Những con số và ký hiệu trên kính xe ô tô có ý nghĩa gì?
Những ký hiệu hoặc con số in trên kính xe ô tô cung cấp thông tin có giá trị về kính, quy trình sản xuất và các chi tiết hữu ích nếu bạn cần sửa chữa hoặc thay thế kính chắn gió.
Là một người dùng xe, bạn đã bao giờ để ý tới những dãy ký hiệu và chữ cái trên kính chắn gió phía trước, sau hay ở hai bên thân xe hay chưa? Thực tế, những thông tin này giống như một cuốn sổ tay hướng dẫn nhỏ gọn để hiểu về cấu tạo và chủng loại kính được lắp trên xe của bạn.
Mỗi ký hiệu, chữ cái và con số đều có ý nghĩa. Trong khi giải mã các tổ hợp in trên kính là công việc của một chuyên gia thay kính, thì việc hiểu các ký hiệu được đặt trên kính chắn gió có thể giúp bạn tiết kiệm thời gian và tiền bạc vào một ngày nào đó, chẳng hạn như khi đi mua xe cũ.
Dưới đây là những hướng dẫn, giải thích đơn giản để giúp bạn có thể biết được các ký hiệu và con số được in trên kính xe.
Tên nhà sản xuất ô tô

Bắt đầu với ký hiệu in cơ bản nhất mà bạn có thể dễ dàng nhận ra chính là thương hiệu ô tô mà bạn đang dùng. Tùy thuộc vào nhà sản xuất ô tô, có xe in logo hãng xe, có xe in tên đầy đủ của hãng xe. Bạn thường tìm thấy ký hiệu này ở phần trên cùng trong toàn bộ cụm ký hiệu và con số được in ở phía dưới cùng của phần kính chắn gió OEM.
Nhà sản xuất kính ô tô

Tiếp theo là ký hiệu của nhà sản xuất kính. Không giống như bản in thương hiệu ô tô, ký hiệu của nhà sản xuất kính ô tô có thể được nhìn thấy trên mọi chiếc xe hiện đại ngày nay. Một số ví dụ về thương hiệu bao gồm AGC Automotive, Nippon Safety có trụ sở tại Nhật Bản, Saint-Gobain Sekurit của Pháp, Xinyi Glass của Trung Quốc hay Schott của Đức.
Loại kính ô tô
Hiện nay, kính được sử dụng chắn gió ô tô chủ yếu là 2 loại: Laminated (kính nhiều lớp) thường dùng cho kính chắn gió và ký hiệu Tempered (kính cường lực) dùng cho kính cửa sổ bên.
Ký hiệu chứng nhận tiêu chuẩn an toàn
Nếu trên kính chắn gió xe bạn có ký hiệu DOT (viết tắt của cụm từ Department of Transportation) có nghĩa là kính xe tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn do Bộ Giao thông vận tải Mỹ đặt ra về độ bền, độ trong và khả năng chống va đập. Kính ô tô có thể có các ký hiệu chứng nhận an toàn khác dựa trên quốc gia xuất xứ của kính chắn gió.

- CCC: Trung Quốc
- JIS: Nhật Bản
- AS: Úc
- BS: Anh
- Inmetro: Brazil
- KC: Hàn Quốc
- S: New Zealand
- SABS: Nam Phi
- TISI: Thái Lan
Tuy nhiên, các tiêu chuẩn châu Âu có hệ thống ghi ký hiệu khác, bắt đầu bằng chữ "E" và theo sau là một số xác định quốc gia cụ thể cấp giấy chứng nhận đó.
- E1: Đức
- E2: Pháp,
- E3: Ý
- E4: Hà Lan
- E5: Thụy Điển
- E6: Bỉ
- E7: Hungary
- E8: Cộng hòa Séc
- E9: Tây Ban Nha
- E10: Serbia
- E11: UK
- E12: Úc
Tuy nhiên, một số quốc gia bên ngoài châu Âu, như Malaysia (E52) và Thái Lan (E53), cũng sử dụng ký hiệu E, điều này có thể gây nhầm lẫn.
Những ký hiệu này rất quan trọng vì chúng xác minh rằng kính đáp ứng các giao thức an toàn theo yêu cầu của quốc gia sản xuất. Thợ sửa chữa cần biết hệ thống này khi thay kính chắn gió để đảm bảo kính mới đáp ứng các yêu cầu an toàn giống như kính cũ.
Chỉ số AS
"AS" là viết tắt của "American Standard" dựa trên chất lượng quang học. Chỉ số AS1 đạt các tiêu chuẩn cao nhất về an toàn và tầm nhìn theo định nghĩa của Viện Tiêu chuẩn Quốc gia Mỹ (ANSI), có độ xuyên sáng tối thiểu 70%, có nhiều lớp và có thể sử dụng ở bất kỳ vị trí nào trên xe, nhưng thường sẽ là trên kính chắn gió.

Kính được in chỉ số AS2 thường sẽ là loại kính cường lực, với độ xuyên sáng tối thiểu 70%, áp dụng cho các vị trí trên xe trừ kính lái ô tô vì không đáp ứng các tiêu chuẩn va đập tương tự như kính chắn gió.
Kính có chỉ số AS3, được gọi là kính riêng tư, có độ xuyên sáng dưới 70%, đồng nghĩa cho ít ánh sáng đi qua hơn và thường được sử dụng ở cửa sổ bên phía sau để tăng cường bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời và những người tò mò.
Chỉ số M
Chỉ số M phân biệt màu sắc và độ dày của một loại kính cụ thể với các loại kính còn lại do nhà sản xuất cung cấp, nhưng các nhà sản xuất khác nhau thường sử dụng cùng một mã M. Các con số phía sau chủ yếu dành cho các đơn vị thay thế vì họ sẽ có bảng mã của các nhà sản xuất để biết được các con số đó nói gì.
Số La Mã chỉ độ dày của kính
Bạn cũng có thể tìm thấy số La Mã trên kính chắn gió của xe hơi. Chúng được sử dụng để chỉ độ bền hoặc độ dày của kính, cũng như mức độ bảo vệ mà chúng cung cấp. Kính chắn gió được đánh dấu bằng ký hiệu"I" có nghĩa là kính được sử dụng có độ bền và độ cứng cao hơn.

Những loại được đánh dấu bằng ký hiệu "II" là loại kính nhiều lớp thông thường, trong khi ký hiệu "III" chỉ kính nhiều lớp đã trải qua quá trình xử lý đặc biệt. Kính chắn gió có ký hiệu "IV" được làm bằng kính nhựa; loại này nhẹ hơn nhưng có thể kém bền hơn và khả năng bảo vệ chống va đập kém hơn. Ký hiệu "V" là loại kính không dùng cho kính lái và độ xuyên sáng dưới 70%
Biểu thị năm sản xuất kính

Ký hiệu này thường được trình bày khá phức tạp, các nhà sản xuất khác nhau sẽ có những cách thể hiện khác nhau và không theo một quy chuẩn quốc tế nào. Đơn giản là vì các nhà sản xuất kính không quan tâm đến việc thông báo chính xác cho người dùng cuối về thời điểm sản xuất kính, nên các dấu hiệu đó thường khó đọc hiểu hơn.
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!