Sau 6 tháng tranh chấp, thương vụ gây tranh cãi giữa Elon Musk và Twitter đã chính thức khép lại khi lên chức giám đốc điều hành mới của công ty mạng xã hội. Ông đã sa thải CEO cũ Parag Agrawal và nhận cương vị CEO trong danh bạ công ty và tài khoản trên ứng dụng Slack nội bộ, theo tuyên bố hôm 31/10 (giờ Mỹ). Ảnh: Anadolu Agency.
“Lý do khiến tôi mua lại Twitter là vì nhân loại cần một quảng trường tự do ngôn luận trên nền tảng kỹ thuật số”, Musk khẳng định hôm 27/10. Vai trò mới của Elon Musk tại Twitter đã khiến ông cùng lúc nắm giữ vị trí CEO của 5 công ty cùng một lúc, trải dài từ các lĩnh vực hàng không, vận tải, khoa học thần kinh và mạng xã hội. Ảnh: Cnet.
Trong đó, cái tên nổi tiếng nhất, gắn liền với thành công của Elon Musk là Tesla. Vị tỷ phú được biết đến là Giám đốc điều hành, đồng thời là cha đẻ của hãng xe điện Tesla. Từ một công ty khởi nghiệp tại Thung lũng Silicon, Tesla đã nhanh chóng vươn lên trở thành một thế lực đáng gờm trong ngành ôtô. Ảnh: Business Insider.
Đặt trụ ở Texas, công ty này hiện có hơn 100.000 nhân viên trên khắp thế giới. Tesla cũng là một trong 6 công ty duy nhất tại Mỹ đạt vốn hóa thị trường 1.000 tỷ USD. Con số này còn lớn hơn giá trị vốn hóa của 9 đối thủ còn lại trên thị trường cộng lại. Năm 2016, Tesla đã mua lại SolarCity, nhà cung cấp tấm năng lượng mặt trời hàng đầu nước Mỹ. Hiện, công ty này trị giá khoảng 3,5 tỷ USD. Ảnh: Business Insider.
Bên cạnh đó, SpaceX cũng chiếm một phần không nhỏ trong khối tài sản của Musk. Hãng hàng không vũ trụ này được ông thành lập từ năm 2002 và hiện nhậm chức “nhà thiết kế chính”, “giám sát quy trình phát triển tàu vũ trụ và tên lửa cho các nhiệm vụ vòng quanh Trái Đất hoặc các hành tinh khác”. SpaceX có trụ sở tại California và điểm phóng tên lửa “Starbase” đặt tại Texas. Ảnh: Bloomberg.
Hồi tháng 10, SpaceX được định giá 100 tỷ USD, trở thành công ty tư nhân có giá trị cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau TikTok. Tính đến năm 2021, công ty này có gần 10.000 nhân viên. Ngoài ra, SpaceX còn sở hữu dịch vụ Internet vệ tinh Starlink, đưa kết nối Internet ổn định, có chất lượng cao đến cả khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa. Ảnh: Business Insider.
Mặc dù không nhiều người biết đến, vị tỷ phú giàu nhất hành tinh còn sáng lập một dự án đầy triển vọng khác có tên Neuralink. Công ty start-up này tham vọng cấy chip máy tính vào não người. Ông được giới thiệu là CEO của Neuralink trên website chính thức nhưng hiện vẫn chưa rõ vai trò của ông tại công ty. Văn bản pháp lý của start-up viết rõ Musk “không có bất kỳ nhiệm vụ quản trị hay điều hành nào tại Neuralink”. Ảnh: Cnet.
Với 300 nhân viên được phân chia giữa trụ sở San Francisco và Austin, Texas, Neuralink được lọt vào top 33 trong danh sách 50 công ty start-up hàng đầu thế giới vào năm 2021 của LinkedIn. Cho đến nay, công ty của vị tỷ phú đã huy động thành công 363 triệu USD từ các nhà đầu tư. Ảnh: Zhihu.
Không chỉ dừng lại ở đó, Elon Musk còn là nhà sáng lập The Boring Company, công ty khởi nghiệp về giao thông ngầm sử dụng xe Tesla từ năm 2016. Công ty này mong muốn thực hiện các dự án xây dựng đường hầm nhằm giải quyết vấn đề tắc đường ở Mỹ. Trong chương trình Joe Rogan Experience, vị tỷ phú nói rằng thật ra công ty này được thành lập theo ý thích của ông. “Được gọi là Công ty Siêu nhàm chán (The Boring Company) vì tôi thành lập nó như một trò đùa. Nhưng sau đó, chúng tôi quyết định biến đùa thành thật và bắt đầu làm đường hầm bên dưới Los Angeles vì có nhiều người yêu cầu”, ông chia sẻ. Ảnh: The Independent.
Theo New York Times, bên cạnh những công ty chủ chốt trên, vị tỷ phú còn nắm trong tay ít nhất 7 doanh nghiệp nhỏ khác, trong đó có Wyoming Steel, được ông sử dụng để mua bất động sản. Ảnh: Business Insider.
Điều đáng chú ý là vào tuần trước khi quyết định nối lại thương vụ với Twitter, ông lại khẳng định trên trang cá nhân rằng việc mua lại công ty mạng xã hội chỉ là một cú hích để ông tạo ra “X” và gọi đây là “ứng dụng cho mọi thứ”. Tại một cuộc họp cổ đông thường niên của Tesla, tỷ phú còn cho biết ông có “tầm nhìn khá lớn” đối với X và khẳng định ứng dụng sẽ là “thứ gì đó sẽ rất hữu ích cho thế giới”. Ảnh: New York Times.
Thúy Liên