Kể từ đợt bùng phát dịch thứ 4, Vườn thú Hà Nội phải tạm ngưng đón du khách tới tham quan.
Trái với khung cảnh đông đúc, nhộn nhịp hồi dịp lễ 30/4-1/5, bao trùm nơi đây là không gian hiu hắt, tĩnh mịch.
Mặc dù không có du khách ghé thăm, mọi hoạt động chăm sóc vườn thú vẫn được diễn ra như trước khi giãn cách. Điểm khác biệt duy nhất là những biện pháp phòng, chống Covid-19 được thắt chặt. Trước khi vào ca, ông Uông Huy Hòa (48 tuổi), nhân viên chăm sóc chuồng voi và hà mã, cùng các đồng nghiệp phải khai báo y tế và đeo khẩu trang đầy đủ.
Quét lá, tỉa cây là công việc đầu tiên trong ngày của đội ngũ nhân viên. Không gian vườn thú luôn phải trong tình trạng sẵn sàng ngay khi mở cửa trở lại.
Đến giờ hẹn, hàng tạ cỏ voi cùng một số loại thực phẩm được đưa về từ các xí nghiệp sản xuất thức ăn, sẵn sàng cho 3 bữa ăn trong ngày của bầy thú. Ông Phạm Đình Mạnh, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH Một thành viên Vườn thú Hà Nội, cho biết tuy mất nguồn thu lớn từ việc bán vé, sở thú cân đối ngân sách để duy trì nguồn cung ứng thực phẩm đầy đủ cho các loài vật.
Sở thú có một "nhà bếp" chuyên chế biến thức ăn cho động vật. Các nhân viên chăm sóc thú có nhiệm vụ nhận thực phẩm, chia thành các khẩu phần ăn phù hợp, đồng thời kiểm tra chất lượng thức ăn, rồi phân bổ tới từng chuồng.
Cho động vật ăn uống chiếm phần nhiều thời gian ca làm của các nhân viên sở thú. Đối với những con vật lớn tuổi, sức khỏe yếu, người phụ trách sẽ để ý và chăm sóc “đặc biệt” hơn, chẳng hạn dành phần thức ăn ngon hơn và cẩn thận bón cho chúng.
Ông Nguyễn Thanh Cường, Phó giám đốc Xí nghiệp Chăn nuôi và Phát triển động vật thuộc Công ty TNHH Một thành viên Vườn thú Hà Nội, cho biết tâm lý động vật dễ căng thẳng hơn khi trời chuyển hè nóng nực. Mỗi con vật có nhu cầu giải tỏa riêng, theo đó đội ngũ nhân viên phải lựa theo đặc tính từng loài để có biện pháp chăm sóc phù hợp.
Nếu hà mã ưa đầm mình trong bể nước mát thì loài hươu cao cổ thích được massage bằng bàn chải. Ông Cường thường dành khoảng thời gian nhất định mỗi ngày để "chiều" theo sở thích của những con hươu cao cổ.
Một con khỉ vô tình nuốt dị vật vào miệng đang được bác sĩ thú y gắp bỏ. Để kịp thời phát hiện những trường hợp tương tự, nhân viên phụ trách từng chuồng hàng ngày phải quan sát hành vi các con thú, từ đó nhận biết vấn đề sức khỏe và nhanh chóng báo cho đội ngũ bác thú y chữa trị.
Các nhân viên đều có mối quan hệ gắn kết, gần gũi với loài động vật họ phụ trách, thuận lợi cho khâu chăm sóc và theo dõi sức khỏe.
Tuy nhiên, họ đồng thời cần tôn trọng những tập tính riêng của chúng. "Dù gần gũi đến mấy, mình phải bảo tồn bản năng của chúng. Chẳng hạn, không thể biến loài hổ thành con mèo để ôm ấp, vuốt ve”, ông Cường chia sẻ.
Trong khi đó, những khu vui chơi, giải trí cho thiếu nhi ở sở thú đều khóa cửa, phủ bạt chờ ngày hoạt động trở lại.
Trái với khu vực nuôi động vật được dọn dẹp hàng ngày, khung cảnh tại khu vui chơi ảm đạm, phủ bụi và lá cây.
Cỏ cây mọc um tùm bên trong khuôn viên vui chơi do nhiều tuần không ai chăm sóc, cắt tỉa.
Việt Linh - Hồng Chang