Những cung đường mùa xuân

Giao thông được ví như mạch máu của sự sống, đem tới sự đổi thay cho những miền đất. Trên hành trình phát triển, Gia Lai đang nỗ lực tạo nên những 'mạch máu lớn' để tiến nhanh hơn, chắc hơn.Kết nối vùng biên giơíBa huyện vùng biên: Ia Grai, Đức Cơ và Chư Prông như những cánh quạt lớn xòe ra từ trung tâm TP. Pleiku và được kết dính bởi quốc lộ 14C, đường liên huyện Chư Păh-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông và đường Hồ Chí Minh đoạn tránh đô thị Pleiku.

Lãnh đạo Sở Giao thông-Vận tải và lãnh đạo các địa phương tại lễ động thổ dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 25. Ảnh: Lê Hòa

Lãnh đạo Sở Giao thông-Vận tải và lãnh đạo các địa phương tại lễ động thổ dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 25. Ảnh: Lê Hòa

Nhiều năm trước, nhu cầu giao thương còn thấp, nguồn lực đầu tư còn có hạn chế nên tỉnh chủ yếu tập trung hoàn thiện hệ thống đường trục chính kết nối TP. Pleiku với các huyện biên giới. Đó là tuyến quốc lộ 19 nối TP. Pleiku-Đức Cơ, tỉnh lộ 664 nối TP. Pleiku-Ia Grai, tỉnh lộ 663 và 665 nối TP. Pleiku-Chư Prông. Sự kết nối này đã tạo sức bật cho các địa phương vùng biên phát triển. “Nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội cũng như đảm bảo quốc phòng-an ninh trong tình hình mới đã đặt ra cho địa phương cần phải gấp rút xây dựng hệ thống đường ngang để gia tăng kết nối liên huyện, rút ngắn khoảng cách đi lại. Đồng thời, tạo hành lang nhằm gia tăng mối liên kết giao thương, phát triển kinh tế cho các địa phương trên tuyến biên giới trong tương lai”-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải Lê Văn Hạnh khẳng định.

Trước yêu cầu đó, quốc lộ 14C đoạn qua tỉnh Gia Lai có điểm đầu tại Km 107 (vị trí bờ Bắc sông Sê San, giáp địa phận tỉnh Kon Tum), điểm cuối tại Km 202 (bờ Bắc sông Ia Hlốp, giáp địa phận tỉnh Đak Lak) được hình thành trên nền tảng như một “phiên bản” của đường Trường Sơn Tây (hình thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chạy song song với đường Trường Sơn Đông và phần nhiều nằm phía bên kia biên giới Campuchia và Lào). Tuyến đường được xây dựng phục vụ mục tiêu kép là đảm bảo an ninh khu vực biên giới và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực đường biên. Đây cũng là tuyến giao thông kết nối liên vùng 3 tỉnh Kon Tum-Gia Lai-Đak Lak dọc theo tuyến biên giới.

Lùi sâu vào nội địa chừng 30 km, tuyến đường liên huyện Chư Păh-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông đang được kỳ vọng tạo nên sự bứt phá cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. Tuyến đường dài 114 km, quy mô đường cấp IV miền núi, tổng mức đầu tư 880 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Tiếp đến, đường Hồ Chí Minh đoạn tránh đô thị Pleiku chạy qua địa bàn 4 huyện: Chư Păh, Ia Grai, Pleiku và Chư Prông- “bản demo” cho một tuyến cao tốc có thể được hình thành trong tương lai. Tổng mức đầu tư tuyến đường này hơn 844,5 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, là một trong những dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn Ngọc Hồi-Buôn Ma Thuột-Đồng Xoài-Chơn Thành.

Để Gia Lai cất cánh

Đầu năm 2020, TP. Pleiku được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Để đạt được kết quả này, TP. Pleiku đã nỗ lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng đô thị, trong đó đặc biệt chú trọng nâng cấp, phát triển hạ tầng giao thông. Ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 11-8-2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ, thành phố đã đầu tư nâng cấp và mở rộng 108 tuyến đường giao thông với chiều dài hơn 55 km; xây dựng hơn 253 tuyến đường hẻm và giao thông nông thôn với chiều dài hơn 64 km. Đến nay, 100% tuyến đường đã được đặt tên; hơn 61% đường hẻm đã được thảm nhựa, bê tông hóa. Những nỗ lực này đã tạo nên diện mạo đô thị ngày càng khang trang, xanh-sạch-đẹp, hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại, giao thương phát triển kinh tế của người dân, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả tỉnh nói riêng, Bắc Tây Nguyên nói chung.

Đơn vị thi công tiến hành thảm bê tông nhựa đường Hồ Chí Minh-đoạn tuyến tránh đô thị Pleiku. Ảnh: Lê Hòa

Đơn vị thi công tiến hành thảm bê tông nhựa đường Hồ Chí Minh-đoạn tuyến tránh đô thị Pleiku. Ảnh: Lê Hòa

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2021-2026, tỉnh ta tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư xây dựng các dự án giao thông trọng điểm, cấp bách. Trong đó phải kể đến Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (do Bộ Giao thông-Vận tải làm chủ đầu tư) nâng cấp toàn tuyến quốc lộ 19 từ Bình Định-Gia Lai; Dự án nâng cấp, cải tạo các đoạn còn lại trên quốc lộ 25; Dự án cải tạo, nâng cấp 2 tuyến tỉnh lộ 668 (Gia Lai) và tỉnh lộ 695 (Đak Lak) để hình thành tuyến quốc lộ giao thông kết nối liên vùng…
Ngoài ra, tỉnh còn dành hàng trăm tỷ đồng đầu tư nâng cấp các tỉnh lộ: 662B (huyện Phú Thiện-Ia Pa), 663, 664, 665 (huyện Chư Prông) và 666 (huyện Mang Yang). Đặc biệt, nối tiếp Dự án đầu tư xây dựng công trình đường liên huyện Chư Păh-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông vừa được hoàn thành, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông với tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương. Tuyến đường có tổng chiều dài 32,75 km, kết cấu đường bê tông nhựa, mặt đường rộng 5,5 m; dự kiến thời gian thực hiện dự án trong 3 năm (2020-2022).

“Với sự ưu tiên dành nguồn lực không nhỏ cho đầu tư hạ tầng giao thông, Gia Lai sẽ có sức bật cần thiết để vươn lên phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”-ông Lê Văn Hạnh tin tưởng.

HẢI LÊ

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12400/202101/nhung-cung-duong-mua-xuan-5721424/