Những 'cú đánh' mang tên Covid-19 giáng vào nền kinh tế toàn cầu
Các biện pháp được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 đang đẩy kinh tế thế giới rơi vào một cuộc suy thoái sâu rộng và nghiêm trọng hơn so với dự báo ban đầu.
Kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng
Thực tế này được phản ánh qua những số liệu báo cáo kinh tế mà một loạt nền kinh tế hàng đầu thế giới công bố trước khi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cập nhật dự báo về kinh tế toàn cầu, trong đó tính toán những tổn hại ban đầu kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc đầu năm nay. Ngân hàng Trung ương Pháp ước tính kinh tế nước này sụt giảm khoảng 6% trong 3 tháng đầu năm 2020 - mức yếu kém nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ 2.
Trong khi đó, các tổ chức kinh tế hàng đầu tại Đức nhận định nền kinh tế đầu tàu châu Âu này có thể sụt giảm tới gần 10% trong quý 2-2020, tức là gấp đôi mức sụt giảm năm 2009 - thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động mạnh tới Đức. Ông Philippe Waechter, nhà kinh tế thuộc Cơ quan quản lý tài sản Ostrum nhận định: “Trong 2 quý đầu năm 2020, các nền kinh tế phương Tây suy sụp”.
Mỹ ở một mức độ nào đó đi sau châu Âu trong việc triển khai biện pháp đóng cửa hoạt động kinh doanh để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, do đó quý 1 dường như không bị ảnh hưởng, nhưng quý 2 có thể sẽ cảm nhận tác động. Nhà kinh tế Philippe Waechter nhấn mạnh: “Không thể hình dung Mỹ có thể thoát tình trạng suy thoái sâu mà các nơi khác đang hứng chịu”. Thực tế là cả bang California của Mỹ - với quy mô kinh tế lớn thứ 5 thế giới, trước cả Anh và Pháp - cũng như trung tâm tài chính New York đều đang triển khai các biện pháp gắt gao để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của Mỹ.
Trong khi đó, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự báo giao dịch thương mại toàn cầu năm nay sẽ giảm từ 13% đến 32%. Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo nhận định thế giới đang đối mặt với “cuộc suy thoái kinh tế sâu nhất hoặc sự sa sút của đời sống người dân”. Thực tế thì những dự báo đưa ra đã muộn bởi từ giữa tháng 3, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody dự báo các mức suy thoái vừa phải trong năm nay - khoảng 2% đối với kinh tế Mỹ và 2,2% đối với khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu.
Nhà kinh tế trưởng của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), bà Laurence Boone cho biết mỗi tháng phong tỏa sẽ khiến GDP hàng năm giảm 2%. Để chứng minh cho nhận định này, bà Laurence Boone cho biết sản xuất theo đơn đặt hàng đã giảm từ 25 đến 30% ở tất cả các nước trong khối OECD. Đáng lo ngại là tình trạng suy thoái có thể kéo dài hơn những dự báo từ trước đến nay, và dự kiến không một quốc gia, vùng lãnh thổ nào nằm ngoài vòng xoáy suy thoái.
Covid-19 có thể đẩy 500 triệu người vào diện nghèo
Tuần qua cũng là tuần kinh tế toàn cầu biến động không ngừng, đặc biệt tại Mỹ. Chỉ trong vòng 3 tuần qua, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã tăng lên hơn 10%, trong đó có những lao động bán thời gian, lao động tự do, những nhóm đang cố gắng bám víu vào các khoản hỗ trợ thất nghiệp. Các chủ doanh nghiệp quy mô nhỏ đang trông chờ vào khoản cứu trợ liên bang cũng chỉ có thể “nằm yên bất động” đợi tiền rót về mà không thể hoạt động hay xoay xở cách nào khác trong bối cảnh mọi thứ đều ngừng trệ.
Trên toàn cầu, Oxfam cảnh báo Covid-19 có thể đẩy 500 triệu người vào diện nghèo nếu các quốc gia giàu có không “chìa tay” hỗ trợ những quốc gia kém phát triển. Tại châu Phi, giới chức lo ngại nền kinh tế đang tiến dần tới nguy cơ sụp đổ toàn diện khi hàng triệu lao động không chính thức trong các lĩnh vực như bán hàng rong, lái xe taxi và thợ cơ khí mất việc làm.
Các quốc gia cũng đang nỗ lực đẩy mạnh những phương án cứu trợ. Ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố bơm thêm 2.300 tỷ USD cho nền kinh tế nước này trong khi hầu hết các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã ủng hộ thông qua gói giải cứu trị giá 500 tỷ Euro. Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần đảm bảo rằng nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi rất nhanh sau cơn khủng hoảng vì Covid-19, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy tốc độ hồi phục khó có thể bắt kịp tốc độ tàn phá hay bù đắp được những tác động nghiêm trọng của dịch bệnh đối với nền kinh tế.
G20 nhóm họp tìm các giải pháp ứng phó dịch Covid-19
Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ nhóm họp vào ngày 15-4 tới để thảo luận và thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm ứng phó những thách thức toàn cầu do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây ra. Do diễn biến đáng quan ngại hiện nay của dịch, các hội nghị của G20 sẽ diễn ra thường xuyên hơn và dưới hình thức trực tuyến. Tại cuộc họp mới nhất (ngày 31-3), Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 đã cam kết chi hơn 5.000 tỷ USD để hạn chế thiệt hại từ dịch bệnh đối với việc làm và thu nhập, đồng thời nỗ lực hạn chế tình trạng gián đoạn nguồn cung do chính sách đóng cửa biên giới của các nước.