'Những con mắt trên bầu trời' có thể giúp Đông Nam Á kiếm thêm 100 tỉ đô la
Việc gia tăng sử dụng dữ liệu quan sát Trái đất để tối ưu hóa canh tác nông nghiệp, giám sát nạn phá rừng, lũ lụt cũng như bảo đảm an toàn cho các mỏ khai khoáng có thể bổ sung 100 tỉ đô la Mỹ vào GDP của khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn 2023- 2030.
Với Việt Nam, công nghệ không gian có thể giúp xác định xu hướng về quy mô và mật độ dân số hoặc các điểm nóng về tắc nghẽn. Dữ liệu quan sát trái đất cũng có thể được sử dụng trong ngành hàng không để dự đoán điều kiện thời tiết, phát hiện máy bay không người lái và xây dựng sân bay trong tương lai.

Sự trỗi dậy của ngành công nghiệp không gian hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng của Đông Nam Á. Ảnh: Deloitte
‘Những con mắt trên bầu trời’ thúc đẩy tăng trưởng
Nền kinh tế Đông Nam Á có thể tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn bằng cách khai thác giá trị kinh tế từ “những con mắt trên bầu trời”, tức các vệ tinh quan sát trái đất.
Theo báo cáo gần đây của tổ chức phi lợi nhuận Singapore Space & Technology và hãng kiểm toán Deloitte, đến năm 2030, các hoạt động sử dụng dữ liệu quan sát trái đất từ vệ tinh và cảm biến dự kiến sẽ đóng góp tích lũy tổng cộng 100 tỉ đô la vào GDP của khu vực.
Báo cáo được đưa ra trước thềm Hội nghị & Triển lãm Công nghệ vũ trụ toàn cầu của Singapore Space & Technology khai mạc vào ngày 26-2 tới tại Singapore. Theo đó, đến năm 2030, giá trị gia tăng của dữ liệu quan sát Trái đất đối với nền kinh tế Đông Nam Á ước tính tăng gấp ba lần, lên 45 tỉ đô la mỗi năm, từ mức 15 tỉ đô la hiện nay.
Các nhà nghiên cứu cho biết, các ứng dụng của dữ liệu quan sát trái đất bao gồm giám sát lũ lụt, theo dõi nạn phá rừng, quy hoạch đô thị và nông nghiệp bền vững. Đông Nam Á có nhiều khu rừng nhiệt đới, bờ biển và khu vực đô thị đông dân, vì vậy, trở thành khu vực lý tưởng cho những đổi mới như vậy.
Những lĩnh vực được xác định hưởng lợi nhiều nhất nhờ ứng dụng dữ liệu quan sát trái đất là nông nghiệp, khai khoáng và dầu khí, điện và tiện ích, dịch vụ khẩn cấp và dịch vụ công.
Vệ tinh quan sát Trái đất có thể cách mạng hóa ngành nông nghiệp bằng cách cho phép áp dụng các kỹ thuật canh tác chính xác để tối ưu hóa năng suất cây trồng và quản lý tài nguyên. Các vệ tinh của Hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS) mới có thể cho phép các giàn khoan dầu khí và xe tải tự hành tăng hiệu quả hoạt động và cải thiện an toàn tại các mỏ khai khoáng.
Đối với các dự án điện gió, việc đánh giá chính xác tốc độ gió và tìm vị trí tốt nhất để lắp đặt turbin phát điện là rất quan trọng.
“Các phương pháp truyền thống để đo tốc độ gió và đánh giá các khu vực rộng lớn đòi hỏi phải triển khai rộng rãi và tốn kém các thiết bị đo trên mặt đất. Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh cung cấp một giải pháp thay thế tiết kiệm chi phí bằng cách cho phép phân tích toàn diện các khu vực địa lý rộng lớn”, báo cáo nêu rõ.
Tránh chi phí phát sinh là một một lợi ích kinh tế khác mà dữ liệu vệ tinh mang lại. Ví dụ, vệ tinh cho phép theo dõi liên tục các khu vực dễ xảy ra bão, cháy rừng, lũ lụt và các thảm họa thiên nhiên khác. Nhờ dữ liệu vệ tinh, các bản đồ chính xác có thể được tạo ra để hỗ trợ cho việc lập kế hoạch phục hồi tức thời và dài hạn. Các hành động ứng phó được thực hiện sớm hơn để giảm thiểu tác động của thiên tai, hạn chế những tổn thất nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng.
Một ứng dụng mới nổi của công nghệ vệ tinh liên quan đến thị trường carbon. Dữ liệu xác minh từ hình ảnh vệ tinh giúp đảm bảo rằng, tín chỉ carbon tạo ra từ dự án bảo tồn rừng hoặc tái trồng rừng có chất lượng cao và không bị định giá quá cao.
“Đối với việc quan sát trái đất, điều quan trọng là phải xác minh rằng, các tín chỉ carbon được tạo ra dựa trên hoạt động thực tế đang diễn ra trên mặt đất. Vì vậy, hình ảnh vệ tinh sẽ hỗ trợ việc theo dõi chất lượng tín chỉ carbon”, Michelle Khoo, một trong những tác giả của báo cáo cho biết.

90% lợi ích kinh tế từ ngành công nghiệp không gian của Đông Nam Á thuộc về các lĩnh vực nông nghiệp, khai khoáng và dầu khí, điện và tiện ích, dịch vụ khẩn cấp và dịch vụ công, theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Singapore Space & Technology và hãng kiểm toán Deloitte. Ảnh: Business Times
Indonesia hưởng lợi lớn nhất
Báo cáo lưu ý, Indonesia dự kiến chiếm “miếng bánh” kinh tế không lớn nhất trong khu vực (khoảng 50% trong 100 tỉ đô la bổ sung vào GDP của Đông Nam Á từ 2023 đến 2030) nhờ có ngành nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên rộng lớn.
Xứ sở vạn đảo này có di sản lâu đời về không gian. Năm 1963, Indonesia trở thành nước Đông Nam Á đầu tiên thành lập cơ quan vũ trụ. Indonesia cũng là nơi đầu tiên trong khu vực vận hành vệ tinh dành riêng cho mục đích sử dụng trong nước. Hệ sinh thái không gian của Indonesia phát triển nhờ khuôn khổ pháp lý hỗ trợ của chính phủ và sự cởi mở với đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, dữ liệu quan sát trái đất đang được sử dụng tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á để hỗ trợ hoạt động khai khoáng, cải thiện năng suất cây trồng, phát hiện đánh bắt cá bất hợp pháp, phát hiện tảo nở hoa (gây ô nhiễm môi trường và thiệt hại kinh tế) cũng như tối ưu hóa hiệu quả các tuyến đường cho các lĩnh vực hậu cần và vận chuyển hàng hóa.
Việt Nam, Philippines, Malaysia và Thái Lan cũng sẽ được hưởng lợi đáng kể từ nền kinh tế không gian.
Tại Việt Nam, nơi đô thị hóa nhanh chóng, công nghệ không gian có thể giúp xác định xu hướng về quy mô và mật độ dân số hoặc các điểm nóng về tắc nghẽn. Dữ liệu quan sát trái đất cũng có thể được sử dụng trong ngành hàng không để dự đoán điều kiện thời tiết, phát hiện máy bay không người lái và xây dựng sân bay trong tương lai.
Báo cáo lưu ý, Philippines, nước thường xuyên gặp thiên tai, đã sử dụng rộng rãi công nghệ quan sát Trái đất để quản lý tình trạng khẩn cấp, phục hồi khí hậu, an ninh lương thực và thu hẹp khoảng cách số hóa.
Trong khi đó, hình ảnh vệ tinh có thể giúp Malaysia phát hiện sự cố tràn dầu và rò rỉ khí metan trong ngành dầu khí, vốn là trụ cột chính trong chiến lược kinh tế của quốc gia này.
Thái Lan, nước có nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch, có thể tận dụng dữ liệu thu thập từ vệ tinh để theo dõi các rạn san hô và tăng cường nỗ lực bảo tồn biển. Dữ liệu vệ tinh cũng có thể giúp Thái Lan theo dõi lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch và xác định địa điểm tối ưu cho các trang trại năng lượng mặt trời và gió để đáp ứng các mục tiêu năng lượng tái tạo.
Ngay cả Singapore cũng hưởng lợi đáng kể từ nền kinh tế không gian mặc dù diện tích đất đai nhỏ và quy mô các ngành công nghiệp sơ cấp không lớn.
Với vai trò là trung tâm công nghệ của ASEAN và là nơi đặt văn phòng khu vực của các công ty đa quốc gia, Singapore dự kiến thu được giá trị gián tiếp thông qua đầu tư vốn, bằng cách trở thành nhà cung cấp giải pháp công nghệ không gian cho các công ty trong khu vực. Có khoảng 70 công ty công nghệ vũ trụ trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Singapore.
Đáng chú ý, dữ liệu quan sát trái đất đã được sử dụng trong lĩnh vực tài chính bền vững của Singapore liên quan đến thị trường carbon. Ví dụ, dữ liệu này giúp tín chỉ carbon được xác minh bằng các tiêu chuẩn môi trường minh bạch.
Theo Business Times, Straits Times