Những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Cừ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
Là một trí tuệ lỗi lạc và là một người cộng sản có phẩm chất đạo đức trong sáng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã có những cống hiến to lớn với sự nghiệp cách mạng của Đảng, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912 trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống khoa bảng ở phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1927, đồng chí Nguyễn Văn Cừ tham gia tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Cuối năm 1928, thực hiện chủ trương “vô sản hóa” của Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, đồng chí ra mỏ Vàng Danh ở Quảng Ninh làm phu cuốc than để vừa rèn luyện, vừa thâm nhập trong phong trào công nhân, giác ngộ công nhân. Năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (tháng 2/1930), đồng chí Nguyễn Văn Cừ được cử làm Bí thư đặc khu Hòn Gai - Uông Bí. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, phong trào cách mạng ở vùng mỏ phát triển mạnh mẽ. Năm 1936, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã lập ra Ủy ban sáng kiến, có vai trò như Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ. Dưới sự lãnh đạo, phân công của Ủy ban sáng kiến, tổ chức Đảng lần lượt được khôi phục ở Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh, thành khác. Đến tháng 3/1937, Hội nghị thành lập Xứ ủy Bắc Kỳ lâm thời được triệu tập. Tại Hội nghị này, đồng chí được bầu làm Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, được Xứ ủy phân công làm đại diện Xứ ủy bên cạnh Trung ương Đảng.
Tại Hội nghị Trung ương Đảng tháng 9/1937, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Tháng 3/1938, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Tác phẩm “Các quyền tự do dân chủ với nhân dân Đông Dương” của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã luận giải được những vấn đề lý luận cơ bản, trên cơ sở đó, Đảng ta đưa ra những quyết sách chiến lược, sách lược trong phong trào cách mạng dân chủ. Trong tác phẩm này, đồng chí khẳng định: “Chánh sách thuộc địa câu kết với tàn tích phong kiến để thống trị xứ Đông Dương, nên chi dân xứ này chưa được hưởng cái mùi tự do dân chủ của hiện đại... Vậy, nhân dân Đông Dương muốn có hưởng các quyền tự do ấy, lẽ tất nhiên phải trải qua tranh đấu”(1).
Đồng chí cũng chỉ ra hình thức đấu tranh: “Căn cứ theo những tình hình cụ thể đó, chúng ta có thể dùng phương pháp đấu tranh có tính chất hòa bình - là chính sách lập mặt trận dân chủ thống nhứt Đông Dương để thực hiện những yêu cầu ấy”(2). Bởi vậy, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 3/1938, đồng chí đã có sáng kiến thành lập Mặt trận dân chủ thống nhất nhằm đoàn kết giai cấp công nhân, nông dân và vừa thu hút được trí thức và các lực lượng theo xu hướng cải cách dân chủ khác.
Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cũng đã viết tác phẩm “Tự chỉ trích” và Nhà xuất bản Dân chúng đã phát hành cuốn sách này vào ngày 20/7/1939 tại Hà Nội. Đây là một đóng góp quan trọng về lý luận vào công tác xây dựng Đảng cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức. Tác phẩm ra đời đã đáp ứng kịp thời yêu cầu của tình hình mới, khi Đảng ta vừa hoạt động bí mật, vừa hoạt động công khai; vừa chống “tả”, vừa chống “hữu” nhằm đi đến sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.
Đầu tháng 4/1938, nhận thấy tình hình quốc tế đang có những chuyển biến bất lợi cho cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã đặt vấn đề chuyển hướng chiến lược của Đảng. Chuẩn bị để Đảng rút vào hoạt động bí mật, đồng chí đã cho phát hành cuốn “Công tác bí mật của Đảng”, gửi đến đảng bộ các cấp.
Khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, ngày 28/9/1939, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định thực hiện sắc lệnh của Tổng thống Pháp cấm tuyên truyền cộng sản trên toàn cõi Đông Dương, ra lệnh khủng bố, lùng bắt những người cách mạng. Bởi vậy, đầu tháng 9/1939, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã triệu tập và chủ trì Hội nghị mở rộng Xứ ủy Bắc Kỳ, phổ biến tình hình và quyết định rút số cán bộ hoạt động công khai vào hoạt động bí mật, phân công một số đồng chí cán bộ Xứ ủy và Thành ủy Hà Nội đi xây dựng căn cứ ở những địa bàn chiến lược, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh vũ trang khi có điều kiện.
Ngày 6/11/1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định. Hội nghị chủ trương tập trung mọi lực lượng vào nhiệm vụ chủ yếu là chống đế quốc và ách thống trị phát xít thuộc địa, xác định giải phóng dân tộc khỏi ách đế quốc là nhiệm vụ cấp bách nhất và là mục tiêu trước mắt của cách mạng Việt Nam. Hội nghị nhấn mạnh: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập”(3).
Do đó, Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ thống nhất Đông Dương. Khẩu hiệu ruộng đất về tay dân cày lúc này tạm gác lại, chính sách đề ra là chỉ tịch thu ruộng đất của đế quốc và những địa chủ phản bội quyền lợi của dân tộc. Khẩu hiệu thành lập chính quyền Xô viết công nông binh được thay thế bằng thành lập chính quyền dân chủ cộng hòa. Hội nghị đã nhất trí về vấn đề chuẩn bị các điều kiện cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền: “Phải biết xoay tất cả phong trào tranh đấu lẻ tẻ vào cuộc tranh đấu chung, phản đối đế quốc chiến tranh, chống đế quốc Pháp và bè lũ, dự bị những điều kiện bước tới bạo động làm cách mệnh giải phóng dân tộc”(4).
Tính kịp thời và đúng đắn về chủ trương thay đổi chiến lược của Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11/1939) đã được Trung ương Đảng khẳng định tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (tháng 11/1940) và bổ sung, hoàn thiện tại Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941). Nhờ đó, phong trào cách mạng Việt Nam có bước phát triển mới mạnh mẽ, tiến tới giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Nói về Tổng Bí thư trẻ nhất trong lịch sử Đảng ta, đồng chí Lê Duẩn (Tổng Bí thư của Đảng từ năm 1960 đến năm 1986) đánh giá, đồng chí Nguyễn Văn Cừ là “một trí tuệ lỗi lạc của Đảng, rất sắc sảo và nhạy bén về chính trị, lại có khả năng đoàn kết, thuyết phục anh em” và “một người cộng sản có phẩm chất đạo đức trong sáng, được mọi người kính phục”(5).
Năm 2012, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đánh giá về bậc tiền bối: “Nhà lãnh đạo trẻ tuổi đầy tài năng của cách mạng Việt Nam, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân”(6).
Nguyễn Văn Toàn
(1) Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 669.
(2) Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 670.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðảng toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 536.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 552.
(5) Nguyễn Văn Cừ - Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr. 125.
(6) Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc, một tấm gương cộng sản mẫu mực, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.