Những con giun này sẽ thay đổi cách nhân loại đi vệ sinh
Sử dụng rất ít nước, không mùi, ít ruồi muỗi, loại toilet này được tỷ phú Bill Gates đầu tư hàng triệu USD để lắp đặt tại các nước đang phát triển.
Tại các khu vực đông đúc, nhu cầu tìm kiếm những loại toilet mới có thể xử lý chất thải trực tiếp thay cho toilet truyền thống đang tăng lên.
Khi tới thăm vùng núi đá Squamish ở British Columbia, Canada, bạn không chỉ thăm cảnh sắc thiên nhiên mà còn có thể chứng kiến một cuộc cách mạng về toilet. Tại đây, những toilet được xây dựng để chất thải được xử lý tối đa bằng các biện pháp tự nhiên mà không cần hoặc sử dụng ít nước nhất có thể.
Nhược điểm của những loại toilet truyền thống
Đối với nước tiểu, khi xả vào toilet chúng sẽ được dẫn theo máng xuống đất, trở thành nguồn đạm cho cây và các loại vi sinh vật. Trong khi đó, phân được đưa vào một khoang ở mặt sau của toilet, nơi chứa loài giun ăn phân và một số vi sinh vật khác.
Loại toilet này đang đổi mới cách xử lý chất thải của con người vùng nông thôn và các điểm du lịch. Cách xử lý cũ, như đào hố xuống đất, chôn chất thải và lấp đi không còn đáp ứng được khi ngày càng nhiều người đổ về những điểm tham quan. Phân chưa xử lý cũng là mối nguy hiểm khi có thể ảnh hưởng tới các mạch nước ngầm, chưa kể ảnh hưởng về thẩm mỹ.
"Khi ngày càng có nhiều người đến thăm các địa điểm, xử lý phân bằng cách chôn không còn phù hợp", ông Ben Lawhorn, Giám đốc đào tạo một tổ chức về du lịch ngoài trời nhận xét.
Về cơ bản, hố xí lộ thiên cũng hoạt động tương tự: chất thải được xả xuống "cái hố" được đào sâu dưới lòng đất. Vấn đề lớn nhất là xử lý lượng chất thải dưới bể phốt để đảm bảo vi khuẩn, virus không lây lan. Toilet hiện đại với bể phốt được xây kín có thể hạn chế vấn đề này, nhưng xây dựng và làm sạch thì lại tốn kém hơn, chưa kể việc duy trì nguồn nước xả hay hút bể phốt.
Để khắc phục những điểm yếu này, nhiều nhà quản lý bắt đầu tìm về một loại toilet từng được áp dụng vào thập niên 1980: toilet xử lý chất thải trực tiếp bằng sinh vật. Sau khi đi vệ sinh, người dùng chỉ cần xúc một thìa chất giàu carbon như mùn cưa đổ lên trên. Đây là môi trường ẩm, thuận lợi để các vi sinh vật ăn chất thải sinh sôi.
Những hứa hẹn khiến tỷ phú Bill Gates đầu tư hàng trăm triệu USD
Toilet có giun ăn phân không phải mô hình mới. Nó đã được áp dụng tại nhiều nước đang phát triển như Ấn Độ, nơi mà loại toilet được gọi tên là "Con hổ", do hoạt động bằng giun hổ (Eisenia fetida).
Nhờ có giun ở dưới, nhà vệ sinh kiểu mới không cần dội nước, do vậy không cần phải xả xuống cống. Giun được nuôi phía dưới bể phốt, khi ăn phân chúng thải ra nước, khí CO2 và chất thải.
Giun hổ có thể loại bỏ tới 99% vi khuẩn trong phân, và thải ra phân hữu cơ, nước và CO2. Phân của giun có thể sử dụng làm phân bón. Khả năng xử lý của giun tốt hơn hẳn so với bể phốt thông thường.
Do xử lý khá sạch nên nhà vệ sinh Con hổ không gây mùi nhiều, cũng ít thu hút ruồi, muỗi hơn so với nhà vệ sinh thông thường.
Chất thải của giun có ít các chất độc hại hơn so với phân người. Nước do giun thải ra khi thấm xuống đất sẽ được lọc tự nhiên, do vậy không cần phải xử lý thêm.
Sạch sẽ, chi phí lắp đặt ban đầu thấp là lý do loại toilet mới được phổ biến tại Ấn Độ, nơi nhiều người dân còn không có thói quen đi vệ sinh trong toilet.
“Có nhiều người còn chưa bao giờ có nhà vệ sinh”, ông Ajeet Oak, giám đốc công ty sản xuất nhà vệ sinh này. Trước khi nhà vệ sinh Con hổ được lắp đặt, những người này sẽ đi vệ sinh tại đồng ruộng.
Quỹ từ thiện Bill và Melinda Gates, do hai vợ chồng tỷ phú Bill Gates sáng lập, đã trao tặng 4,8 triệu USD cho Trường Vệ sinh và Y dược nhiệt đới London để hoàn thiện công nghệ này. Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cũng hỗ trợ 170.000 USD cho hoạt động thử nghiệm nhà vệ sinh tại Ấn Độ, Myanmar và Uganda.
Tại triển lãm Tái phát minh nhà vệ sinh diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 11/2018, Bill Gates cho biết ông sẵn sàng bỏ ra thêm 200 triệu USD để phát triển những công nghệ mới cho nhà vệ sinh không cần cống, nhờ đó giúp triển khai dễ dàng hơn ở những nước nghèo.
Không chỉ áp dụng cho những vùng kém phát triển, nhà vệ sinh xử lý bằng vi sinh vật cũng là cứu cánh cho những địa điểm du lịch xa xôi, nhờ thời gian để bảo trì và làm sạch lâu hơn nhiều so với nhà vệ sinh truyền thống.
Những toilet tại công viên quốc gia Smith Rock, bang Oregon, Mỹ có thể được sử dụng 100 lần mỗi ngày, nhưng 20 năm mới phải làm sạch, loại bỏ các chất thải đã bị phân hủy. Các địa điểm du lịch ở nước phát triển cũng có thể lắp đặt nhà vệ sinh với chi phí ban đầu cao hơn, nhưng đảm bảo khả năng xử lý, phân hủy chất thải tốt hơn so với những nhà vệ sinh giá rẻ kiểu "Con hổ".
Đối với bản thân Bill Gates, ông cho rằng tầm quan trọng của một nhà vệ sinh kiểu mới không hề thua kém máy tính cá nhân hay smartphone.
“Đây là một sản phẩm hoàn toàn mới”, Bill Gates chia sẻ.