Những cột mốc lịch sử không gian ấn tượng năm 2023
NASA đã có một năm bận rộn với những sứ mệnh không gian đáng kinh ngạc, tiếp mở rộng khả năng khám phá vũ trụ của con người.
Mới đây, Cơ quan Hàng không Vũ trụ NASA đã chia sẻ một video mới giới thiệu những thành tựu vượt bậc của họ vào năm 2023, từ việc trả thành công mẫu vật liệu của tiểu hành tinh đầu tiên về Trái Đất, cho đến kế hoạch chế tạo động cơ tên lửa nhiệt hạt nhân mới dành cho các sứ mệnh không gian sâu trong tương lai gần.
Video mới cũng phác thảo một số tiến bộ đạt được với chương trình Artemis, đây là một nỗ lực đầy tham vọng nhằm đưa con người trở lại Mặt trăng.
“NASA làm được những điều lớn lao, từ những khám phá truyền cảm hứng cho đến những cam kết của chúng tôi thành hiện thực, cho tới những điều chúng tôi nghĩ lúc đầu rằng, nó sẽ ngoài tầm với của chúng tôi”, Bill Nelson, quản trị viên của NASA, cho biết trong video.
Năm nay, Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) kỷ niệm 25 năm hoạt động trên quỹ đạo, cùng với kỷ lục mới do phi hành gia NASA, Frank Rubio thiết lập cho chuyến bay vũ trụ dài nhất của Mỹ. Rubio đã dành tổng cộng 371 ngày liên tục trong phòng thí nghiệm của Trạm ISS, điều này giúp Rubi trở thành người Mỹ đầu tiên sống trọn một năm ngoài không gian.
Thậm chí, Kính viễn vọng Không gian James Webb của NASA cũng kỷ niệm năm khoa học đầu tiên, bằng việc công bố hình ảnh chưa từng có về sự hình thành sao thú vị trong khu phức hợp đám mây Rho Ophiuchi gần Trái đất. Jane Rigby đến từ Trung tâm bay không gian Goddard của NASA, cho biết trong video: “Chúng tôi thực sự chỉ mới bắt đầu xét đến lợi ích khoa học từ kính thiên văn này”.
Vào ngày 24/9, tàu vũ trụ sứ mệnh OSIRIS-REx đã trả lại một mẫu vật liệu lấy bề mặt nguyên sơ của tiểu hành tinh Bennu về Trái đất, giúp cung cấp những hiểu biết mới về sự hình thành Hệ Mặt trời của chúng ta hơn 4,5 tỷ năm trước. Cũng trong ngày này, NASA đã khởi động sứ mệnh mới mang tên OSIRIS-APEX bằng cách chuyển hướng tàu OSIRIS-REx chỉ 20 phút sau khi trả mẫu, đưa nó tiến đến tiểu hành tinh Apophis, mặc dù tàu vũ trụ sẽ không thu thập bất kỳ mẫu vật lý nào trong lần bay thứ hai này.
NASA đang hướng tới một tiểu hành tinh khác, khi khởi động tàu vũ trụ sứ mệnh Psyche vào ngày 13 tháng 10. Mục tiêu của sứ mệnh này là một tiểu hành tinh giàu kim loại tên là 16 Psyche, nó quay quanh Mặt trời trong phạm vi giữa Sao Hỏa và Sao Mộc.
Hàm lượng kim loại cao của nó cho thấy, tiểu hành tinh này có thể là một phần lõi của một hành tinh nhỏ, cũng là một khối xây dựng nên một hành tinh sơ khai. Vì vậy, việc nghiên cứu nó sẽ mang lại cái nhìn sâu sắc mới hơn về sự hình thành hành tinh trong vũ trụ.
“Chúng tôi muốn bảo vệ hành tinh của mình bằng cách hiểu rõ hơn về nó”, Nelson nói trong video.
Cơ quan vũ trụ NASA cũng đã công bố bốn phi hành gia dự kiến bay trong chương trình sứ mệnh Artemis II của NASA, nhằm thiết lập sự hiện diện lâu dài trên Mặt trăng. Thành viên phi hành đoàn bao gồm: Reid Wiseman, Victor Glover, Christina Hammock Koch (quốc tịch Mỹ) và Jeremy Hansen (quốc tịch Canada), họ sẽ thực hiện sứ mệnh Artemis II kéo dài 10 ngày, đánh dấu chuyến du hành Mặt trăng có người lái đầu tiên của NASA trong nhiều năm qua. Dự kiến sứ mệnh sẽ chính thức bắt đầu vào năm 2024.
Ngoài ra, NASA cũng hợp tác với Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) để phát triển động cơ tên lửa nhiệt hạt nhân ngay sau năm 2027, nhằm chuẩn bị cho các sứ mệnh phi hành đoàn du hành vào không gian sâu trong tương lai.
Thậm chí, nguyên mẫu bộ đồ du hành vũ trụ do Axiom Space thiết kế cho sứ mệnh Artemis III của NASA cũng đã ra mắt trong năm nay. Được biết, sứ mệnh Artemis III sẽ đưa các phi hành gia, bao gồm cả người phụ nữ đầu tiên, lên Mặt trăng ngay sau năm 2025.
Nelson nói trong video: “Chúng ta sẽ quay trở lại Mặt trăng, để sống, làm việc, phát triển, đổi mới. Đây là sức mạnh của các chương trình không gian của chúng tôi. Nó đang gắn kết mọi người lại với nhau. Cùng nhau chúng ta sẽ lên Mặt trăng, tới sao Hỏa và nhiều nơi khác nữa trong vũ trụ”.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/nhung-cot-moc-lich-su-khong-gian-an-tuong-nam-2023-ar843741.html