Những công trình trên bãi sông Hồng bao giờ được xử lý?
Kho xưởng, bãi vật liệu xây dựng, sân bóng, sân tập golf được xây dựng trên khu vực đất nông nghiệp (khu bãi sông Hồng) dưới chân cầu Vĩnh Tuy nhưng vẫn chưa được xử lý.
Nằm ngay dưới chân cầu Vĩnh Tuy thuộc phường Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội) hàng loạt những công trình xây dựng khu vực bãi sông Hồng tồn tại và thêm những vi phạm mới.
Theo lối đi từ đê Long Biên - Xuân Quan xuống khu vực bãi sông Hồng, cạnh chân cầu Vĩnh Tuy là một khu đất lớn được xây hàng rào gạch kín, người dân ở đây cho biết, đây là một sân tập golf của một số đại gia. Trên bản đồ vị trí này được đánh dấu là “Khu sinh thái Hòa Phát”.
Đi sâu vào bên trong, hàng loạt nhà kho, nhà xưởng, garage ô tô được dựng lên, với xe ra vào hoạt động liên tục.
Rồi những sân bóng nhân tạo Vietnet, Hòa Bình Long Biên cũng được xây dựng khu vực đất bãi sông Hồng. Dưới chân cầu Vĩnh Tuy một bãi vật liệu xây dựng cát, đá được tập kết ngay hành lang bảo vệ cầu.
Trên lối vào khu vực nghĩa trang phường Long Biên ngoài bãi sông Hồng, một bãi xe rộng hàng nghìn m2 được xây dựng, sàn đổ bê tông, khu vực hàng rào quây tôn kín.
Ngoài những dấu hiệu vi phạm khi xây dựng các công trình không dùng cho mục đích sản xuất nông nghiệp trên khu vực bãi sông Hồng, các công trình còn vi phạm khu vực hành lang an toàn bảo vệ cầu Vĩnh Tuy.
Theo văn bản hợp nhất 333/VBHN-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, nghiêm cấm việc sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác.
Việc lấn chiếm hành lang bảo vệ cầu vào mục đích khác sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của cầu, nếu xảy ra cháy nổ thì nguy cơ ảnh hưởng đến kết cấu và tuổi thọ của cầu là rất cao, qua đó phải kiểm tra lại kết cấu, chất lượng của toàn bộ cây cầu với khoản kinh phí không hề nhỏ.
Việc tồn tại các công trình tại trên bãi sông Hồng trách nhiệm của chính quyền địa phương tới đâu, việc xử lý sẽ được thực hiện như thế nào? VOV.VN sẽ tiếp tục thông tin.
Theo Khoản 1 Điều 170 Luật Đất đai 2013, nguyên tắc về nghĩa vụ của người sử dụng đất được quy định như sau: Người sử dụng đất phải tuân thủ các quy định sau: Sử dụng đất đúng mục đích, tuân theo ranh giới thửa đất, tuân thủ quy định về độ sâu sử dụng trong lòng đất và chiều cao trên mặt đất, bảo vệ các công trình công cộng có trong lòng đất và tuân thủ các quy định pháp luật liên quan khác.
Theo quy định trên, đất nông nghiệp được định nghĩa là đất dùng để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng... Do đó, nếu xây dựng nhà tôn trên đất nông nghiệp nhằm hỗ trợ và phục vụ mục đích trồng trọt; hoặc dựng nhà tôn để chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép... và phù hợp với mục đích sử dụng đất, việc dựng nhà tôn trên đất nông nghiệp được phép thực hiện.
Tuy nhiên, nếu nhà tôn được xây dựng nhằm mục đích ở hoặc các mục đích không liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, đó là hành vi không được phép và vi phạm pháp luật. Sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng nhà tôn phục vụ cho hoạt động kinh doanh thương mại không tuân thủ đúng mục đích sử dụng đất.