Những cung bậc cảm xúc cùng vở múa Kiều
Vào tối 22-6 tới đây, nhóm múa Y.O Saigon Dance Ensemble phối hợp cùng Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO) tái diễn vở múa đương đại mang tên Kiều tại Nhà hát thành phố.
Năm 2018, nhóm múa Y.O Saigon Dance Ensemble đã chọn tác phẩm nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du Truyện Kiều để dàn dựng thành một vở múa đương đại đặc sắc. Sau 2 đêm công diễn, vở múa nhận được nhiều sự ủng hộ, góp ý, chia sẻ với ê kíp về sự nỗ lực để hoàn thành một tác phẩm múa mới lạ, hấp dẫn, độc đáo.
Tác phẩm Truyện Kiều ra đời cách đây hơn 200 năm, đã tạo ảnh hưởng rất lớn đến nền văn học - nghệ thuật của người Việt Nam. Để chuyển tải hoàn chỉnh nhất Kiều với nhiều xúc cảm, biên đạo múa Yoo-Oh Chun đã dành một năm nghiên cứu, bàn bạc các ý tưởng sáng tạo cùng đạo diễn Sun-Goo Jung và các nghệ sĩ múa trẻ về tác phẩm đặc biệt này.
Bằng ngôn ngữ hình thể, các nghệ sĩ múa trẻ đã chuyển tải ấn tượng tính cách của từng nhân vật trong Truyện Kiều, tập trung vào việc miêu tả những mâu thuẫn nội tâm cùng các cung bậc tình cảm của một số nhân vật quan trọng như Thúy Kiều, Thúy Vân, Từ Hải, Kim Trọng, Đạm Tiên, Mã Giám Sinh…
Đặc biệt, nhân vật nàng Kiều do 3 nữ diễn viên múa đảm nhiệm, gồm: Hoàng Yến, Thu Trang và Tiểu Ly. Cả 3 đã thể hiện thành công số phận, tâm lý của nàng Kiều ở những giai đoạn, không gian và thời gian khác biệt.
Đó là nàng Kiều của quá khứ có nội tâm phức tạp, số phận đau thương, bị cuốn vào dòng xoáy của cuộc đời lắm thăng trầm; bên cạnh một nàng Kiều của hiện tại và nàng Kiều của tương lai với những tính cách, hành động bứt phá.
Hình ảnh nàng Kiều được thể hiện với nhiều cung bậc cảm xúc, lúc trào dâng như sóng biển khơi xa mùa dông bão, lúc lại nhẹ nhàng, sâu lắng như mặt nước hồ thu đang ngưng đọng. Vì muốn truyền tải rõ hơn cuộc sống lưu lạc phong trần và sự truân chuyên của kiếp hồng nhan, biên đạo múa đã xây dựng thêm một số phân cảnh.
“Làm việc với biên đạo múa Yoo-Oh Chun, tôi thấy bà đã dành rất nhiều tình yêu cho tác phẩm Truyện Kiều và đã xây dựng một tác phẩm múa không quá khác với những tác phẩm múa do biên đạo múa người Việt thực hiện. Tuy nhiên, ở tác phẩm của bà luôn toát lên một vẻ đẹp rất riêng. Thể hiện trên sân khấu chính là ngôn ngữ múa, ngôn ngữ hình thể, nên giữa biên đạo người Hàn Quốc và các diễn viên múa luôn có sự đồng cảm, tìm được tiếng nói chung về nghệ thuật”, biên đạo múa Phúc Hùng chia sẻ.
Tham gia trong lần tái diễn vở múa Kiều còn có sự góp sức của NSND Thanh Hoài (ca trù), nghệ sĩ Cao Hồ Nga (đàn T’rưng), Trần Khánh Tường (sáo trúc), Nghiêm Thu (đàn tỳ bà), nghệ sĩ nhạc dân tộc người Hàn Quốc Kwon-Soon Kang…
Biên đạo múa Yoo-Oh Chun cho biết: “Tôi rất thích Truyện Kiều và ngưỡng mộ đại thi hào Nguyễn Du nên từ lâu đã mong muốn tái hiện kiệt tác này bằng một vở diễn với tâm thế của xã hội hiện đại. Nhắc đến Truyện Kiều, người Việt Nam ai cũng biết, thế nên tôi muốn thể hiện những tình cảm mà tôi dành cho tác phẩm truyện thơ kinh điển này bằng một tác phẩm múa đương đại. Tôi rất vui khi được làm việc tại Việt Nam, cùng những diễn viên múa trẻ tài năng và tôi hy vọng, sự hợp tác của chúng tôi sẽ tiến xa và phát triển nhiều hơn nữa trong tương lai”.
Cần nói thêm, những năm qua, tại TPHCM, biên đạo múa Yoo-Oh Chun được biết đến với sự đóng góp tích cực trong các tác phẩm múa tạo được sự chú ý của công chúng như: 800 hẹn ước, Công chúa Mị Châu, Huyền thoại nữ nhân…
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhung-cung-bac-cam-xuc-cung-vo-mua-kieu-599056.html