Những 'cột mốc sống' nơi biên cương
Trong những ngày nắng nóng cuối tháng 5/2023, chúng tôi theo chân tổ công tác Đồn Biên phòng Tổng Cọt (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) cùng với dân quân và người dân trong xã Tổng Cọt đi tuần tra đường biên, cột mốc. Từ Đồn biên phòng Tổng Cọt, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đi xe máy khoảng hơn 8km trên con đường cấp phối lởm chởm, chúng tôi tới Chốt Kéo Sỹ - một trong 3 chốt của Đồn Biên phòng Tổng Cọt. Từ đây vào mốc 721 phải đi bộ.
Giữ bình yên phên dậu Tổ quốc
Trước mặt là những ngọn núi đứng sừng sững, đi men theo đường mòn một bên là vách núi, một bên là nương ngô của người dân trong xóm Kéo Sỹ. Giữa bạt ngàn đá núi, những nương ngô vẫn vươn mình xanh mướt mát dưới thung lũng, bất chấp cái nắng khô hạn của vùng đất Lục Khu (7 xã vùng núi cao biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Hà Quảng). Men theo con đường mòn đầy đá tai mèo, qua những nương ngô, càng đi sâu vào núi, đường đi khó dần và chúng tôi phải bám đá mà leo, thi thoảng dọc đường gặp người dân đi làm nương rẫy, hay đi chăn nuôi ngựa ở dưới thung lũng.
Thiếu tá Lương Văn Bích, Tổ trưởng kiêm chốt trưởng Chốt Kéo Sỹ, Đồn biên phòng Tổng Cọt cho biết, Chốt Kéo Sỹ phụ trách 5 mốc giới, từ mốc 718 đến mốc 723. Trong đó, mốc “dễ đi nhất” là mốc 721. Trên thực tế, đi mốc 721 “dễ đi nhất” so với các mốc còn lại là bởi ít nhất là có đường mòn lên mốc, mặc dù là đường đá lởm chởm, trời nắng còn dễ đi, khi trời mưa, mưa phùn thì đường vừa lầy, trơn trượt, đi không khéo là ngã. Còn mốc 718 và mốc 720, đường lên mốc có những dốc thẳng đứng, không có đường đi mà phải dùng gậy và bám vào vách núi để leo lên. Mỗi lần đi tuần tra đường biên, ở những điểm xa như mốc 718 đi bộ mất gần 3 tiếng mới tới mốc, cả đi và về mất 6 tiếng vượt núi.
Theo Đại úy Mai Kiên Bình, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tổng Cọt, khi có kế hoạch kiểm tra mốc 718 – 720, cán bộ chiến sĩ đi rất sớm, khoảng từ 5h30 sáng. Vượt qua 8km đường mòn, sau đó đi bộ khoảng 3 tiếng mới tới mốc giới 718. Đường đi tới mốc rất khó khăn, vất vả, bởi hiện chưa có đường mà chỉ là lối đi do dân và quân cùng mở lối, phát quang hàng tháng. Để đi lên mốc, chiến sĩ và người dân vẫn bám theo đá tai mèo, có chỗ phải leo trên vách đá cheo leo, vất vả vô cùng. Vất vả và khó khăn như vậy nhưng mỗi lần tới mốc ai cũng vui và tự hào với nhiệm vụ bảo vệ bình yên vùng biên cương nơi phên dậu của Tổ quốc.
Vượt qua 5 - 6 quả núi với gần 1h đi bộ, chúng tôi đã tới được mốc 721 trên núi Lũng Cáo. Giữa trời xanh và đá núi, tại cột mốc 721, các nghi thức được thực hiện trang nghiêm, Đại úy Mai Kiên Bình, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tổng Cọt đã thực hiện nghi thức chào báo cáo cột mốc, sau đó giới thiệu vị trí, tọa độ của cột mốc và hướng đi của đường biên giới cho cán bộ, nhân dân xã Tổng Cọt và cán bộ chiến sĩ đồn Biên phòng Tổng Cọt.
Bí thư xóm Kéo Sỹ, xã Tổng Cọt Sầm Văn Ríong cho biết, ông có 23 năm làm Bí thư xóm, cũng mấy chục năm đi tuần tra đường biên, mốc giới cùng với BĐBP. Mỗi lần đi mốc, có hôm thì vừa đi vừa phát quang đường biên, tới mốc thì lau sạch cột mốc. “Tôi thấy rất tự hào khi tham gia vào việc tuần tra biên giới, bảo vệ biên cương. Những chuyến đi như thế này mình thấy yêu quê hương, đất nước mình hơn, qua đó cũng có những trải nghiệm và câu chuyện để chia sẻ và truyền cảm hứng cho người dân qua các buổi họp xóm, để các thế hệ sẽ tiếp bước và hiểu hơn về ý nghĩa, sự thiêng liêng trong việc bảo vệ mốc giới biên cương. Đất của cha ông mình để lại thì các thế hệ sau đều cố gắng giữ gìn, đấy là trách nhiệm và tự hào của mỗi người dân, đặc biệt là bà con ở các xóm biên giới” - ông Sầm Văn Ríong nói.
Chia sẻ về sự phối hợp tuần tra biên giới, anh Trương Văn Bắc, chiến sĩ tiểu đội dân quân xã Tổng Cọt cho biết: “Mỗi lần đứng trước cột mốc biên cương tôi cảm thấy vinh dự và tự hào. Là thế hệ trẻ, gắn bó với vùng đất Cao Bằng chúng tôi càng phải học tập để hiểu thêm về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc bảo vệ biên cương Tổ quốc”.
Trưởng xóm Kéo Sỹ Đương Văn Học cũng chia sẻ với chúng tôi về tình quân dân tại đây. Xóm Kéo Sỹ chủ yếu là người dân tộc Tày, Nùng, các hộ dân sống rải rác tại các thung lũng, người dân ở đây vẫn còn nhiều khó khăn nhưng bà con luôn tuân thủ pháp luật và tích cực tham gia các các mô hình đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, tham gia vào mô hình bảo vệ đường biên. Ngoài ra, BĐBP Đồn Tổng Cọt còn hỗ trợ dân trong phát triển kinh tế, đi rẫy… Có hộ gia cảnh khó khăn, neo người khi vào mùa vụ, cán bộ chiến sĩ trong đồn Biên phòng đã xuống hỗ trợ. Hay vào mùa khô hạn này, có hộ hết nước không đi lấy được, cán bộ ở chốt Kéo Sỹ đã chia sẻ nước cho bà con… những việc làm rất nhỏ nhưng rất thiết thực đã đi vào lòng dân.
Điểm sáng kinh tế vùng biên
Ngoài bảo vệ biên cương, nhiều mô hình kinh tế ra đời ở xóm Kéo Sỹ. Tiêu biểu là mô hình chăn nuôi ngựa bạch, đó là “cứu cánh” giúp người dân trong xóm đầu tư phát triển vươn lên thoát nghèo. Nhờ sự hỗ trợ của cán bộ Biên phòng, Công an xã Tổng Cọt, người dân đã mạnh dạn đầu tư, tham gia sản xuất, cuộc sống cũng vơi bớt khó khăn hơn. Đến nay, mỗi hộ trong xóm cũng tập trung đầu tư nuôi, hộ ít thì 1-2 con, trung bình là 5-6 con.
Gặp người dân, ai cũng vui khi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ của Đồn biên phòng Tổng Cọt. Ông Lâm Văn Đại ở xóm Kéo Sỹ vui mừng cho biết, nhà ông năm nay nuôi được đàn ngựa bạch 10 con, nuôi 2 năm thì có thể bán được và nếu được giá thì có thể được 50 triệu/1 con. “Người dân trong xóm rất đoàn kết và hỗ trợ nhau trong cuộc sống, nhờ có sự tuyên truyền của cán bộ Biên phòng và Công an xã Tổng Cọt người dân đã mạnh dạn đầu tư, nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên làm giàu trên đá núi,” ông Đại nói.
Ở xã biên giới vùng Lục Khu thời tiết vốn khắc nghiệt, thiếu nước trầm trọng, ở các xóm hộ nghèo còn chiếm đa số thì những hộ như nhà ông Lâm Văn Đại đã thoát nghèo và từng bước có cuộc sống khấm khá hơn nhờ vào chăn nuôi ngựa bạch là một động lực lớn, động viên những người dân trong xóm cùng nhau đi lên. Từ đó cuộc sống của những người khác cũng sẽ tốt lên. Dân ổn định sản xuất, làm ăn có thu nhập và tham gia vào các hoạt động bảo vệ an ninh trật tự, an ninh biên giới.
Trung tá Nông Văn Ích, Chính trị viên Đồn biên phòng Tổng Cọt cho biết, trong những năm qua, người dân trong các xóm biên giới của huyện Hà Quảng đã tích cực ủng hộ và đồng hành với BĐBP trong việc tuần tra, bảo vệ mốc giới, phát quang đường biên. Mỗi một người dân là “một cột mốc sống”, là cánh tay nối dài của BĐBP trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Trong đó, ông Sầm Văn Ríong là một trong những hạt nhân tích cực tham gia bảo vệ biên giới, ông là người con của vùng đất này, gắn bó với từng khe, núi nơi đây, hiểu về từng ngọn núi, gắn bó với cột mốc biên cương hơn nửa đời người.
Trung tá Trương Văn Tuấn, Trưởng Công an xã Tổng Cọt cho biết, xã Tổng Cọt là địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, trên tuyến biên giới phức tạp về xuất nhập cảnh trái phép. Lực lượng Công an đã phối hợp rất tốt và hiệu quả với Đồn Biên phòng Tổng Cọt trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm và đó tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát đường biên mốc giới.
Với sự phối hợp chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực công tác, nhất là trong đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Công an xã và Bộ đội biên phòng đã và đang từng ngày góp phần giữ vững an ninh trật tự và đem lại cuộc sống bình yên cho các bản làng trên tuyến biên giới trên huyện Hà Quảng, Cao Bằng.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nhung-cot-moc-song-noi-bien-cuong-i696928/