Những 'cù lao tỷ phú' ở miền Tây
Giữa vùng sông rạch Đồng bằng sông Cửu Long, có hàng trăm cù lao nằm rải rác từ thượng nguồn tới hạ lưu của sông Tiền, sông Hậu, Cổ Chiên, Hàm Luông… Vài năm trở lại đây, những nơi này được mệnh danh là 'cù lao tỷ phú' bởi nông dân ở đây đã có cuộc sống khá lên từ nuôi trồng thủy sản và trồng cây trái.
“Tỷ phú” cây trái cù lao Vĩnh Long
Tìm về vùng đặc sản sầu riêng miền Tây, chúng tôi đến cù lao Dài thuộc 2 xã Thanh Bình và Quới Thiện (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long). Dải đất giữa dòng sông Cổ Chiên này trải dài 12km, diện tích khoảng 4.000ha, trong đó có hơn 1.000ha trồng sầu riêng.
Đón chúng tôi ở bến đò Quới An, dẫn đoàn đi dưới bạt ngàn bóng xanh của những vườn sầu riêng hai bên con đường nhỏ xuyên cù lao, ông Hồ Văn Trọn, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình cho biết, toàn xã có 12 ấp thì người dân 6 ấp trồng sầu riêng. Trái cây mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng cho những nông dân làm ăn giỏi như ông Phạm Văn Sinh (Ba Sinh), Huỳnh Hữu Đèo, Phạm Văn Trèo, Huỳnh Văn Điệp…
Nông dân miền Tây thu hoạch sầu riêng.
Ông Ba Sinh ở ấp Thanh Lương, một trong những nông dân giỏi trồng sầu riêng chia sẻ: “Trồng sầu riêng trái vụ hiệu quả sẽ rất lớn, bởi giá luôn ở mức cao, lên tới 80.000-100.000 đồng/kg. Vì vậy, một trái sầu riêng có thể có giá 300.000-400.000 đồng, cao hơn bất kỳ loại nông sản nào khác”.
Đến ấp Rạch Vọp xã Quới Thiện gần đó, chúng tôi vào vườn sầu riêng của gia đình chị Ngọc Mai. Chị Mai có 10 công đất trồng sầu riêng trong vườn nhà (1 công là 1.000m2). Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật và có bí quyết riêng, mỗi năm gia đình chị thu hoạch đến 200 tấn trái, thu lời hơn 1 tỷ đồng. Ông Lê Văn Bảnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết thêm, chỉ cần 4-5 công đất trồng sầu riêng, nông dân đã có thể thu về được 1 đến 1,2 tỷ đồng mỗi năm.
Tạm biệt những vườn sầu riêng trĩu quả ở cù lao Dài, chúng tôi đến xã cù lao Ninh Hòa nằm giữa sông Tiền thuộc huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long). Tại đây, ai cũng biết đến tỷ phú nông dân Võ Văn Thiện (ông Tư Thiện), 61 tuổi ở ấp Bình Hòa 2. Dẫn chúng tôi ra vườn ươm hàng trăm cây giống quý, ông Tư Thiện chia sẻ, thu nhập chủ yếu của gia đình hiện nay đến từ việc ươm giống cây nhãn Hồng Phúc và mãng cầu Hoàng Hậu, những đặc sản trái cây miền Tây cho trái to, thơm ngon, bán được giá.
Hiện mỗi năm, ông Tư Thiện bán ra thị trường vài chục nghìn cây giống, có giá 20.000-200.000 đồng mỗi cây. Trừ chi phí, ông thu lời trên 1 tỷ đồng mỗi năm. Năm 2018, ông Võ Văn Thiện đã được UBND tỉnh Vĩnh Long và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen về thành tích “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”.
Để đẩy mạnh hơn nữa phong trào làm giàu trên đất cù lao, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã thông qua Nghị quyết số 112/NQ-HĐND năm 2018 về điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, các cù lao vùng ven sông Tiền và sông Hậu sẽ trở thành những vùng chuyên canh cây ăn quả như chôm chôm, sầu riêng, nhãn, xoài, có tổng diện tích hàng nghìn héc ta.
Kiếm tiền tỷ từ nuôi trồng thủy sản
Nếu trên những cù lao nằm phía thượng nguồn các nhánh sông ở miền Tây, nông dân có xu hướng trồng cây ăn trái thì ở phía hạ nguồn, người dân cù lao lại chú trọng nuôi thủy sản. Theo tài liệu nghiên cứu của Ủy hội sông Mekong về phân bổ và sinh thái một số loài cá sông quan trọng ở hạ nguồn sông Mekong, nước sông quanh các cù lao hạ nguồn là nước lợ (có độ mặn dưới 10%), thích hợp với các loại như tôm càng xanh, tôm thẻ, cua, hàu… Đó cũng là lý do, khi xuôi về hạ nguồn sông Tiền, Cổ Chiên, Ba Lai… có vô vàn các đầm nuôi thủy sản của nông dân. Trên những cù lao nhỏ bé như cù lao Đất, cù lao Linh hay những cù lao rộng lớn như cù lao Tân Phú Đông, cù lao Dung…, những đầm nuôi thủy sản san sát nhau. Những chiếc máy bơm cánh quạt sục khí ôxy quay suốt đêm ngày trên khắp đầm nuôi.
Anh Nguyễn Văn Hiệu, 36 tuổi, ở cù lao Đất (xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), một cù lao nằm ngay nơi sông Hàm Luông đổ ra biển cho biết, mấy năm qua đã dành dụm được gần 2 tỷ đồng nhờ nuôi tôm càng xanh và sắp xây một căn nhà mới. Theo anh Hiệu, tôm càng xanh rất khỏe, ít bệnh tật và dễ nuôi. Tôm càng xanh càng nuôi lâu càng to, giá càng đắt, chuyên bán phục vụ khách hàng cao cấp.
Ông Đoàn Văn Đảnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre cho hay, với tôm càng xanh, nếu bán tại đầm, có giá 220 nghìn đồng/kg (loại 12 con/kg), tôm thẻ giá 150 nghìn đồng/kg (loại 20 con/kg), còn cua là 310 nghìn đồng/kg (loại 3 con/kg). Tính mỗi vụ, nông dân cũng thu lợi vài trăm triệu đồng trên mỗi héc ta diện tích mặt đầm.
Cũng từ nuôi trồng thủy sản 10 năm qua, anh Lâm Thành Lâm, 35 tuổi, ở ấp An Quới (xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) hiện thu được tiền lời hơn nửa tỷ đồng mỗi năm từ nuôi cá bông lau và tôm sú. Vừa bơi xuồng cho cá ăn giữa ao tôm rộng 2.000m2, anh Lâm vừa kể: “Từ năm 2018 đến nay, tôi tham gia dự án thử nghiệm nuôi cá bông lau chất lượng cao theo mô hình "Nuôi cá bông lau trong ao đất" do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ triển khai".
Với khoảng 4.000 con cá giống mà anh Lâm thả nuôi, sau 16 tháng đã cho trọng lượng khoảng 1,5kg/con, thu hoạch ước tính 6 tấn cá. Trừ chi phí, anh Lâm đã thu lời gần 400 triệu đồng. Tính cả tiền lời bán tôm thẻ chân trắng, năm qua, anh Lâm đã đạt lợi nhuận hơn nửa tỷ đồng từ nuôi thủy sản. “Tôi sẽ mở rộng diện tích nuôi cá bông lau thời gian tới, vì thu lời nhiều hơn nuôi tôm thẻ”, anh Lâm phấn khởi cho biết.
Ở miền Tây, danh sách các "tỷ phú cù lao" còn nhiều, với những con người gắn với các địa danh như cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy), cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang); hay cù lao Tam Hiệp (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre)… Có thể nói, những cù lao miền Tây ngày nay đã có sự chuyển mình rõ rệt. Đời sống người dân từ chỗ bị tách biệt với cộng đồng hai bờ, nay đã giàu đẹp hơn, góp phần tô điểm cho sự trù phú của miền Đồng bằng châu thổ Cửu Long Giang.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/952599/nhung-cu-lao-ty-phu-o-mien-tay