cửa mới kết nối Hành lang Kinh tế Đông - Tây.
Ông Leklai Sivilay kỳ vọng, tương lai không xa sẽ mở ra cơ hội hợp tác về kinh tế, thương mại giữa Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam với các tỉnh Trung Nam Lào, thúc đẩy tiến trình kết nối và hình thành cộng đồng ASEAN.
“Cửa khẩu Đắc Tà Oọc là cửa khẩu quốc tế đầu tiên của tỉnh Sê Kông, sẽ tạo điều kiện thông thương hàng hóa, nâng cao đời sống người dân. Bên cạnh đó, kinh tế xã hội của tỉnh Sê Kông sẽ ngày càng phát triển hơn. Cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc sẽ góp phần mở ra cơ hội hợp tác mới cho các tỉnh biên giới 2 nước nói chung. Qua đó cùng nhau nỗ lực phấn đấu xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển" - ông Leklai Sivilay cho biết.
Những năm qua, Việt Nam đã mở nhiều tuyến đường chiến lược theo trục Đông - Tây, khai thông tuyến giao thương hàng hóa từ Thái Lan, Lào, Campuchia, đưa hàng hóa xuất khẩu sang các nước.
TS. Ngô Trung Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Đầu tư nông thôn Quốc gia cho rằng, việc mở rộng, nâng cấp tuyến đường từ Cửa khẩu phía Tây với các cảng biển lớn phía Đông không chỉ tạo ra sự phát triển của riêng tỉnh Quảng Nam mà là động lực phát triển của cả Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và các nước ASEAN.
“Khát vọng của mình là cùng với các nước bạn Lào, Campuchia, Thái Lan mở những con đường ra phía biển. Mình đã có cảng biển tốt, sân bay tốt, hệ thống dịch vụ tốt, toàn bộ không gian logistics ấy không chỉ phục vụ cho phía Tây mà phục vụ cả cho các quốc gia phía Tây có cùng biên giới với Việt Nam. Nếu làm được thì đây là điều quá thành công" - TS. Ngô Trung Hải nhấn mạnh.
25 năm kể từ khi tái lập tỉnh Quảng Nam, việc rút ngắn khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng là ước vọng bao đời nay của người dân địa phương, tạo điều kiện cho vùng Tây tỉnh Quảng Nam phát triển.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển logistics dựa vào hệ thống cảng biển đã được quy hoạch, đầu tư bài bản và các khu công nghiệp, khu kinh tế đang phát triển mạnh. Khi hệ thống giao thông được đầu tư khớp nối đồng bộ sẽ tạo điều kiện cho địa phương phát triển công nghiệp, du lịch và khai thác tối đa tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây.
Theo ông Lê Trí Thanh: “Tại khu vực miền Trung tiềm năng phát triển ở khu vực đồng bằng hẹp, thị trường rất nhỏ nên chúng ta phải tìm cách khai thông thị trường khu vực vùng Tây để kết nối được sang Lào và Thái Lan. Các khu kinh tế đang phát triển thì cần tiếp tục nghiên cứu đầu tư cho xứng tầm hơn để thu hút lượng hàng từ Thái Lan, Lào trung chuyển sang Việt Nam qua các cảng ở miền Trung để phát triển công nghiệp chế biến và từ đó xuất khẩu đi. Như thế chúng ta có thể phá được thế cô lập ở khu vực phía Tây"./.