Những con tàu chiến bí ẩn ở Trung Quốc

Một tàu sân bay lớn bí ẩn xuất hiện tại một xưởng đóng tàu ở đông nam Trung Quốc. Theo một số nhà quan sát, con tàu này không giống bất kỳ con tàu nào khác mà Trung Quốc đang phát triển, cho thấy rằng nước này có thể đang chế tạo một lớp tàu hoàn toàn mới.

Con tàu khổng lồ

Nhờ những bức ảnh vệ tinh chụp Xưởng đóng tàu quốc tế Quảng Châu (GSI) trên đảo Long Huyệt, đông nam thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, các nhà quan sát nước ngoài phát hiện ra con tàu bí ẩn nói trên. Tom Shugart, nhà phân tích quốc phòng, cựu thủy thủ tàu ngầm, hiện là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu An ninh Mỹ mới (CNAS), là người đầu tiên bên ngoài Trung Quốc tuyên bố về sự tồn tại của con tàu. Những hình ảnh con tàu bí ẩn xuất hiện từ tháng 9/2024 và được Shugart đăng lên mạng xã hội.

Hình ảnh vệ tinh Nhà máy đóng tàu quốc tế Quảng Châu được chụp vào ngày 23/10/2024, cho thấy thứ có vẻ là một lớp tàu mới của Trung Quốc có sàn đáp máy bay lớn.

Hình ảnh vệ tinh Nhà máy đóng tàu quốc tế Quảng Châu được chụp vào ngày 23/10/2024, cho thấy thứ có vẻ là một lớp tàu mới của Trung Quốc có sàn đáp máy bay lớn.

Theo bài của EA Times, Shugart ban đầu quan tâm đến Xưởng đóng tàu quốc tế Quảng Châu sau khi phát hiện một tàu mặt nước không người lái (USV) ba thân, đã hiện diện tại xưởng ít nhất là từ năm 2022. Nhờ theo dõi hành tung của con tàu không người lái ba thân, Shugart tình cờ phát hiện ra thứ còn to lớn hơn rất nhiều lần: Một con tàu sân bay mới.

Con tàu này, theo Shugart, dài khoảng 200m, rộng 40m và có hai đài chỉ huy ở một bên boong tàu. Ban đầu Shugart chưa chắc chắn đó là một tàu tấn công đổ bộ cỡ lớn hay tàu sân bay. Ông viết trên mạng xã hội X: "Tôi nhận ra rằng bên cạnh chiếc USV mới của Trung Quốc có vẻ như là một tàu sân bay mới hoặc một loại tàu tấn công đổ bộ nào đó".

Trong các bài đăng tiếp theo trên X, Shugart cho hay ông tiếp tục quan sát hình ảnh vệ tinh từ cuối tháng 10/2024 và nhận thấy con tàu lớn kia có sàn đáp máy bay, cho thấy nó có vẻ là một tàu sân bay thực thụ. Chiếc USV trong xưởng được sơn màu xám như con tàu sân bay, cho thấy cả hai đều là tàu chiến.

Thông tin về con tàu mới này rất ít vì Quân đội Trung Quốc (PLA) thường giữ bí mật về quá trình phát triển các nền tảng mới. Tuy nhiên, suy đoán về nó đã tràn ngập trên internet. Một số chuyên gia cho rằng đây có thể là tàu mẹ chứa các USV trong khi những người khác đưa ra dự đoán rằng có nhiều khả năng đó là một tàu đổ bộ.

Cũng có thể có một lời giải thích từ phía Trung Quốc liên quan đến sự xuất hiện của con tàu mới với sàn đáp máy bay lớn tại Quảng Châu, theo The Warzone. Năm 2022, một ảnh chụp văn bản được cho là liên quan đến một cuộc đấu thầu ở Trung Quốc lan truyền trên internet. Bức ảnh cho thấy lời mời thầu thiết kế và đóng mới một tàu "hoạt động trên boong đặc biệt quy mô lớn" để khảo sát hàng hải và các hoạt động thử nghiệm, nghiên cứu khác có sàn đáp máy bay, có "cấu trúc thượng tầng đảo đôi".

Ngoài ra văn bản còn đề cập "boong tàu phẳng" và "bến tiếp nhận tàu" ở đuôi, có thể ám chỉ một boong tàu có thể ngập nước giống như thiết kế trên nhiều tàu chiến đổ bộ. Theo yêu cầu, tàu phải dài 200 m, có sàn đáp máy bay rộng 25 m, lượng giãn nước 15.000 tấn, có khả năng đạt tốc độ tối đa ít nhất 16 hải lý, phạm vi hoạt động 5.000 hải lý với tốc độ hành trình 12 hải lý và thời gian hoạt động tối đa trên biển là 40 ngày.

Nguồn gốc của lời mời thầu này chưa rõ ràng và tại thời điểm này, cả Tom Shugart lẫn The War Zone đều chưa thể xác minh thông tin một cách độc lập. Tuy nhiên, một số cư dân mạng Trung Quốc coi đây là bằng chứng về các kế hoạch tiềm năng cho một “tàu sân bay” nghiên cứu hải dương học dân sự.

Có thể nhìn thấy trong ảnh vệ tinh chụp ngày 8/8 là một cặp tàu đệm khí lớp Zubr (phía trên bên phải), một ụ tàu cạn (ở giữa), một cần cẩu nổi (phía dưới bên phải) và một USV ba thân (ở giữa).

Có thể nhìn thấy trong ảnh vệ tinh chụp ngày 8/8 là một cặp tàu đệm khí lớp Zubr (phía trên bên phải), một ụ tàu cạn (ở giữa), một cần cẩu nổi (phía dưới bên phải) và một USV ba thân (ở giữa).

Theo The War Zone, ranh giới giữa dân sự và quân sự ở Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực hàng hải, thường không rõ ràng. Một tàu phi quân sự được cấu hình giống như tàu tấn công đổ bộ - thứ mà không quốc gia nào trên thế giới hiện đang vận hành - có thể sử dụng máy bay không người lái và trực thăng có người lái, tàu thủy (có người lái và không có người lái) để thực hiện các nhiệm vụ dân sự. Đồng thời, phương tiện này cũng có khả năng hoạt động như một nền tảng hỗ trợ các nhiệm vụ quân sự nếu được yêu cầu.

Một khả năng khác có thể là bất cứ tàu gì đang được đóng ở Quảng Châu đều là một loại nền tảng huấn luyện hoặc thử nghiệm quân sự được thiết kế riêng. Trung Quốc đã thiết kế một số tàu hải quân khác thường, bao gồm cả những tàu có khả năng phóng và thu hồi máy bay không người lái có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng. Đầu năm nay, Naval News đưa tin về sự xuất hiện của một con tàu như vậy tại xưởng đóng tàu Giang Tô Đại Dương gần Thượng Hải. Con tàu dài khoảng 100 m và có sàn đáp máy bay ở thượng tầng, ngoài ra còn có hai tàu sân bay mini dạng catamaran (hai thân) không người lái.

Xưởng đóng tàu quốc tế Quảng Châu nổi tiếng với việc đóng tàu dân sự, tàu chở khí đốt và tàu Ro-Ro (các loại tàu cho phép xe cộ chạy từ cảng lên boong và ngược lại). Điều này khiến một số nhà quan sát quân sự dự đoán rằng con tàu mui phẳng nói trên cũng có thể là tàu nghiên cứu khoa học hoặc một loại tàu sân bay thử nghiệm nào đó.

Nhà phân tích quốc phòng Alex Luck viết trên X: "Cần có thêm hình ảnh (để xác định rõ chủng loại của con tàu). Cho đến nay, xưởng Long Huyệt chủ yếu đóng tàu phụ trợ cho hải quân Trung Quốc, bên cạnh đó là các loại tàu dân sự. Hiện tại, tôi đang nghiêng về khả năng đó là một tàu thử nghiệm lớn, hơn là một tàu sân bay thực sự". Một số chuyên gia lại suy đoán rằng con tàu này có thể là tàu không người lái cỡ lớn và kế hoạch đóng tàu đã được công bố từ năm 2022. Theo Hoàn cầu thời báo, con tàu này đang được đóng tại Quảng Châu.

Hải quân nước xanh

Có nhiều chỉ dấu cho thấy tàu USV là một hướng đi khác của hải quân Trung Quốc, bên cạnh các tàu chiến hạng nặng có người lái. Tại Triển lãm quốc phòng thế giới ở Riyadh, thủ đô Saudi Arabia, diễn ra từ 4-8/2/2024, Tổng công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC) đã ra mắt Thunderer A2000, một tàu USV chiến đấu mới. Mặc dù đang trong giai đoạn ý tưởng, nhưng USV cỡ trung này hứa hẹn sẽ tăng cường khả năng hàng hải ở vùng biển ven bờ, theo Naval News.

Với lượng giãn nước 280 tấn, dài 45m, Thunderer A2000 được trang bị động cơ diesel đôi và hai chân vịt, có thể đạt tốc độ tối đa 35 hải lý/giờ. Thiết kế ba thân, đảm bảo tiết diện radar thấp, nhờ vậy tàu có khả năng tàng hình. Được trang bị radar mảng pha quét chủ động để giám sát toàn diện trên không và trên mặt nước, tàu mang theo hệ thống phóng thẳng đứng 8 ống chứa tên lửa đất đối không tầm ngắn và tầm trung (có thể là loại HQ-10). Ngoài ra còn có bệ phóng 24 ống được bố trí ở mạn phải và mạn trái. Naval News nói các bệ phóng này có khả năng triển khai các loại đạn dược có thể rình rập (ví dụ UAV cảm tử bay lảng vảng trên không chờ cơ hội tấn công), tăng cường khả năng chiến đấu của chiếc USV.

Ngoài vũ khí đáng gờm, Thunderer A2000 còn có khả năng phối hợp và kiểm soát. Nó được quảng cáo là có thể chỉ huy các USV nhỏ hơn trong phạm vi hoạt động của mình trong khi vẫn làm nhiệm vụ phòng không cho các khí tài gần đó. Được điều khiển từ một trạm trên bờ, kết nối vệ tinh mở rộng phạm vi hoạt động của con tàu. Ngoài ra, người ta còn tiết lộ rằng Thunderer A2000 có một nền tảng để thực hiện các hoạt động VTOL (cất cánh và hạ cánh thẳng đứng), triển khai các thiết bị bay với chức năng giám sát và phát hiện.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu lớp Type-076 đầu tiên đang được đóng tại một xưởng đóng tàu ở Trung Quốc, chụp ngày 27/9.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu lớp Type-076 đầu tiên đang được đóng tại một xưởng đóng tàu ở Trung Quốc, chụp ngày 27/9.

Các quan chức CSSC nói Thunderer A2000 sẽ đóng vai trò quan trọng ở vùng biển ven bờ, phục vụ nhiệm vụ trinh sát và giám sát trong thời bình và chuyển đổi sang các hoạt động chống tiếp cận khu vực khi căng thẳng gia tăng. Tính linh hoạt của Thunderer A2000 cho phép nó thích ứng với nhiều yêu cầu hoạt động, từ giám sát trong thời bình đến các kịch bản xung đột cường độ cao. Khả năng hoạt động độc lập hoặc như một phần của hạm đội được kết nối mạng giúp tăng cường khả năng phản ứng nhanh chóng của Trung Quốc trước những thách thức hàng hải đang gia tăng.

Tuy nhiên, đó là những thông tin công khai về một số loại USV, còn những gì thế giới bên ngoài biết về con tàu lớn boong phẳng ở Quảng Châu mới chỉ dừng ở mức suy đoán vào thời điểm này do thiếu thông tin chính thức từ giới chức Trung Quốc. Nhưng sự xuất hiện của con tàu mới diễn ra vào thời điểm Hải quân Trung Quốc đang có những bước tiến lớn trong việc nâng cao năng lực bằng cách tận dụng khả năng của ngành đóng tàu trong nước.

Theo EA Times, Trung Quốc đã chế tạo các tàu sân bay, tàu khu trục, tàu đổ bộ và tàu sân bay không người lái chuyên dụng với quy mô lớn chưa từng thấy. Ngoài ra, nước này cũng đang mở rộng đội tàu Ro-Ro và tàu chở ô tô chuyên dụng có chức năng như tàu vận tải đổ bộ mà các chuyên gia tin rằng có thể được sử dụng vào việc tấn công cách bờ trong tương lai.

Về lĩnh vực tàu sân bay, Trung Quốc đã và đang chế tạo hay thử nghiệm nhiều nền tảng. Hải quân PLA hiện có hai tàu sân bay đang hoạt động là Liêu Ninh và Sơn Đông. Tàu sân bay thứ ba, Type-003 Phúc Kiến, có máy phóng máy bay điện từ, đang được thử nghiệm và dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2025.

Các tàu sân bay của Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong tham vọng trở thành lực lượng hải quân nước xanh (blue navy), cho phép Trung Quốc thể hiện sức mạnh ở các vùng biển xa xôi và tạo ra sự cạnh tranh gay gắt với Mỹ.

Theo một số bản tin, quá trình đóng tàu sân bay thứ tư của Trung Quốc cũng đã bắt đầu. Siêu tàu sân bay 110.000 tấn lớp Type-004 được cho là lớn hơn Type-003 và có hệ thống động lực hạt nhân, hệ thống điện tích hợp, vũ khí laser và súng điện từ.

Ngoài các tàu sân bay hạng nặng, Trung Quốc cũng đã phát triển và đưa vào sử dụng tàu sân bay tấn công đổ bộ trực thăng (LHD) Type-075. Các chuyên gia nói Type-075 có thể thực hiện các hoạt động cực kỳ phức tạp, trong đó có việc đổ bộ.

“Người ta tin rằng Type-075 sẽ đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào của Bắc Kinh”, một bản tin trước đó trên tờ South China Morning Post cho biết.

Theo một số chuyên gia Trung Quốc, Type-075 sẽ hoạt động song song với các tàu Ro-Ro trong một cuộc tấn công trên biển. Trung Quốc cũng đang chế tạo một lớp tàu tấn công đổ bộ mới, được gọi là Type-076, thay thế Type-075 trong tương lai. Với sàn chứa máy bay kích thước 13.520 m2, Type-076 sẽ trở thành tàu tấn công đổ bộ lớn nhất thế giới. Con tàu này có thiết kế thân dạng catamaran, tạo ra diện tích boong lớn hơn các thiết kế khác. Tất cả các nền tảng này đều là một phần trong kế hoạch chuẩn bị cho hải quân biển xanh của PLA.

Nguyễn Xuân Thủy

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/nhung-con-tau-chien-bi-an-o-trung-quoc-i749901/