Những 'công cụ' giúp thúc đẩy hợp tác địa phương Việt Nam và Pháp
Tại Hội nghị hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp lần thứ 12 tổ chức tại Hà Nội, các đại diện, đối tác từ địa phương hai nước đã chia sẻ những phương thức tăng cường hợp tác hơn nữa.
Tại Phiên khai mạc toàn thể Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Pháp ngày 14/4, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn và Phó Thị trưởng thành phố Rennes Flavie Boukhenoufa đồng chủ trì phần tham luận về quan hệ Việt Nam - Pháp.
Các đại biểu đã trao đổi sôi nổi về những phương thức tăng cường hợp tác cấp địa phương hai nước; vai trò của các địa phương trong việc ứng phó, chống chịu và phục hồi sau các cuộc khủng hoảng về y tế và kinh tế; thời cơ, thách thức, những giải pháp hữu hiệu thúc đẩy quan hệ hợp tác hai bên.
Nhiều công cụ hỗ trợ hợp tác hiệu quả
Trình bày tham luận tại Hội nghị, bà Morgane Million, cán bộ Cục Ngoại vụ, Bộ Châu Âu và Ngoại giao Pháp cho biết nhằm hỗ trợ hợp tác hai nước, phía Pháp đưa ra 2 công cụ, gồm: kêu gọi hỗ trợ dự án hợp tác trong nhiều lĩnh vực giữa các địa phương của Pháp với các địa phương các nước trên thế giới, và chương trình gắn mác chứng nhận thế mạnh địa phương.
Về chương trình kêu gọi hỗ trợ với Việt Nam, mức tài trợ lên 50% phí dự án, không trùng lặp với hỗ trợ của AFD vì có sự khác biệt về loại dự án. Khoản hỗ trợ không tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng chủ yếu tập chung vào các dự án về con người, đào tạo, nâng cao nhận thức, giáo dục… Bên cạnh đó, chương trình gắn mác chứng nhận thế mạnh địa phương nhằm phát huy giá trị của vùng, giúp các bên tiếp cận thế mạnh của nhau mà không mất chi phí thông qua đại sứ quán Pháp.
Theo bà Anne de Soucy, Giám đốc đối tác, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), cơ quan này hiện tài trợ 4 dự án tại Việt Nam, trong đó có 3 dự án tại Hà Nội, và 1 dự án tại Bình Định. Đây là các dự án có tác động trực tiếp đến người dân, nổi bật là dự án xây dựng đường tàu điện ngầm tại Hà Nội.
"Bên cạnh hỗ trợ tài chính, chúng tôi giúp các địa phương của Việt Nam tuyển dụng chuyên gia đầu ngành, đồng thời là cầu nối thúc đẩy trao đổi giữa hai nước. Chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và trao đổi hợp tác với các địa phương của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực," đại diện AFD nhấn mạnh.
Định hướng hợp tác đa dạng, phù hợp nhu cầu từng địa phương
Trong khi đó, tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng cũng đã chia sẻ kinh nghiệm và định hướng hợp tác trong phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Thành phố đã ký kết nhiều thỏa thuận với phía bạn, trọng đó có hợp tác với thành phố Nice trên các lĩnh vực văn hóa, du lịch, giáo dục, y tế; hợp tác với thành phố LaSeyne-Sur-Mer nhân dịp Chính quyền thành phố LaSeyne-Sur-Mer đến tham dự Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 10 tại Cần Thơ, về công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch, y tế, giáo dục… Thành phố Cần Thơ cũng hy vọng trong thời gian tới, hợp tác sẽ được khởi động lại sau thời gian bị gián đoạn do dịch bệnh Covid - 19.
Với tiềm năng, thế mạnh của Pháp (công nghiệp dịch vụ, sản xuất ô tô, đường sắt, hàng không vũ trụ, sản xuất mỹ phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, giáo dục, y tế...) và nhu cầu đầu tư, phát triển, Thành phố Cần Thơ mong muốn đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác với các đối tác Pháp trong nhiều lĩnh vực.
Cụ thể là liên kết với các cơ sở giáo dục Pháp để mở các chương trình đào tạo; hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực quản trị và chuyển đổi số; tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số và quản trị doanh nghiệp công nghệ số; tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến, cung cấp thông tin cơ hội đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp Pháp thực hiện đầu tư tại thành phố Cần Thơ…
Hợp tác y tế mang tầm nhìn lâu dài
Tham luận tại Hội nghị, các đại biểu đến từ Pháp đã chia sẻ kinh nghiệm về Y tế cộng đồng, quản trị các cuộc khủng hoảng về y tế và hoạt động tình nguyện viên.
Theo đó, ông DELAUNAY Yann Tổng Giám đốc France Volontaire cho biết các nguyên tắc quan hệ đoàn kết hợp tác phi tập chung là giá trị cốt lỗi trong hoạt động tình nguyện. Tình nguyện viên chính là đại sứ thúc đẩy hợp tác với các nước. Hiện, có 23 tình nguyện viên Pháp đang tham gia hoạt động hợp tác tại Nghệ An, Yên Bái… Phía Việt Nam, có 5 tình nguyện viên tham gia thực hiện các chương trình hợp tác tại các địa phương Pháp.
Liên quan đến việc xử lý khủng hoảng y tế trong giai đoạn dịch Covid-19, bà Marie Christine Segui -Phó Chủ tịch Hội đồng Tỉnh Val de Marne cho biết, công tác này được tỉnh chú trọng thực hiện. Chính quyền địa phương đã được huy động mạnh mẽ; tỉnh được nhà nước giao thẩm quyền trong công tác dịch tễ như quản lý quy trình cấp 2 có vai trò then chốt trong đảm bảo an toàn cho người dân, duy trì hoạt động công cơ bản; đồng thời bảo vệ đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người già, thanh thiếu niên…
Trong giai đoạn dịch, tỉnh đã hỗ trợ 43 tấn hoa quả, cấp phát cho các hộ gia đình. Hỗ trợ người dễ bị tổn thương bằng cách tiêm vắc xin tại 52 điểm. Tiến hành theo dõi từ xa, duy trì mối quan hệ liên lạc gia đình, học sinh, giáo viên; quan tâm đến người cao tuổi, cấp phát máy tính bảng cho họ tại các trung tâm dưỡng lão; phát 1,5 triệu khẩu trang cho người dân…
Phó Chủ tịch hội động tỉnh Val-de-Marne nhận định, khi cuộc khủng hoảng y tế xảy ra vào năm 2020 do dịch Covid-19, Pháp chưa được chuẩn bị từ trước. Trong bối cảnh đó, tỉnh Val-de-Marne và Pháp đã nhận được sự hỗ trợ của đối tác, trong đó có Việt Nam. Riêng với tỉnh là có sự hỗ trợ của tỉnh Yên Bái, thể hiện sự hợp tác có hiệu quả, khăng khít.
Liên quan đến lĩnh vực y tế cộng đồng, Tổng thư ký Liên hội Y tế Pháp - Việt cho biết, hợp tác giữa Việt Nam và Pháp là hợp tác lâu dài. Theo đó, hợp tác về đào tạo bác sĩ nội trú giữa 2 nước mang lại kết quả tốt đẹp. Hiện nay, phần lớn các bác sĩ học tại Pháp đã trở thành nhân lực đóng vai trò quan trọng tại các bệnh viện đầu ngành của Việt Nam. Đây chính là kết quả nổi bật trong hợp tác y tế giữa hai nước.
Tổng thư ký Liên hội Y tế Pháp - Việt - ông Gildas Tréguier cho hay, năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, hợp tác y tế giữa hai nước vẫn được tiếp diễn. Liên hiệp cũng đã thực hiện trao đổi với Việt Nam, cho phép 2.000 bác sĩ, chuyên gia Việt Nam được học hỏi chuyên gia Pháp về bệnh truyền nhiễm và phục hồi.
Theo Tổng thư ký Liên hội Y tế Pháp - Việt, Việt Nam là nước năng động về kinh tế và y tế. Trên cơ sở đó, 2 nước có thể tiếp tục nghiên cứu, hợp tác trên các lĩnh vực mới như: khám chữa bệnh và khoa học công nghệ; quản lý bệnh viện; tiếp cận với dịch vụ chăm sóc và chữa bệnh; phòng chống bệnh dịch; các vấn đề về hô hấp, già hóa dân số; sản xuất thuốc…