Những 'cú huých' giúp Bắc Ninh hấp dẫn nhà đầu tư
Hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cùng sức hút đô thị, cửa ngõ của Thủ đô, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao, chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) đứng thứ 3 cả nước... chính là những 'cú huých' giúp tỉnh Bắc Ninh hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư.
Từ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường
Theo đó, PGI là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như: Mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương; trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp; mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương; và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.
Kết quả năm đầu tiên cho thấy, vượt qua các tỉnh thành khác, Bắc Ninh được đánh giá xếp thứ 3 về chỉ số PGI, chỉ sau Trà Vinh và Lạng Sơn. Kết quả này đã phản ánh sự quan tâm sát sao của tỉnh Bắc Ninh trong các vấn đề môi trường bên cạnh sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh và cả nước.
Bên cạnh đó, PGI còn góp phần đẩy mạnh tiến trình phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam và thúc đẩy nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt được các cam kết mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (Hội nghị COP26).
Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh có 2 nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao là Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng với tổng mức đầu tư 74 triệu USD và Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp phát điện (nhà máy điện rác Ngôi sao xanh - GCEP) tổng mức đầu tư khoảng 45 triệu USD. Đây là 2 dự án nhà máy rác quan trọng của tỉnh Bắc Ninh đã được đi vào hoạt động, góp phần bảo vệ môi trường, tái tạo năng lượng, phát triển xanh bền vững cho tỉnh và đóng góp vào tín chỉ carbon của Việt Nam.
… đến “điểm sáng” về thu hút FDI
Là một tỉnh cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, trung tâm xứ Kinh Bắc cổ xưa - mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi có truyền thống khoa bảng và nền văn hóa lâu đời đã tạo cho Bắc Ninh một nền tảng vững chắc để phát triển vượt bậc, trở thành một trong 8 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, khu vực có mức tăng trưởng kinh tế cao. Cùng với đó là việc giao lưu kinh tế mạnh của cả nước đã giúp cho Bắc Ninh có nhiều lợi thế để phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Mặc dù là địa phương có diện tích nhỏ nhất cả nước, nhưng trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bắc Ninh đã đoàn kết, đột phá, năng động, đổi mới sáng tạo, nỗ lực phấn đấu và đạt những kết quả khá toàn diện, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Phúc - Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Ninh: Năm 2023, Bắc Ninh đã đạt và vượt kế hoạch 16,7% về thu hút mới vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cụ thể, cấp mới 140 dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.128,93 triệu USD (119 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 964,81 triệu USD; 21 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3.774,72 tỷ đồng tương đương 164,12 triệu USD). Theo đó, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh là 1,78 tỷ USD.
Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh đánh giá, đạt được thành tựu to lớn trên là do sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Trong đó, về công tác quy hoạch luôn đi trước một bước; quy hoạch, xây dựng các KCN Bắc Ninh gắn với hệ thống giao thông quan trọng; về môi trường đầu tư luôn được hỗ trợ thông thoáng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Với những kết quả đã đạt được, năm 2023, tỉnh Bắc Ninh được đánh giá xếp thứ 4 trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 7 cả nước về hút FDI, trở thành “điểm sáng” về thu hút FDI của cả nước.
Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết tâm thực hiện tốt chủ đề công tác năm 2023: “Đẩy mạnh xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; nâng cao đạo đức công vụ; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị và văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” và 5 quyết tâm chính trị, giải quyết 8 “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội, thu được nhiều kết quả khả quan trong phát triển kinh tế.
Cụ thể, tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, địa phương, đơn vị nhằm nâng cao vị thế của tỉnh; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân thông qua việc thành lập “Tổ công tác đặc biệt” và 5 tổ chuyên gia giải quyết khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, năm 2024 là một năm với nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội cho tỉnh Bắc Ninh nói riêng và cả nước nói chung, trong việc tận dụng cơ hội trở thành quốc gia trong chuỗi sản xuất, dịch vụ, công nghệ toàn cầu. Với vị trí địa lý đặc biệt, cửa ngõ Thủ đô Hà Nội và phát triển các KCN, trong thời gian qua, Bắc Ninh đã trở thành nơi “đáng sống” được nhiều người lựa chọn. Đây cũng là yếu tố vô cùng quan trọng để tiếp tục thu hút, phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển của toàn tỉnh, trong đó có các KCN Bắc Ninh.
Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Phúc thông tin thêm, năm 2024, Ban Quản lý các KCN tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; siết chặt kỷ cương, kỷ luật; nâng cao đạo đức công vụ và xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu.
Bên cạnh đó, đôn đốc việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch phân khu KCN; hoàn thiện thủ tục thành lập đối với KCN Tiên Sơn mở rộng (phân khu Tân Hồng - Hoàn Sơn), KCN Quế Võ và Quế Võ mở rộng (khu phát triển và khu liền kề). Kịp thời tiếp nhận kiến nghị và tham mưu giải quyết, tháo gỡ cho các doanh nghiệp sản xuất trong các KCN cũng như thu hút lựa chọn các nhà đầu tư mới.
Theo đó, để tiếp tục thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, khơi thông nguồn lực, chủ động nắm bắt cơ hội, kế hoạch năm 2024 của Ban Quản lý các KCN là phấn đấu thu hút khoảng 100 dự án thứ cấp đầu tư vào các KCN với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh đạt khoảng 1.200 triệu USD (FDI: 80 dự án với tổng vốn 1.000 triệu USD, trong nước: 20 dự án với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD).
Phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị bền vững
Quyết tâm thực hiện tốt chủ đề công tác năm 2023 về “Phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị”, tỉnh Bắc Ninh đã đẩy nhanh thực hiện và phối hợp khởi công Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; khởi công dự án các đường tỉnh kết nối thành phố Bắc Ninh qua các KCN với Quốc lộ 3 mới, cầu Hà Bắc 2; khởi công Dự án KCN Gia Bình II; thông xe cầu Kinh Dương Vương kết nối các tuyến giao thông quan trọng và các khu di tích, lịch sử của tỉnh. Tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 728/QĐ-TTg ngày 20/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045 và các quy hoạch phân khu trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Hoàn thành việc thành lập thị xã Quế Võ và thị xã Thuận Thành, nâng tỉ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 60,3% (vượt 15,3% so với kế hoạch, cao hơn 18,5% so với bình quân chung cả nước)…
Cùng tốc độ phát triển vượt bậc và quy hoạch đô thị bài bản có chiều sâu trong suốt thời gian qua, Bắc Ninh đã vươn lên trở thành địa phương có sức hấp dẫn và là “điểm sáng” trong thu hút FDI.
Tuy nhiên, để giữ vững và phát huy các thành quả đã đạt được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng nhấn mạnh, thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh cần phải tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất. Tập trung chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả; khắc phục khó khăn, tồn tại, tranh thủ thời cơ để thúc đẩy và thu hút đầu tư từ các “ông lớn”, đặc biệt là nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, cần tập trung triển khai quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và các quy hoạch phân khu, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án, công trình trọng điểm, quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, phục hồi phát triển sản xuất công nghiệp, phát triển thương mại hiện đại, dịch vụ tiện ích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm; phát triển khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh góp phần đưa tỉnh Bắc Ninh trở thành điểm đến xanh - phát triển bền vững, “hấp dẫn” các nhà đầu tư. Đồng thời, đáp ứng kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ về “Xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đóng vai trò đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội” vào năm 2030. Tầm nhìn đến năm 2045, Bắc Ninh là thành phố công nghiệp công nghệ cao, sản xuất thông minh.