Những 'cột mốc sống' bảo vệ chủ quyền biên giới

Ở độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu không chỉ mang vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Bắc, mà còn in dấu những câu chuyện kiên cường của đồng bào nơi biên giới. Giữa mây mù và những triền đồi xanh ngút tầm mắt, người dân nơi đây không chỉ chăm lo cuộc sống mưu sinh, mà còn vững vàng như những 'cột mốc sống', cùng BĐBP bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Sự gắn kết giữa quân và dân nơi miền biên viễn đã tạo nên thế trận Biên phòng toàn dân vững chắc, gìn giữ từng tấc đất quê hương bằng cả trái tim và trách nhiệm.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ phối hợp với cán bộ Kiểm lâm và dân quân xã tổ chức tuần tra biên giới. Ảnh: Nga Nguyễn

Cán bộ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ phối hợp với cán bộ Kiểm lâm và dân quân xã tổ chức tuần tra biên giới. Ảnh: Nga Nguyễn

Chúng tôi đến điểm Hoàng Trù Văn, bản Chảng Phàng, xã Sin Suối Hồ - nơi có ba cột mốc 83(2), 84 và 85(2) vào một ngày đầu tháng Ba. Trên các triền đồi, những nương lúa non vươn mình đón nắng, xanh mướt một màu hy vọng. Trước chuyến đi, tôi đã được cảnh báo về quãng đường vào Hoàng Trù Văn vô cùng gian nan, với những con dốc cheo leo, đường đá gập ghềnh. Dù đã chuẩn bị tinh thần, nhưng khi ngồi sau xe máy do Bí thư Chi bộ bản Chảng Phàng - một người bản địa cầm lái, tôi vẫn không ít lần phải xin xuống đi bộ vì cảm giác tim như sắp rơi ra khỏi lồng ngực mỗi khi xe trượt bánh trên triền dốc.

Với đường biên giới dài 3,947km, điểm Hoàng Trù Văn là nơi sinh sống của 57 hộ dân với 217 nhân khẩu, thuộc hai dân tộc Mông và Dao. Nơi đây ghi dấu hình ảnh những con người ngày ngày lao động mưu sinh giữa thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng vẫn luôn ý thức sâu sắc về trách nhiệm bảo vệ biên cương. Họ không chỉ miệt mài trồng trọt, chăn nuôi trên những cánh rừng, những triền đồi, mà còn là những “cột mốc sống”, kiên cường gìn giữ an ninh và chủ quyền lãnh thổ, tạo nên một biểu tượng đẹp về tinh thần yêu nước và trách nhiệm với cộng đồng. Ông Lỳ A Cù, một người dân sinh sống tại điểm Hoàng Trù Văn bộc bạch: "Chúng tôi gắn bó với mảnh đất này từ đời ông cha, làm lụng vất vả nhưng vẫn tự hào vì mình đang góp phần bảo vệ biên giới. Chỉ cần thấy có dấu hiệu lạ, chúng tôi sẽ báo ngay cho lực lượng BĐBP".

Không chỉ lao động sản xuất, người dân biên giới còn là những người bạn đồng hành đáng tin cậy của các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng trong công cuộc bảo vệ chủ quyền. Nhờ sự hiểu biết tường tận về địa hình, tập quán địa phương, họ trở thành những "tai mắt" quan trọng, giúp phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường như hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu hay những hành vi xâm phạm biên giới. Ông Chẻo Quẩy Hòa, Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ chia sẻ: "Người dân Hoàng Trù Văn thực sự là những “cột mốc sống” vững chắc nơi biên cương. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng họ không chỉ lo làm ăn, mà còn có tinh thần trách nhiệm rất cao trong việc giữ gìn an ninh biên giới. Họ chính là những người đầu tiên phát hiện và báo tin cho lực lượng chức năng khi có dấu hiệu bất thường. Bà con nơi đây coi việc bảo vệ biên giới không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là danh dự, là trách nhiệm với quê hương, đất nước”.

Mối quan hệ giữa BĐBP và người dân vùng biên không chỉ đơn thuần là sự phối hợp trong công tác bảo vệ chủ quyền, mà còn là tình cảm gắn bó keo sơn. Những chiến sĩ mang quân hàm xanh không chỉ hỗ trợ bà con trong mùa màng, phòng chống thiên tai, mà còn giúp đỡ con em địa phương trong học tập, chăm sóc y tế. Thượng tá Phạm Thanh Tùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ, BĐBP Lai Châu cho biết: "Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ đường biên giới và các cột mốc trên địa bàn ba xã: Sin Suối Hồ, Nậm Xe và Bản Lang. Những cột mốc biên giới không chỉ khẳng định chủ quyền lãnh thổ, mà còn là biểu tượng của lòng kiên cường, tinh thần đoàn kết giữa người dân và lực lượng Biên phòng. Bảo vệ và duy trì các cột mốc này là nhiệm vụ thiêng liêng, góp phần giữ vững an ninh, hòa bình cho đất nước".

Cán bộ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ phối hợp với cán bộ Kiểm lâm tuyên truyền về chủ quyền biên giới cho nhân dân trên địa bàn. Ảnh: Nga Nguyễn

Cán bộ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ phối hợp với cán bộ Kiểm lâm tuyên truyền về chủ quyền biên giới cho nhân dân trên địa bàn. Ảnh: Nga Nguyễn

Những năm qua, Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ đã triển khai hiệu quả công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát an ninh biên giới cùng lực lượng dân quân địa phương, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Trong năm 2024, đơn vị đã tổ chức 24 lần/120 lượt người (với 45 lượt dân quân) tham gia tuần tra, qua đó góp phần giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới. Bên cạnh hoạt động tuần tra, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng luôn được chú trọng. Cán bộ, chiến sĩ tích cực bám sát địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức 35 buổi họp bản với 2.847 lượt người nghe, giúp nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và tài nguyên rừng. Những việc làm thiết thực này đã góp phần xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân vững chắc, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia.

Huy động sức mạnh của toàn dân trong nhiệm vụ bảo vệ biên giới, Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ không ngừng tuyên truyền, vận động người dân tham gia gìn giữ an ninh, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở và nâng cao đời sống cho đồng bào địa phương. Hằng năm, đồn phối hợp với các đơn vị và chính quyền địa phương tổ chức Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” nhằm thắt chặt tình quân dân. Đồng thời, cùng chính quyền các xã Sin Suối Hồ, Bản Lang và Nậm Xe triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế, như hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, góp phần cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho người dân. “Chúng tôi coi người dân như người thân trong gia đình. Họ không chỉ đồng hành cùng chúng tôi bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, mà còn là cầu nối quan trọng trong công tác dân vận, cung cấp nhiều thông tin có giá trị, chung sức đồng lòng giữ vững bình yên một dải biên cương" - Thượng tá Phạm Thanh Tùng cho biết thêm.

Khi hoàng hôn dần buông, chúng tôi lưu luyến chia tay những con người nơi miền biên viễn, lòng trào dâng một cảm xúc khó tả. Vừa khâm phục ý chí kiên cường của họ, vừa trân quý sự chân chất, mộc mạc của những người dân ngày ngày gắn bó với mảnh đất này, cùng với những chiến sĩ luôn bám trụ nơi tuyến đầu. Dẫu cuộc sống còn nhiều gian nan, nhưng những con người nơi biên cương vẫn kiên trì bám đất, bám rừng, vừa lao động sản xuất, vừa bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Họ chính là những “cột mốc sống”, góp phần giữ vững sự bình yên nơi biên giới. Sự hy sinh thầm lặng của bà con dân tộc nơi biên cương này đã dệt nên bức tranh đẹp về lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm và ý chí kiên cường của con người Việt Nam.

Nga Nguyễn

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-cot-moc-song-bao-ve-chu-quyen-bien-gioi-post488242.html