Những cung đường của khát vọng phát triển
Đúng vào dịp kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đồng Nai sẽ đón nhận tuyến đường cao tốc thứ 2 trên địa bàn được đưa vào khai thác đó là tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Sau hơn 50km của tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, sẽ có thêm hàng chục km đường cao tốc khác tiếp tục thành hình trên địa bàn tỉnh để mở ra những cơ hội phát triển mới.
Trước thời điểm đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được thông xe, Đồng Nai mới chỉ có khoảng 40km đường cao tốc từ tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Khơi thông động lực phát triển vùng cửa ngõ
Nếu Đồng Nai được xem là cửa ngõ phía Đông của TP.HCM thì H.Xuân Lộc chính là cửa ngõ phía Đông của Đồng Nai. Với vị trí đó, H.Xuân Lộc có vị trí rất quan trọng trong quá trình giao thương, phát triển của tỉnh nói riêng và đô thị lớn TP.HCM nói chung.
Khi các dự án giao thông của quốc gia, vùng, tỉnh hoàn thành kết nối sân bay Long Thành và các vùng lân cận sẽ giúp Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các vùng lân cận có đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Mặc dù vậy, nhiều năm qua, “cánh cửa” vùng phía Đông của tỉnh gần như chỉ có tuyến quốc lộ 1 là tuyến giao thông đối ngoại duy nhất. Đây cũng là một trong những “điểm nghẽn” lớn kìm hãm sự phát triển. Chính vì vậy, với việc tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thông xe và đưa vào khai thác được kỳ vọng mở ra cơ hội phát triển lớn đối với H.Xuân Lộc và toàn tỉnh.
Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có tổng chiều dài 99km; trong đó, đoạn qua địa bàn Đồng Nai có chiều dài hơn 51km. Dự án được khởi công vào tháng 9-2020. Trải qua nhiều khó khăn trong quá trình thi công, đến nay dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang bước vào giai đoạn hoàn thành.
Theo ông Phạm Hùng Thái, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đến thời điểm này, tiến độ thi công dự án đã đạt xấp xỉ 95%. Hiện các đơn vị thi công đang cố gắng tăng tốc để hoàn thành các khối lượng công việc còn lại trên tuyến chính nhằm đưa dự án vào khai thác đúng dịp lễ 30-4.
Những ngày này, công nhân của các đơn vị thi công đang nỗ lực triển khai hoàn thành các hạng mục còn lại của tuyến chính đường cao tốc. “Vào dịp 30-4, các tuyến chính, nút giao, cầu vượt ngang có đường dân sinh thuộc tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ được đưa vào vận hành khai thác” - ông Thái cho biết.
Chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên cho rằng, với đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, địa phương sẽ có thêm một trục giao thông đối ngoại quan trọng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào vận hành còn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Đồng Nai cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bởi dự án sẽ giúp rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến các trung tâm kinh tế, du lịch, mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực Nam Trung bộ. Dự án còn khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trong khu vực, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa khu vực đầu mối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực Đông Nam bộ và Nam Trung bộ, cũng như từ Bắc vào Nam. Đây là điều kiện quan trọng để thu hút đầu tư và góp phần khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.
Sẽ có thêm nhiều trục giao thông mang tính đột phá
Dự kiến, trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm 2 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia được khởi công xây dựng là Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) và Đường vành đai 3 - TP.HCM. Đây là 2 dự án giao thông đặc biệt quan trọng không chỉ với Đồng Nai mà còn của cả vùng Đông Nam bộ.
Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài gần 54km; trong đó, đoạn đi qua địa bàn tỉnh có chiều dài khoảng 34km. Với Đồng Nai, Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là một trong những dự án hạ tầng giao thông được chờ đợi nhất. Không chỉ giúp giảm tải cho tuyến quốc lộ 51, đây còn là trục giao thông mang tính đột phá phát triển khi kết nối các “điểm nóng” tăng trưởng của tỉnh gồm: TP.Biên Hòa, H.Long Thành; H.Nhơn Trạch với một trong những cụm cảng biển lớn nhất cả nước là Cái Mép - Thị Vải. Trong tương lai, đây cũng là trục giao thông chính kết nối cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành với cảng biển Cái Mép - Thị Vải.
Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nguyễn Linh cho biết, đối với dự án thành phần 1 do tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư, đường gantt công việc đang được các cơ quan liên quan bám sát thực hiện. Dự kiến, trong tháng 4 sẽ hoàn thành khâu trình thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán và cuối tháng 5 sẽ phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán. “Các bước lập, trình, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đấu thầu các gói thầu xây lắp sẽ được tiến hành trong tháng 6 để đảm bảo khởi công dự án vào ngày 30-6 tới” - ông Nguyễn Linh cho hay.
Tương tự như tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường vành đai 3 - TP.HCM kết nối 4 địa phương Đồng Nai - Bình Dương - TP.HCM - Long An cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột phá phát triển cho Đồng Nai, đặc biệt là khu vực đô thị mới Nhơn Trạch. Với tầm quan trọng đó, các dự án trên cũng đang được các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các thủ tục để khởi công xây dựng.
Theo Bộ GT-VT, dự án Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây giai đoạn 1 hoàn thành và đưa vào khai thác từ tháng 6-2016 với quy mô 4 làn xe thì hiện nay đoạn từ nút giao An Phú (TP.HCM) đến H.Long Thành đã khai thác vượt năng lực thông hành.
Theo quy hoạch, đoạn TP.HCM - Long Thành có quy mô 10 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030. Vì vậy, Bộ GT-VT đang chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) hoàn thiện phương án nghiên cứu mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành, phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác đồng thời với sân bay Long Thành.