Những cộng tác viên dân số cần mẫn
'Ði từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng' đó là hình ảnh cán bộ, cộng tác viên (CTV) dân số, những người hằng ngày cần mẫn tuyên truyền, vận động người dân thực hiện công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, là cánh tay nối dài cho công tác này của chính quyền địa phương.
Khi được hỏi về cơ duyên đến với công việc CTV dân số, bà Trịnh Hồng Mận (Tổ trưởng Tổ Y tế Ấp 6, xã Khánh Hòa, huyện U Minh) cười xòa: “Chắc là vì mến nghề nên mới gắn bó từ năm 1999 tới giờ. Ngày đó làm 1 tháng được 20 ngàn đồng thôi, mà vận động thì khó khăn trăm bề. Tôi nghĩ, để nhận được sự đồng cảm của bà con có thể là sự nhiệt tình của mình”.
Bà Mận kể, ngày trước Ấp 6 có hơn 300 hộ dân, trong đó hơn phân nửa là hộ dân tộc Khmer. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trong đồng bào dân tộc tại ấp này lên đến gần 70%, việc tuyên truyền nếu không có sự kiên trì thì rất dễ bỏ cuộc. Chính vì thế, trong 4 biện pháp kế hoạch hóa gia đình, bà cẩn thận nghiên cứu tùy từng gia đình sẽ thích hợp với biện pháp nào, đi một lần tuyên truyền không được thì đi nhiều lần, đến khi nào người dân hiểu thì thôi.
“Tôi còn nhớ, trong lần đến tuyên truyền cho một gia đình hoàn cảnh rất nghèo, sinh lứa thứ 3. Khi tôi đến, người chồng phản ứng rượt đánh, tôi phải “chạy bỏ dép”. Không bỏ cuộc, tôi tiếp tục đến nhiều lần, nhỏ to chia sẻ, cuối cùng người ta đã hiểu những chuyện mình làm vì quyền lợi cho gia đình họ, thậm chí bây giờ gia đình đó rất thương tôi”, bà Mận nhớ lại.
Nhiệt huyết, trách nhiệm với nhiệm vụ mình gánh lãnh, trong các chiến dịch dân số, nhiều người trong xóm, ấp vẫn thấy hình ảnh bà Mận sẵn sàng bỏ tiền túi hỗ trợ các chị em nghèo chi phí đi lại để triệt sản. Khi đến các gia đình tuyên truyền, bà đều cẩn thận ghi chép lại, nhà nào có bé nhỏ bà đều mua thêm bánh kẹo tặng các cháu. Suốt 25 năm gắn bó với công tác dân số, trái ngọt bà nhận được là tỷ lệ sinh con thứ ba tại Ấp 6 giờ đã không còn.
Cũng là người gắn bó với công tác dân số suốt 14 năm, bà Phan Hồng Trinh, cán bộ phụ trách dân số thuộc Trạm Y tế xã Khánh Hòa (huyện U Minh), vẫn không quên được những ngày tháng chật vật đi vận động, giải thích cho từng nhà, từng người hiểu thế nào là kế hoạch hóa gia đình.
Ngày đó, vẫn biết gia đình đông con, cuộc sống sẽ nghèo khó vì gánh nặng kinh tế. Nhưng với quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ”, cứ thế tỷ lệ mức sinh cứ thi nhau nhảy vọt, chưa kể, là vùng có đông đồng bào dân tộc, việc tuyên truyền và thực hiện hiệu quả công tác dân số đối mặt vô vàn thách thức. “Ngày trước cán bộ làm công tác dân số tại xã đa phần là nam, việc tuyên truyền và làm kế hoạch hóa gia đình các anh còn e ngại. Trước đó là một nữ hộ sinh, tôi được phân công kiêm nhiệm luôn làm cán bộ phụ trách dân số rồi bén duyên với công việc này cho tới nay”, bà Trinh nhớ lại.
Trước đây, việc tuyên truyền dân số rất khó khăn vì nhiều lý do, như hạn chế về vấn đề tập huấn, gặp rào cản ngôn ngữ khi tuyên truyền cho người dân tộc, giao thông cách trở khi di chuyển đến từng hộ dân ở vùng sâu. Chưa kể, những trường hợp cá biệt do chưa hiểu hết về ý nghĩa của kế hoạch hóa gia đình, còn xảy ra tình trạng chửi bới, thậm chí hành hung CTV dân số.
Ðể khắc phục những khó khăn ấy, đội ngũ CTV được tập huấn kỹ càng nên việc tuyên truyền thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, trong các buổi họp ấp, họp tổ và các ngành, đoàn thể sẽ lồng ghép nội dung tuyên truyền về dân số; vận động tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi..., góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền.
Bà Trinh kể, ngày trước, mỗi năm 2 lần chiến dịch dân số được tổ chức rất rầm rộ. Chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ tối đa về thuốc men, kinh phí, nhân lực. Những trường hợp đình sản được đưa về huyện, được tiền bồi dưỡng, được cho gạo, hỗ trợ đi lại, được thăm khám phụ khoa miễn phí.
Hiện nay, trên địa bàn xã Khánh Hòa, mạng lưới CTV dân số đã phủ 6 ấp, đa phần là nhân viên tổ y tế ấp, CTV cũng đều là nữ. “Những CTV tại đây đều đã có thâm niên trên 10 năm, thế nên họ có sự sâu sát, đủ thấu hiểu với từng hộ dân. Chính vì sự chịu khó, kiên trì của đội ngũ CTV, đặc biệt là vai trò nêu gương của những gia đình tiêu biểu để người dân thấy được việc sinh đông con mang lại những gánh nặng như thế nào. Bên cạnh đó, sự phát triển của mạng Internet giúp người dân tiếp cận kiến thức nhanh hơn, nâng cao dân trí, việc thực hiện công tác dân số cũng hiệu quả hơn”, bà Trinh chia sẻ./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nhung-cong-tac-vien-dan-so-can-man-a31340.html