Những 'con số biết nói' sau một năm Nghị định 100 có hiệu lực
Tròn một năm, sau Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực, trung bình mỗi ngày lực lượng CSGT phát hiện, xử lý khoảng 500 trường hợp tham gia giao thông vi phạm về nồng độ cồn.
Nhan nhản vi phạm nồng độ cồn dịp nghỉ lễ
Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch (từ 1/1 đến 3/1), toàn quốc xảy ra 67 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm chết 40 người, bị thương 37 người.
Thực hiện cao điểm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội trên các tuyến giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và các lễ hội đầu xuân năm 2021, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 27.294 trường hợp vi phạm, phạt tiền 28 tỷ 351 triệu đồng.
Đáng chú ý, đã có 1.947 tài xế vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện, xử phạt. Bên cạnh đó có 2 trường hợp lái xe dương tính với ma túy bị phát hiện.
Theo ghi nhận tại Hà Nội cho thấy, chỉ tính riêng chiều 3/1 lực lượng CSGT Thủ đô đã xử lý hàng loạt trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn. Tại nút giao thông Huỳnh Thúc Khánh - Láng Hạ (quận Đống Đa), tổ công tác tiến hành dừng xe máy BKS 29G1-692.xx do người đàn ông điều khiển. Sau vào chốt, kết quả kiểm tra nồng độ cồn của lái xe này vi phạm 0,276 miligam/1 lít khí thở.
Tiếp đó là trường hợp người đàn ông điều khiển xe máy 29B1-240.xx vi phạm nồng độ cồn 0,290 miligam/1 lít khí thở. Tài xế này cho biết vừa cùng bạn đi liên hoan ngày nghỉ Tết Dương lịch, không nghĩ có CSGT xử lý vi phạm.
Tại khu vực tuyến đường Tố Hữu hướng Khuất Duy Tiến đến đường Mộ Lao - Vũ Trọng Khánh (quận Hà Đông), một tổ công tác khác phát hiện nam thanh niên lái xe máy BKS 99K1-325.xx vi phạm 0,140 miligam/1 lít khí thở. Thời điểm kiểm tra, nhiều người vi phạm cố tìm nhiều nguyên nhân để chống chế cho việc mình có bia rượu trong người nhưng vẫn điều khiển xe.
Theo các cán bộ tổ công tác, đối với người điều khiển xe máy, vi phạm nồng độ cồn ở mức trên 0,250 đến dưới 0,400 miligam/1 lít khở thở sẽ bị phạt tiền 4,5 triệu đồng, biện pháp ngăn chặn là tạm giữ phương tiện đến 7 ngày, khi đến giải quyết xử lý vi phạm sẽ tiến hành tước GPLX 17 tháng theo quy định. Còn với tài xế vi phạm 0,140 miligam/1 lít khí thở sẽ bị 2,5 triệu, tạm giữ phương tiện đến 7 ngày, khi đến giải quyết vi phạm sẽ tiến hành áp dụng hình thức bổ sung tước GPLX 11 tháng theo quy định của Nghị định số 100 của Chính phủ…
Trước đó, ngay thời khắc chuyển giao năm mới và những ngày nghỉ lễ tiếp theo, Phòng CSGT TP Hà Nội đã tăng cường thêm nhiều tổ công tác đặc biệt, sử dụng những máy móc hiện đại nhất kiểm tra nồng độ trên những tuyến phố chính để đảm bảo an toàn giao thông. Phần lớn người vi phạm đều cho biết, do ham vui tham gia nhậu cuối năm nên dẫn tới việc vi phạm luật giao thông.
Điển hình là trường hợp nữ tài xế Nguyễn Ngọc Đ điều khiển ô tô Camry mang BKS 30E-837.2xx vi phạm nồng độ cồn vượt ngưỡng cao nhất là 0, 500 mi li gam/1 lít khí thở. Với lỗi trên, nữ tài xế D nhận mức phạt lên tới 40 triệu đồng và áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ xe phương tiện đến 7 ngày theo quy định.
Đánh vào kinh tế, ý thức chấp hành của người dân tốt hơn
Chia sẻ sau tròn một năm Nghị định 100 có hiệu lực, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết: "Nghị định 100 là từ khóa hot nhất trong một thời gian dài, đặc biệt trong những tháng đầu năm 2020 cũng như dịp Tết Nguyên đán Canh Tý. Do điều kiện ở nước ta chủ yếu là phương tiện cá nhân, khi đánh vào kinh tế, rõ ràng nhận thức và sự chấp hành đã tốt hơn. Các tài xế đều nhận thức rất rõ tính nghiêm khắc về chế tài xử lý các hành vi, đặc biệt liên quan đến việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông".
Về ý kiến cho rằng chế tài xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100 là quá nghiêm khắc, Đại tá Đỗ Thanh Bình nhận định: "Trước kia, Luật Giao thông đường bộ 2008 cho phép người điều khiển môtô, xe máy trong máu có nồng độ cồn dưới 0,25 mg/l khí thở. Năm 2019, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đã sửa đổi điều này và quy định nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong máu có nồng độ cồn. Điều này đã xếp Việt Nam vào một trong những nước có quy định nghiêm ngặt nhất về nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
Chúng tôi luôn nghiên cứu trên cơ sở phải đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp, nhưng vấn đề đặt ra phải an toàn. Trong cuộc sống luôn có những sự lựa chọn và chúng ta phải lựa chọn những điều mang lại lợi ích lớn hơn và giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cho xã hội".
Phó Cục trưởng Cục CSGT cũng cho hay, đơn vị đang nghiên cứu việc không chỉ xử phạt các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông mà sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra thêm những vấn đề liên quan đến mua bán và ép người khác sử dụng rượu, bia.
Còn theo Ủy ban ATGT Quốc gia, Nghị định 100 được đánh giá là một sự thay đổi lớn, là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Điểm nổi bật của Nghị định 100 so với các nghị định, quy định trước đây trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông là bổ sung, mô tả, làm rõ hơn các hành vi vi phạm, nâng cao mức phạt đối với các hành vi trực tiếp là nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn giao thông.
Thực hiện Nghị định số 100 cũng như Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, lực lượng chức năng đã ra quân quyết liệt, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn. Trung bình mỗi ngày có 500 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn bị CSGT phát hiện, xử lý, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông, tạo sự tác động, làm thay đổi rõ nét ý thức của người tham gia giao thông. Việc thực hiện nghiêm Nghị định 100 đã tác động tích cực đến ý thức của người điều khiển phương tiện, góp phần xây dựng văn hóa giao thông gắn với thông điệp "Đã uống rượu, bia thì không lái xe".
Tập trung xử lý các hành vi có nguy cơ gây TNGT cao
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia vừa ký ban hành kế hoạch "Năm an toàn giao thông 2021". Trong đó yêu cầu Bộ Công an nâng cao hiệu lực, hiệu quả tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, tập trung xử lý các hành vi có nguy cơ gây TNGT cao như: Lái xe khi trong cơ thể có nồng độ cồn, ma túy; vi phạm chở hàng hóa quá tải trọng phương tiện, quá số người quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện... Trong đó, riêng các chuyên đề kiểm soát vi phạm nồng độ cồn, ma túy cần phân tích kỹ nguyên nhân, bố trí lực lượng nắm địa bàn, đổi mới phương thức tuần tra, kiểm soát, tập trung vào các khung giờ thường xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng (từ 18h đến 5h sáng) để kịp thời phát hiện vi phạm.