Những cú sốc dầu lửa lớn trong lịch sử

Vụ tấn công vào các cơ sở lọc dầu ở Saudi Arabia ngày 14-9 vừa qua đã khiến giá dầu thế giới tăng vọt. Trước đó, một số cuộc khủng hoảng cũng đã từng làm đảo lộn việc sản xuất dầu trên thế giới…

Vụ tấn công vào các cơ sở dầu mỏ ở Saudi Arabia ngày 14-9 vừa qua đã chứng minh cho hệ thống sản xuất dầu hiện nay mong manh và có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào. Ngay sau vụ tấn công, sản lượng dầu thế giới đã bị cắt giảm 5,7 triệu thùng/ngày, đẩy giá dầu tăng lên gần 20%. Cú sốc dầu này một lần nữa gợi nhớ lại những cuộc khủng hoảng dầu trong thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI.

Năm 1979: Sự sụp đổ của triều đại Shah và sự ra đời của Cộng hòa Hồi giáo Iran

Iran là một trong những nhà sản xuất dầu lớn của thế giới từng trải qua cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có vào năm 1979. Việc thành lập Cộng hòa Hồi giáo Iran, sau sự sụp đổ của triều đại Shah, đã cản trở việc xuất khẩu dầu của nước này. Nguồn cung toàn cầu giảm đáng kể, từ 68,5 triệu thùng/ngày giảm xuống còn 5,6 triệu thùng/ngày. Nguồn cung giảm khiến giá dầu tăng lên gấp đôi.

Năm 1986: Giá dầu giảm

Trái ngược với cuộc khủng hoảng dầu năm 1973 và 1979, khủng hoảng dầu năm 1986 thực sự là một cú sốc. Nguồn cung toàn cầu vượt xa nhu cầu và dầu trở nên dư thừa. Nhờ nỗ lực của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), giá dầu giữ được ở mức ổn định. Tuy nhiên, Saudi Arabia vẫn muốn tăng sản lượng dầu. Điều này khiến cho các nước khác cũng đua nhau sản xuất “vàng đen”, khiến dầu rớt giá thảm hại, xuống dưới ngưỡng 10 USD/thùng. Tình hình chỉ được cải thiện khi các nước thành viên OPEC đạt được thỏa thuận vào năm 1987, theo đó điều chỉnh giá dầu ở mức 17 USD/thùng.

 Vụ tấn công vào cơ sở lọc dầu lớn nhất thế giới ở Saudi Arabia ngày 14-9 vừa qua khiến giá dầu tăng lên hơn 70USD/thùng. Ảnh: Le Point.

Vụ tấn công vào cơ sở lọc dầu lớn nhất thế giới ở Saudi Arabia ngày 14-9 vừa qua khiến giá dầu tăng lên hơn 70USD/thùng. Ảnh: Le Point.

Năm 1990 và 2003: Hai cuộc chiến ở Iraq

Hai lần can thiệp vào Iraq năm 1990 và 2003 của Mỹ đã gây xáo động thị trường dầu thế giới. Thị trường dầu thế giới đã biến động lớn sau khi Tổng thống Iraq thời kỳ đó là Saddam Hussein tiến hành xâm chiếm Kuwait. Hoạt động quân sự trên đã tác động đến thị trường dầu, khiến sản lượng dầu giảm xuống còn 4,3 triệu thùng/ngày.

Năm 2003, Tổng thống Mỹ khi đó là George Bush Jr. tuyên bố tấn công Iraq nhằm giải giáp vũ khí hủy diệt hàng loạt ở nước này cũng như chấm dứt sự ủng hộ của nhà lãnh đạo Saddam Hussein đối với khủng bố và giải phóng người dân Iraq". Vụ tấn công cũng khiến sản lượng dầu giảm xuống còn 2,3 triệu thùng/ngày.

Năm 2008: “Cú sốc dầu thứ ba”

Trong khi các cú sốc dầu năm 1973 và 1979 đã tác động lâu dài đến sản xuất thế giới, thì một số nhà quan sát gọi cuộc khủng hoảng dầu năm 2008 là "cú sốc dầu thứ ba trong lịch sử" khi chứng kiến giá dầu bùng nổ lên tới 147 USD/thùng - một kỷ lục chưa từng có.

Trước đó, giá dầu đã tăng đột biến từ cuối năm 2003 do nhu cầu thế giới tăng. Mặc dù OPEC đã sử dụng dầu từ kho dự trữ nhưng sau đó đã mất khả năng điều tiết giá. Cuộc khủng hoảng này đã tác động nặng nề đến nền kinh tế thế giới và phải mất một thời gian dài để phục hồi.

PHƯƠNG LINH (theo Le Point)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/su-kien/nhung-cu-soc-dau-lua-lon-trong-lich-su-591717