Những con kỳ nhông biết bay sống trên ngọn cây cao nhất thế giới
Tiến hóa đã ép một loài không có cánh phải học bay như thế nào?
Thấp thoáng sau đường bờ biển phủ đầy sương mù của Công viên Quốc gia Redwood ở Bắc California, Hoa Kỳ, người ta có thể nhìn thấy bóng của một cái cây gỗ đỏ (Sequoia sempervirens).
Theo sách kỷ lục Guinness Thế giới, cây gỗ đỏ khổng lồ có tên là Hyperion này chính là cái cây cao nhất thế giới. Năm 2019, chiều cao đo được của nó tính từ gốc đến ngọn đã là 116,07 mét. Với con số này, chiều cao của cây Hyperion ở California phải tương đương với một tòa nhà 35 tầng.
Cái cây đã có tuổi đời 800 năm. Bạn có thể nhìn thấy bóng của nó nhưng con đường dẫn vào Hyperion luôn được giấu kín. Đó là bởi người ta muốn bảo vệ cái cây này trước lưỡi cưa máy của con người. Từ lâu, gỗ đỏ ven biển luôn trở thành mục tiêu của những tên lâm tặc.
Và khi một cây gỗ đỏ bị hạ xuống. Không chỉ có bản thân nó chết. Các loài sinh vật sống dựa vào những tán cây khổng lồ này cũng mất nhà. Trên đó có một loài kỳ nhông đặc biệt mà các nhà khoa học đang nghiên cứu.
Họ gọi chúng là Aneides vagrans, hay loài kỳ nhông lang thang.
Những con kỳ nhông biết bay
Chúng là đối tượng nghiên cứu của Christian Brown, một ứng cử viên tiến sĩ tại Đại học Nam Florida (USF). Những năm vừa qua, anh đang tham gia vào một dự án nghiên cứu loài kỳ nhông lang thang sống trên những tán cây gỗ đỏ ở California.
Dự án được sáng lập từ 20 năm trước bởi James Campbell-Spickler, hiện là giám đốc Sở thú Sequoia Park ở Eureka, quy tụ nhiều nhà nghiên cứu, nhà bảo tồn sinh vật và tổ chức phi lợi nhuận quan tâm đến loài kỳ nhông lang thang Aneides vagrans.
Trong đó, họ thường xuyên phải leo lên đỉnh của những ngọn cây gỗ đỏ, ở độ cao cả trăm mét so với mặt đất để đánh dấu và gắn thẻ những con kỳ nhông.
Kỳ nhông Aneides vagrans thường sống ở những trạc ba mọc đầy rêu và dương xỉ của gỗ đỏ. Ở đó có một thảm thực vật mục nát, nhưng là ngôi nhà ưa thích của loài kỳ nhông này. Việc leo lên tới độ cao sinh sống của chúng đã khó, công việc đánh dấu chúng thậm chí còn khó hơn.
Bất cứ khi nào Brown chạm nhẹ vào một cành cây, hoặc gần như tóm được một con kỳ nhông, chúng thường không ngại nhảy ra khỏi tay anh để rơi xuống mặt đất.
Và ở độ cao 116 mét so với mặt đất, bằng cách nào đó những con kỳ nhông này vẫn sống sót. Tò mò về khả năng nhảy dù của loài kỳ nhông lang thang, Brown cùng với các đồng nghiệp của mình đã bắt một số con về phòng thí nghiệm để nghiên cứu.
Họ đưa chúng vào một đường hầm gió để mô phỏng cú rơi tự do. Một chiếc camera có tốc độ 400 khung hình/s được đặt ở đó để quay lại quá trình con kỳ nhông xử lý cú ngã của nó. Nghiên cứu cuối cùng đã tiết lộ những bí ẩn của loài kỳ nhông biết nhảy dù này.
Khác với sóc bay, ếch lượn và một loài tắc kè có vạt da ở chân để giúp chúng lướt đi trong không trung, loài kỳ nhông Aneides vagrans không được tạo hóa trang bị cho bất kỳ công cụ nào hỗ trợ cú nhảy.
Thay vào đó, chúng chỉ dựa hoàn toàn vào kỹ năng điều khiển cơ thể điêu luyện của mình. "Trong cú nhảy dù, những con kỳ nhông này có khả năng kiểm soát cơ động rất tốt", Brown nói. "Chúng có thể lật người. Chúng có thể tự lật mình lại nếu bị lộn ngược. Chúng có thể duy trì tư thế nhảy dù đó và chỉnh đuôi của chúng lên xuống để thực hiện các động tác nằm ngang. Mức độ kiểm soát là rất ấn tượng".
Giáo sư Robert Dudley, một chuyên gia nghiên cứu động vật bay tại Đại học California, Berkeley cho biết thêm: "Điều khiến tôi ấn tượng khi lần đầu tiên xem video là chúng (những con kỳ nhông này) chuyển động rất mượt mà — không hề có sự gián đoạn hoặc nhiễu loạn nào trong chuyển động của chúng, chúng chỉ hoàn toàn là lướt trong không khí.
Điều đó, đối với tôi, ngụ ý rằng hành vi này phải là một cái gì đó đã ăn sâu vào phản xạ vận động của chúng. Rằng những con kỳ nhông đã phải thường xuyên rơi xuống đến thế nào để hành vi này trở thành một chọn lọc tự nhiên của chúng.
Và nó không chỉ là một cú nhảy dù thụ động, chúng không chỉ nhảy xuống dưới đất. Những con kỳ nhông cũng đang thực hiện chuyển động theo phương ngang rõ ràng, đó là những gì chúng tôi gọi là bay lượn".
Kỹ năng bay và hạ cánh của kỳ nhông Aneides vagrans
Trở lại với đường hầm gió, để làm nổi bật khả năng bay lượn của kỳ nhông Aneides vagrans, các nhà khoa học đã đem 3 loài kỳ nhông khác có cơ thể tương đương là A. lugubris và Ensatina eschscholtzii ra làm thí nghiệm để so sánh.
Họ nhận thấy loài Ensatina eschscholtzii (sống ở nền rừng), A. lugubris (sống trên cây có độ cao thấp hơn) và A. flavipunctatus (sống trong môi trường hỗn hợp) đều không có được các kỹ năng nhảy dù điêu luyện như Aneides vagrans.
"Chúng tôi gọi đó là chuyển động không hiệu quả, vì chúng không thực sự lướt, không di chuyển theo phương ngang, chúng chỉ lơ lửng trong đường hầm gió", Brown nói.
Ngược lại, kỳ nhông Aneides vagrans đã dành cả đời của chúng chỉ sống trên ngọn cây cao, vì vậy, chúng biết cách nhảy dù sao cho hiệu quả. Các nhà khoa học đã phân tích hàng ngàn khung hình trong những cú rơi kéo dài tới 10 giây của kỳ nhông Aneides vagrans để hiểu được kỹ năng của nó.
Theo đó, loài kỳ nhông này thường sử dụng linh hoạt cả chân, thân và đuôi để điều hướng trong không trung. Chúng thường rơi ở một góc dốc chỉ khoảng 5 độ so với phương thẳng đứng nhưng khi cần thay đổi thân mình sang phương song song với mặt đất, chúng chỉ cần điều chỉnh vị trí của ngón chân và chân.
Bằng cách áp dụng tư thế nhảy dù này, kỳ nhông Aneides vagrans có thể giảm tới 10% tốc độ rơi theo phương thẳng đứng. "Kỳ nhông lang thang có bàn chân to, chân dài, có đuôi linh hoạt. Tất cả những điều này đều có lợi cho hành vi điều hướng bay trên không của chúng", Brown nói.
Vì vậy, dù chúng không thực sự có một bộ phận kiểm soát khí động học chuyên dụng (ví dụ như những vạt da như ở sóc bay), nhưng loài kỳ nhông này lại bay rất giỏi. Các nhà khoa học giải thích kỳ nhông Aneides vagrans đã học được những kỹ năng nhảy dù từ điều kiện sống trên cao của chúng.
Đối với một con kỳ nhông dài chỉ khoảng 10 cm, bò đi bò lại giữa một thân cây gỗ đỏ cao tới 116 mét là một rủi ro sinh tồn đối với chúng. Chúng có thể bị động vật săn mồi phát hiện, bị khô da và thậm chí cạn kiệt năng lượng.
Vì vậy, Aneides vagrans đã chọn việc di chuyển một chiều. Chúng chỉ bò từ cành thấp lên cành cào, còn những khi cần bò từ cành cao xuống cành thấp, chúng sẽ chọn việc nhảy dù.
"Giả sử bạn chỉ là một con kỳ nhông nặng có 5 gram, và rồi bạn đã cất công leo lên cái cây cao nhất trên Trái Đất. Chắc hẳn bạn đã phải kiệt sức rồi. Bạn đã dùng hết năng lượng của mình. Vậy nên nếu muốn đi xuống thì tại sao lại phải đi bộ? Bạn sẽ không muốn đi bộ xuống đâu, bạn sẽ muốn dùng cái thang máy trọng lực kia", Brown nói.
Vì loài kỳ nhông Aneides vagrans có thể điều hướng trên không trung, chúng có thể chọn bất kỳ cành thấp nào phía dưới để đáp xuống. Bởi cơ thể rất nhẹ mà chúng lại thường chọn đáp vào những bãi gỗ mục nên kỳ nhông Aneides vagrans gần như chẳng bao giờ bị tổn thương sau cú hạ cánh của mình.
"Kỹ năng bay của loài kỳ nhông này là một điều rất mới lạ, một điều gì đó bất ngờ trong một nhóm động vật mà chúng ta tưởng rằng mình đã nghiên cứu kỹ lưỡng", phó giáo sư Dudley cho biết. "Nó cho thấy sự đòi hỏi của tiến hóa với một loài động vật sống trên cây cao, chúng phải phát triển khả năng bay trên không, ngay cả khi không có cánh".
Nghiên cứu loài kỳ nhông này không chỉ giúp chúng ta hiểu về cơ chế tiến hóa da dạng của động vật, mà còn giúp vén thêm một bức màn trên hệ sinh thái của cây gỗ đỏ, loài thực vật cao lớn nhất hành tinh.
Tham khảo Businessinsider, Phys, Livesicence