Những cuộc đời sau khói lửa chiến tranh

Mỗi câu chuyện được chia sẻ tại buổi tọa đàm 'Tri ân cựu thanh niên xung phong – Thời hoa lửa' là một lát cắt xúc động về những người đã cống hiến cả tuổi xuân nơi tuyến lửa.

Chuyện chưa kể ở "tọa độ lửa"

Chiều 22/7, tham dự tọa đàm “Tri ân cựu thanh niên xung phong - Thời hoa lửa” do Báo Tiền Phong phối hợp với Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức, nhà thơ, cựu TNXP Yến Thanh đã mang theo mình những câu chuyện chưa từng kể về một thời máu lửa tại Ngã ba Đồng Lộc.

“Trong 10 cô gái thanh niên xung phong có Trần Thị Hường, biệt danh là sơn ca. Hường được biết đến là con chim đầu đàn của đội văn nghệ, hát hay, hò giỏi và luôn thắp lửa tinh thần cho chị em. Còn Hồ Thị Cúc, đó là cô gái hiền lành, ít nói, bị bỏng nặng từ khi lên 8 tuổi, được nhiều chị em mến nhất vì hiền hậu, ít nói, chăm chỉ. Ngoài ra cô gái Nguyễn Thị Nhỏ, mồ côi cha mẹ từ năm ba tuổi, lớn lên nương tựa vào chị. Dù cuộc sống khó khăn, vất vả chị em luôn kiên cường vượt qua…” nhà thơ Yến Thanh gợi mở câu chuyện.

Bước đến tuổi 80, cựu TNXP Yến Thanh (tên thật Nguyễn Thanh Bính) vẫn minh mẫn, rắn rỏi. Từng khoảnh khắc về ký ức nơi 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc đã hóa thân vào đất mẹ vẫn in đậm trong tâm trí người cán bộ kỹ thuật đường năm đó.

 Nhà thơ, cựu TNXP Yến Thanh chia sẻ tại tọa đàm.

Nhà thơ, cựu TNXP Yến Thanh chia sẻ tại tọa đàm.

“Tiểu đội 4 - C552 do liệt sĩ Võ Thị Trần làm tiểu đội trưởng thành lập năm 1967, ban đầu có 17 người, sau đó luân chuyển đơn vị. Đến năm 1968 chỉ còn 10 lại cô gái, mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi niềm riêng. Nhưng họ cùng chung một lý tưởng đó là sống và chiến đấu vì độc lập dân tộc”, nhà thơ Yến Thanh chia sẻ.

Theo chia sẻ của nhà thơ Yến Thanh, ông nhập ngũ vào năm 1965, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Thủy bộ Hà Nội. Nhận nhiệm vụ làm cán bộ kỹ thuật lực lượng TNXP, trong 6 năm (1965-1971) ông cùng đồng đội vào sinh ra tử ở trọng điểm Ngã ba Ðồng Lộc trong thời khắc ác liệt nhất.

“Là cán bộ kỹ thuật, nhưng có năng khiếu văn nghệ nên tôi còn viết thơ, sáng tác, biểu diễn cùng đội văn nghệ, góp giọng ca của mình vào những tháng ngày “tiếng hát át tiếng bom” giữa chiến trường của TNXP thời đó”, nhà thơ Yến Thanh cho biết.

Từng tham gia vào chiến trường, chứng kiến những hình ảnh pháo sáng trên đầu, bom nổ chậm dưới chân, nhưng nhà thơ Yến Thanh vẫn khẳng định thanh niên ngày đó sống vì lý tưởng cách mạng. Đó chính là niềm tin giúp những người lính vượt qua khó khăn, gian khổ.

“Chiến tranh khốc liệt, pháo sáng trên đầu, bom chậm dưới đất. Nhưng lòng chúng tôi trắng trong như giấy trắng. Tuyệt đối tin vào Đảng, chính niềm tin đó khiến chúng tôi khổ mấy cũng vượt qua”, nhà thơ Yến Thanh trải lòng.

Nữ cảm tử bom mìn và giấc mơ có chiếc xe đẩy

Chân bị chấn thương do di chứng chiến tranh để lại, cựu TNXP Lê Thị Nhị (79 tuổi, trú xã Lộc Hà, Hà Tĩnh),tham dự tọa đàm trong sự dìu dắt của các đoàn viên thanh niên. Cựu TNXP Lê Thị Nhị, là nhân vật trong bài thơ nổi tiếng “Gửi em, cô thanh niên xung phong” của nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Người đời gọi bà với cái tên ấm áp “o Nhị”.

Tham gia chương trình trong màu áo lính, o Nhị bày tỏ sự vui mừng khi được gặp lại những đồng đội cùng chiến tuyến sau nhiều năm xa cách. “Vui lắm, cả đêm háo hức, hồi hộp chờ đợi để tham gia chương trình vì có thể được gặp lại đồng đội xưa”, o Nhị tâm sự.

 O Nhị xúc động chia sẻ tại tọa đàm.

O Nhị xúc động chia sẻ tại tọa đàm.

O Nhị, người từng trốn gia đình trong đêm để nhập ngũ vào chiến tuyến vào năm 1967. O nhận nhiệm vụ làm đường, vận chuyển hàng hóa, đạn dược vào miền Nam tại tuyến đường chiến lược 15A. Điều đặc biệt, o còn tình nguyện vào đội cảm tử rà phá bom mìn. Tại chương trình, câu chuyện o chia sẻ về cuộc đời mình và người mẹ thân thương đã khiến nhiều người không cầm được nước mắt.

“Đêm tôi lên đường, tôi phải trốn vì mẹ không cho tôi nhập ngũ. Đến lúc tôi tham gia chiến trường được một thời gian, khi nghe tin tôi xung phong vào đội cảm tử, rà phá bom mìn, mẹ đi bộ hàng chục km để đến đơn vị để xin cho rút khỏi đội cảm tử”, o Nhị chia sẻ.

O Nhị nhớ lại cuộc gặp mặt giữa hai mẹ con tại lán trại của đơn vị. Người khoác màu áo lính với gương mặt rám nắng chiến trường, người tần tảo lo cho con gái đến xanh xao, gầy guộc.

“Mẹ ôm tôi khóc rồi nói “rà phá bom mìn là nguy hiểm nhất con không biết à”. Nhưng tôi ôm mẹ rồi động viên “nếu con hy sinh thì đó là niềm vinh dự của mẹ vì đã có người con cống hiến cho Tổ quốc”. Nghe xong, mẹ bật khóc, rồi sau đó lặng lẽ quay về quê, còn tôi ở lại tiếp tục làm nhiệm vụ”, o Nhị kể lại.

Sau 4 năm tham gia chiến trường, đến năm 1972, o rời quân ngũ, làm công nhân hợp tác xã, rồi buôn bán nhỏ nuôi mẹ già. Không chồng, không con, nay bà sống đơn độc, tuổi cao, sức yếu, mọi sinh hoạt đều khó khăn. “Giờ chân đi lại khó khăn. Tôi không cần gì nhiều, chỉ mong có một chiếc xe đẩy để tiện đi lại, tự chăm sóc bản thân,” o Nhị rưng rưng.

Những mong mỏi

Tại buổi tọa đàm, cựu thanh niên xung phong Trần Thị Châu Lệ - nguyên Đội trưởng đội C538, xúc động hồi tưởng về những năm tháng tuổi trẻ gắn bó với tuyến đường chiến lược 21. Tại tuyến đường chiến lược này, bà đã cùng đồng đội mở đường, vận chuyển hàng hóa tiếp tế cho chiến trường miền Nam.

Năm 1969, cô gái trẻ Châu Lệ tình nguyện gia nhập lực lượng TNXP, nhận nhiệm vụ san lấp hố bom, thông tuyến để xe ra vào mặt trận. Một thời gian sau đó nữ TNXP được điều động lên Hương Khê, bốc xếp hàng hóa tiếp tế vào chiến trường miền Nam. “Có những thùng đạn nặng tới 50kg, hai người hai bên tưởng chừng không thể vác nổi, nhưng rồi cũng thành quen. Sáu tháng sau, tôi được điều vào Quảng Trị, cùng bà con đắp đập, làm thủy lợi, cày cấy, hỗ trợ người dân", cựu TNXP Trần Thị Châu Lệ kể lại.

 Cựu thanh niên xung phong Trần Thị Châu Lệ, nguyên Đội trưởng đội C538 chia sẻ.

Cựu thanh niên xung phong Trần Thị Châu Lệ, nguyên Đội trưởng đội C538 chia sẻ.

Nhắc đến ký ức đau thương nhất đời mình, bà Lệ nghẹn ngào nói: “Ngày 18/9/1972, đơn vị tôi vừa ra hiện trường để làm nhiệm vụ tại đường chiến lược 21 thì máy bay địch trút bom. Thời điểm này 6 nữ đồng đội hy sinh tại chỗ. Chúng tôi chỉ tìm thấy thi thể hai người, còn bốn chị em mãi mãi nằm lại nơi chiến trường, nằm lại rừng sâu, đến bộ quần áo cũng không tìm thấy”.

Để tri ân đồng đội, năm 2020, những người trong đơn vị đã góp công, góp của dựng một am thờ nhỏ tại chính nơi 6 nữ TNXP đã ngã xuống. "Vị trí này nằm ở rừng sâu, phải đi bộ một quãng đường dài vì chưa có đường. Thời gian qua chúng tôi cũng gom góp từ các tấm lòng để tôn tạo lại am thờ và dựng mái tôn, nhưng nơi này hiện vẫn còn đơn sơ, việc bảo tồn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi mong nơi này được quan tâm, tôn tạo thành một địa chỉ đỏ để tri ân những người đã ngã xuống", bà Lệ chia sẻ.

 Bà Phương chia sẻ tại tọa đàm.

Bà Phương chia sẻ tại tọa đàm.

Tại chương trình, ánh mắt cựu TNXP Ngô Thị Phương (phường Đại Nài) cũng tràn ngập niềm xúc động khi kể về cuộc đời của mình: "Sau chiến tranh, tôi sinh được 4 người con. Nhưng con cả mất vì tai nạn, con út bị tật nguyền bẩm sinh, còn chồng tôi mất sớm. 32 năm qua, một mình tôi nuôi con trong căn nhà cấp 4 dột nát".

Bà Phương cho biết, giờ đây, khi sức khỏe yếu, bà chỉ mong các cấp, những nhà hảo tâm tiếp tục hỗ trợ Hội Cựu TNXP để hội có điều kiện giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. “Không phải cho tôi, mà là cho những đồng đội tôi, những người vẫn đang còn nằm lại tại chiến trường", bà Phương chia sẻ.

Hoài Nam - Trọng Tài - Phạm Trường - Đỗ Quyên - Ngọc Tú - Thu Hiền

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-cuoc-doi-sau-khoi-lua-chien-tranh-post1762732.tpo