Những cụ ông, cụ bà nổi tiếng nhờ Internet tại Trung Quốc

Khác với suy nghĩ thông thường mạng xã hội chỉ dành cho người trẻ, xu hướng mới ở Trung Quốc đang chứng minh điều ngược lại.

Bà Sang Xiuzhu, 75 tuổi, trang điểm mỗi khi bước ra ngoài. Song đây chỉ là thói quen mới hình thành của bà.

“Tôi không trang điểm hồi còn trẻ. Tôi không có đủ tiền chi trả cho việc đó”, bà Sang tâm sự. Bà cũng phải từ bỏ ước mơ trở thành người nổi tiếng để theo nghề kỹ sư. “Những năm 1960, gia đình muốn tôi làm việc gì đó thực tế hơn. Bất kỳ công việc nào liên quan đến nghệ thuật đều không được chấp nhận”.

Dù vậy, ở tuổi về hưu, bà đã tìm được nơi thỏa mãn đam mê nghệ thuật của mình. Bà Sang là một trong những KOL (Key Opinion Leader - người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng) hàng đầu của kênh “Fashion Grandma” trên Douyin.

 Một cảnh quay từ kênh Fashion Grandma. Ảnh: Handout.

Một cảnh quay từ kênh Fashion Grandma. Ảnh: Handout.

Miếng bánh dần lớn

Fashion Grandma chuyên chia sẻ hình ảnh, video về các cụ bà ăn mặc duyên dáng, thời trang trong những bộ trang phục truyền thống Trung Quốc. Tại đất nước đề cao tinh thần kính lão đắc thọ, kênh này nhanh chóng thu hút hơn 2,9 triệu người theo dõi chỉ trong thời gian ngắn.

Giới kinh doanh công nghệ xem dân số già của quốc gia tỷ dân là mỏ vàng tiềm năng. Theo Leadbao, giai đoạn 2015-2019, quy mô mảng kinh tế chăm sóc người già tăng từ 2,4 - 4,3 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 658 tỷ USD), tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 15,2%.

Số công dân cao tuổi của quốc gia này cũng tăng lên 300 triệu trong 5 năm tới. Thị trường giải trí dành cho người già do đó cũng tăng trưởng mạnh.

He Daling, nhà sáng lập Fashion Grandma, Giám đốc điều hành mạng xã hội đa kênh Wuxianda MCN cho biết khi mới thành lập, công ty của cô đặt trọng tâm vào những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, qua thời gian, cô nhận thấy các cụ ông, cụ bà có sức thu hút hơn.

“Những video về người cao tuổi đang phá vỡ định kiến người già thường chậm chạp và thiếu tinh tế ở Trung Quốc. Các KOLs cao tuổi này cho thấy họ cũng có thể duyên dáng và xinh đẹp theo cách riêng, khác với người trẻ”, Xiao Lijun, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Letuizu cho biết.

Ban đầu, Letuizu là dịch vụ mạng xã hội cho người cao tuổi. Nhưng khi các ứng dụng như Douyin và Kuaishou nổi lên, Letuizu chuyển sang làm video ngắn.

Xiao đã tuyển 10 cụ ông, cụ bà từ một buổi trình diễn thời trang quốc gia và bắt đầu làm video liên quan đến thời trang, cuộc sống hàng ngày của những “người mẫu” này. Các video của họ đã thu hút hơn 3 triệu lượt theo dõi trên cả Douyin và Kuaishou.

 Kênh Fashion Grandma thường xuyên đăng tải video, hình ảnh các cụ bà Trung Quốc ăn mặc duyên dáng trong trang phục truyền thống Trung Quốc. Ảnh: Handout.

Kênh Fashion Grandma thường xuyên đăng tải video, hình ảnh các cụ bà Trung Quốc ăn mặc duyên dáng trong trang phục truyền thống Trung Quốc. Ảnh: Handout.

Letuizu cũng đào tạo cách tạo dáng, thời trang và diễn xuất cho các KOLs của mình. Xiao cho biết những người mẫu này cũng rất muốn tìm hiểu về các xu hướng mà giới trẻ yêu thích. Ngày càng có nhiều bình luận tích cực, thân thiện trên video có người già như “dáng người của cụ còn đẹp hơn tôi” hay “họ là những cô gái với tóc bạc mà thôi”.

Mối quan hệ giữa nhóm dân số già Trung Quốc và công nghệ cũng khá phức tạp. Đất nước này nổi tiếng vì lượng người cao tuổi thành thạo điện thoại thông minh. Tuy nhiên, khi công nghệ xâm nhập vào hầu hết khía cạnh cuộc sống hàng ngày, từ mua sắm đến giải trí, chính phủ lo ngại một số người cao tuổi có thể bị bỏ lại.

Không để ai bị bỏ lại

Giới chức Trung Quốc gần đây đã đưa ra các chính sách giúp người cao tuổi biết cách sử dụng công nghệ trong các hoạt động y tế, giải trí và dịch vụ công.

Theo Trung tâm Thông tin Internet Trung Quốc, Internet ngày càng thâm nhập vào đời sống người trung niên, cao tuổi với tỷ lệ người dùng từ 50 tuổi tăng 9,2% lên 22,8% trong 5 năm gần đây.

Theo nghiên cứu của QuestMobile, hơn 100 triệu người dùng trên 50 tuổi ở Trung Quốc đang dùng Internet di động với mức độ sử dụng 136 giờ/tháng. Thị trường phát triển cũng thúc đẩy sự ra đời của nhiều dịch vụ Internet dành cho người cao tuổi.

Mạng xã hội Tangdou còn tạo ra cộng đồng dành cho những người yêu thích "Quảng trường vũ" (điệu nhảy quảng trường) của Trung Quốc. Đây là hoạt động văn hóa được yêu thích của các cụ ông, cụ bà ở đây.

Tangdou là mạng xã hội của Tencent có hơn 200 triệu người dùng, hướng dẫn nhiều phong cách nhảy khác nhau như khiêu vũ, múa truyền thống Trung Quốc và cả Hip Hop.

Không chỉ người già, thanh niên trẻ cũng hứng thú với những video có người cao tuổi. Tài khoản Douyin của một bà cụ 67 tuổi có đến 84% người theo dõi ở độ tuổi 25-40.

 Trung Quốc nổi tiếng có nhiều người già am hiểu về điện thoại thông minh. Ảnh: Xinhua.

Trung Quốc nổi tiếng có nhiều người già am hiểu về điện thoại thông minh. Ảnh: Xinhua.

“Thật đáng kinh ngạc khi họ vẫn đẹp ở tuổi như vậy. Vẻ đẹp là thứ luôn tồn tại ở phụ nữ ”, Lin Suying, một phụ nữ 25 tuổi đến từ Chiết Giang cho biết.

Hiện tại, lượng người dùng các mạng xã hội như Douyin đa số là giới trẻ. Phần lớn ý tưởng đằng sau video các KOL lớn tuổi cũng do nhân viên trẻ tuổi tạo ra.

Tuy nhiên, độ tuổi lớn cũng là vấn đề với lĩnh vực mới nổi này.

“Tôi đang già đi, phải dùng răng giả nên nói không rõ. Nhiều hoạt động lại cần đến kỹ năng nói. Thật tiếc vì thứ khiến tôi có lợi thế lại trở thành điểm yếu. Đôi khi tôi hơi buồn vì điều đó”, bà Sang nói.

“Đối với những kênh này, người tạo nội dung càng lớn tuổi lại càng hấp dẫn. Ngoài ra, họ cũng gặp vấn đề về sức khỏe. Vì vậy, sẽ phải tốn khoảng phí lớn để đào tạo và chăm sóc", Zhang Yi, Giám đốc điều hành công ty tư vấn iiMedia Research cho biết.

Đại Việt

SCMP

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-cu-ong-cu-ba-noi-tieng-nho-internet-tai-trung-quoc-post1170002.html