Những công việc lặng thầm ở Biển Đông
Một loạt công trình dân sự trên Biển Đông được ngành giao thông xây dựng cách đây hơn 20 năm, hiện vẫn phát huy đắc lực vai trò đảm bảo an toàn hàng hải, bảo vệ chủ quyền đất nước.
Những công trình do Ban quản lý dự án Biển Đông thực hiện đã góp phần bảo đảm an toàn hàng hải và bảo vệ chủ quyền đất nước. Trong ảnh: Đèn biển Tiên Nữ trên quần đảo Trường Sa
Nhiệm vụ đặc biệt
Cho đến thời điểm này, dù đã nghỉ công tác được 13 năm, nhưng “lão tướng” Phan Đình Vinh, nguyên Tổng giám đốc Ban quản lý dự án Biển Đông vẫn nhớ rất rõ bối cảnh ông được lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) gọi từ Nghệ An ra để nhận một nhiệm vụ khá đặc biệt.
“Đó là khoảng tháng 10/1994, khi đang là Phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án 85 (có trụ sở tại Vinh - Nghệ An), tôi được Bộ GTVT và Ban yêu cầu khẩn trương tập hợp một số cán bộ, kỹ sư có năng lực để thành lập Phân ban quản lý công trình Biển Đông, thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư, quản lý đầu tư các dự án thuộc Chương trình Biển Đông - Hải Đảo”, ông Vinh nhớ lại.
Đây là nhiệm vụ mới, nhưng rất quan trọng mà Chính phủ đặt ra cho ngành giao thông sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 6/3/1993 về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt.
Được biết, trong các nhiệm vụ quan trọng được Bộ Chính trị đề cập trong Nghị quyết số 03, có việc phải sớm đồng bộ hóa và hiện đại hóa dần cơ sở vật chất kỹ thuật quản lý, điều hành hàng hải, hàng không quốc tế trên vùng biển, vùng trời của ta (hệ thống điều hành, rađa, đèn hiệu, phao tiêu, cứu hộ…); khẩn trương xây dựng một số nhà nổi ở những nơi xung yếu trên thềm lục địa, tạo chỗ đứng cho việc kiểm soát, bảo vệ vùng biển và đưa các hoạt động kinh tế, nghiên cứu khoa học tiến ra biển và xây dựng trù phú một số đảo ven biển quan trọng như Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Hòn Mê, Cát Bà, cung đảo Hạ Long - Cô Tô.
Các đầu công việc trong lĩnh vực phát triển các công trình hàng hải dân dụng và phát triển hạ tầng giao thông ở một số đảo tiền tiêu nằm trong phạm vi trách nhiệm của Bộ GTVT khi ấy khá đa dạng, phức tạp, nên cần một đầu mối vừa phải có năng lực, vừa phải có nhiệt huyết, không ngại gian khó để vừa tìm kiếm, huy động các nguồn lực, vừa phải trực tiếp thi công, giám sát công trình trên thực địa.
Do tính chất quan trọng của công việc, chỉ 6 tháng sau (tháng 4/1995), Bộ GTVT đã quyết định nâng cấp Phân ban quản lý công trình Biển Đông thành Ban quản lý dự án Biển Đông trực thuộc Bộ GTVT.
"Ngoài tờ quyết định thành lập và hơn một chục cán bộ kỹ sư trẻ được tuyển chọn kỹ lưỡng, chúng tôi ra Hà Nội với hai bàn tay trắng, trong khi vừa phải chuẩn bị, hoàn thiện bộ máy, vừa bắt tay ngay vào việc triển khai công trình đầu tiên thuộc Chương trình Biển Đông - Hải Đảo”, một cán bộ Ban Quản lý dự án Biển Đông nhớ lại
Công trình đầu tiên của Ban quản lý dự án Biển Đông đảm nhận chính là Dự án mang mã số Z-95 - Tôn tạo đảo Đá Tây (Trường Sa), khi đó vẫn còn là một đảo chìm, nhằm hình thành bước đầu một cụm công trình kiên cố, phục vụ cho hoạt động hàng hải và nghề cá.
Mặc dù phần lớn đều được đào tạo bài bản trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, nhưng đây là công trình thách thức rất lớn đối với các kỹ sư khi ấy đều trong độ tuổi đôi mươi của Ban Biển Đông.
Do công trường xây dựng nằm giữa biển, công tác chuẩn bị buộc phải kỹ lưỡng ngay từ trong bờ. Vật liệu mang đi không được thiếu, cũng không được thừa. Cát, đá, xi măng… đều được bọc trong nylon nhiều lớp để tránh hơi mặn. Nhiều cấu kiện phải gia công từ trong bờ, lắp thử, rồi tháo rời, vận chuyển ra đảo, trong đó có những thùng bê tông cốt thép cao 6 m, rộng 10 m, dài 30 m, nặng tới 300 tấn cũng được đúc từ trong đất liền, sau đó được kéo ra biển để tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi trời yên biển lặng vài tháng trong năm tại khu vực Trường Sa.
Ngoài điều kiện thi công khắc nghiệt, tại thời điểm thi công đảo Đá Tây, tình hình tại Trường Sa đang rất căng thẳng, nên hầu hết thông tin liên quan đến quy mô, thời gian khởi công, hoàn thành đều được giữ kín.
“Cứ hai tháng một lần, anh em được gọi về cho vợ con qua tổng đài ICOM ở trụ sở Bộ GTVT. Hẹn giờ lên sóng không khớp, sóng yếu, coi như cuộc hẹn bị hủy. Ngay cả khi gặp rồi, phải bí mật về công việc ở đảo, chỉ hỏi dăm ba câu chuyện ở đất liền”, một cán bộ Ban Biển Đông khi đó hồi tưởng.
Vượt qua những khó khăn, thách thức, với những giọt mồ hôi mặt hơn cả vị biển được đổ xuống, sau khoảng 10 tháng thi công, vào năm 1996, cụm công trình hàng hải kiên cố bằng bê tông cốt thép trên đảo Đá Tây đã được hoàn thành.
Từ nền tảng công trình tôn tạo do Ban Biển Đông thực hiện, tới nay trên đảo Đá Tây đã xây dựng một Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, thuộc diện lớn nhất quần đảo Trường Sa, cung cấp tất cả mọi dịch vụ cho các tàu đánh bắt xa bờ. Không chỉ sửa chữa nhỏ, những hạng mục lớn cần phải đưa tàu lên khỏi mặt nước vốn chỉ có thể thực hiện trong đất liền giờ cũng đã có thể thực hiện ngay tại trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá này, vừa giúp ngư dân bám biển, vừa bảo vệ chủ quyền đất nước.
Đội nắng gió giữa trùng khơi
Gần như đồng thời với thời gian xây dựng, tôn tạo đảo Đá Tây - Trường Sa, Ban quản lý dự án Biển Đông còn được các cơ quan chức năng tín nhiệm giao triển khai một loạt dự án quan trọng khác cũng thuộc chương trình Biển Đông - Hải Đảo như: Dự án Ra đa cảnh giới biển quốc gia tầm xa và hai dự án đường và cảng trên đảo Phú Quý - hòn đảo nằm ngoài cùng hệ thống đảo ở cực Nam Trung bộ.
Công trình mà nhiều cán bộ thuộc Ban quản lý dự án Biển Đông nhớ nhất chính là Dự án xây dựng hải đăng Tiên Nữ. Hải đăng Tiên Nữ là một trong 9 cụm hải đăng ở khu vực Trường Sa, được thiết lập ở vị trí cách điểm đảo Tiên Nữ khoảng 2,9 hải lý về phía Đông Bắc, được xây dựng trên bãi đá chìm thuộc quần đảo Trường Sa, cách điểm gần nhất trên đất liền là Nha Trang (Khánh Hòa) khoảng 275 hải lý. Đây cũng là đảo chìm xa nhất thuộc quần đảo Trường Sa. Theo thiết kế, đèn biển đảo Tiên Nữ có tâm sáng ở độ cao 20,5 m, tầm hiệu lực ánh sáng ban ngày 14 hải lý, tầm hiệu lực ánh sáng ban đêm 15 hải lý.
“Ngoài thực hiện chức năng bảo đảm an toàn hàng hải, đèn biển Tiên Nữ còn khẳng định chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông, nên khi được giao nhiệm vụ, chúng tôi ai nấy đều cảm thấy rất tự hào”, kỹ sư Trần An Hải, hiện là Phó giám đốc Ban quản lý dự án Hàng hải (Bộ GTVT) cho biết.
Được biết, ông Hải khi đó là kỹ sư công trình vừa mới ra trường, được đích thân ông Vinh tuyển về làm việc tại Ban quản lý dự án Biển Đông. Sau 1 năm làm việc tại công trình xây dựng đường và cảng trên đảo Phú Quý, đầu năm 1999, ông Hải cùng một số cán bộ trong Ban lại ôm ba lô, lên tàu hàng ra Trường Sa nhận nhiệm vụ.
Mặc dù là chủ đầu tư, kiêm tư vấn giám sát, nhưng tại công trường xây dựng hải đăng Tiên Nữ, để tận dụng quãng thời gian triều kiệt vài tiếng ngắn ngủi trong ngày, nên bất kể là chỉ huy hay công nhân, giám sát hay thi công đều phải xông vào vác sắt thép, trộn xi măng.
Trong nhật ký công trường của ông Trần Ngọc Hoàng, khi đó là cán bộ kỹ thuật của Ban có ghi lại như sau: “Công việc thi công hải đăng Tiên Nữ thường diễn ra từ chập tối đến 3 giờ sáng. Sau khi thi công quần quật thâu đêm, cả đội 40 người lăn ra sàn bê tông ngủ, đến khi mặt trời chiếu thẳng vào mắt cay xè, mới thức dậy về tàu. Bởi thế, xây dựng ở đảo không có chỗ cho sự chần chừ, mà phải luôn khẩn trương, sáng tạo. Chậm một chút sẽ vỡ kế hoạch cả ở trong bờ và ngoài đảo, lương thực sẽ hết, vật liệu sẽ hỏng, nhiệm vụ với ngành không hoàn thành”.
Công trình hải đăng Tiên Nữ đã được Bộ Xây dựng tôn vinh là công trình tiêu biểu về chất lượng toàn quốc giai đoạn 2000 - 2010. Đây cũng là một trong những dự án cuối cùng trong Chương trình Biển Đông - Hải Đảo mà Ban quản lý dự án Biển Đông thực hiện, trước khi chuyển sang khai các nhiệm vụ dân sự khác do Bộ GTVT giao.
Cũng giống như quá trình tôn tạo đảo Đá Tây, toàn bộ vật tư, vật liệu, nước ngọt và các cấu kiện bán thành phẩm xây dựng đèn biển Tiên Nữ đều được vận chuyển và trung chuyển bằng tàu vận tải và ghe xuồng từ trong bờ ra đảo. Do việc vận chuyển gặp khó khăn nên nước ngọt và rau xanh luôn là thứ khan hiếm nhất đối với cán bộ, công nhân làm việc ở đảo đèn Tiên Nữ.
Theo quy định trên công trường, mỗi người được sử dụng tối đa 2,5 lít nước ngọt/ngày, bao gồm việc đánh răng, rửa mặt và tắm giặt. Với định mức trên chỉ đủ đánh răng, rửa mặt, còn tắm, giặt đều phải dùng nước biển, sau đó lấy khăn thấm nước ngọt và lau người là xong. Để cả công trường thực hiện, cán bộ, kỹ sư được yêu cầu gương mẫu để toàn bộ công nhân thực hiện theo.
“Về ăn uống sinh hoạt, rau thì chỉ có bí xanh và bí đỏ nấu canh. Do quá trình thi công kéo dài đến giai đoạn cuối thì hết muối, đồng chí bếp trưởng phải cả múc nước biển nấu với bí xanh đã khô kiệt như xơ mướp”, ông Trần An Hải nhớ lại.
Sau 2 năm thi công, vào giữa năm 2000, công trình đèn biển Tiên Nữ đã được đưa vào khai thác, trở thành ngọn hải đăng thứ ba của Việt Nam tỏa sáng trên vùng biển Trường Sa.
“Trong đêm đầu tiên thử nghiệm vận hành, nhìn những chớp đèn hải đăng chiếu sáng giữa đêm đen trên biển, anh em chúng tôi ôm chặt lấy nhau. Miệng cười mà nước mắt tràn mi - những giọt nước mắt sung sướng, tự hào vì đã có những đóng góp bé nhỏ để gìn giữ biển đảo quê hương”, ông Hải kể.
“Điều anh em chúng tôi mong mỏi nhất là có dịp được trở lại thăm 2 công trình trên quần đảo Trường Sa, nơi chúng tôi đã có những kỷ niệm không bao giờ quên của những tháng ngày tuổi trẻ được vinh dự sống và làm việc nơi địa đầu sóng gió của Tổ quốc”, ông Hải chia sẻ.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhung-cong-viec-lang-tham-o-bien-dong-d128804.html