Những cuộc gặp 'không bên lề'

Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa kết thúc ở Osaka (Nhật Bản) cũng không thoát khỏi xu hướng chung của các hội nghị gần đây. Đó là có nhiều sự trông đợi vào các cuộc gặp song phương bên lề hơn là hy vọng dành cho cuộc hội tụ trên một diễn đàn lớn giữa tất cả các nước thành viên.

Kể từ lần “hẹn hò” đầu tiên 10 năm về trước giữa các thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (gọi tắt là G20), dấu ấn đẹp nhất còn đọng lại chính là Hội nghị thượng đỉnh G20 2009 với điểm hẹn London, đã vạch ra một kế hoạch phục hồi nền kinh tế thế giới trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Nhưng từ sau lần đó, các Hội nghị thượng đỉnh G20 dần trở nên mờ nhạt bởi không có thêm quyết định chung, cụ thể nào được đưa ra để cải thiện tình hình kinh tế toàn cầu theo đúng mục tiêu chung của hội nghị được tổ chức hằng năm.

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản. Ảnh: THX/ TTXVN

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản. Ảnh: THX/ TTXVN

Thậm chí, một thất bại lớn nhất gần đây của G20 vẫn hay được nhắc tới là việc từ bỏ cam kết “chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ” và sự phản ứng yếu ớt của nhóm trước những thách thức toàn cầu dưới sức ép của Mỹ.

Người ta đổ lỗi cho việc diễn đàn này đã thiếu trọng tâm khi mở rộng các chủ đề của chương trình nghị sự, trong khi số lượng thành viên quá đông và quá đa dạng để có thể đạt được sự thấu hiểu chung.

Ở hội nghị Osaka, với một loạt chủ đề vĩ mô mà nước chủ nhà Nhật Bản xác định là ưu tiên trong chương trình nghị sự chính, từ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, thúc đẩy thương mại và đầu tư làm động lực tăng trưởng, khuyến khích đổi mới, hành động vì biến đổi khí hậu… giới phân tích đánh giá Hội nghị thượng đỉnh G20 Osaka có thể trở thành hội nghị quan trọng nhất, kể từ lần gặp ở London 2009. Nhưng có điều nghịch lý, cũng như cách người ta trông đợi vào các cuộc gặp song phương hơn là các cuộc họp chính thức, hội nghị được đánh giá cao, chủ yếu lại là vì nó diễn ra trong bối cảnh có nhiều vấn đề nóng được đề cập bên lề tại những cuộc gặp song phương.

Điển hình nhất như cuộc thương chiến Mỹ-Trung nóng bỏng, mọi con mắt đổ dồn vào cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ khi người ta còn chưa biết chắc nó có diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 Osaka hay không. Cho dù khó khăn, cuộc gặp dù thế nào cũng được trông đợi sẽ khiến hai nền kinh tế đầu tàu thế giới giảm bớt những tranh chấp thương mại, đang khiến thế giới lo ngại vì những tác động của nó.

Cùng với đó là một loạt điểm nóng được đề cập nhưng không phải trên diễn đàn chính thức G20, như căng thẳng Mỹ-Iran, cuộc xung đột ở Syria, khủng hoảng ở Ukraine… Trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 Osaka, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thảo luận một loạt vấn đề song phương và toàn cầu, như: Iran, thương mại, quốc phòng… Đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang tồn tại nhiều bất đồng như vấn đề thuế quan hay mua vũ khí của Nga, Osaka đã trở thành “điểm hẹn” lý tưởng để khẳng định “tình bạn” giữa Ấn Độ và Mỹ theo như cách nói của nhà lãnh đạo Donald Trump: “Chúng ta đã trở thành những người bạn lớn và hai nước chúng ta chưa bao giờ gần nhau hơn lúc này”.

Osaka cũng trở thành nơi minh chứng cho tình đồng minh được chứng minh là “không bỏ được nhau” Mỹ-Nhật. Tại cuộc gặp bên lề giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với Tổng thống Donald Trump, hai bên khẳng định mong muốn “củng cố và mở rộng sự hợp tác liên minh Mỹ-Nhật trên toàn cầu”. Ngoài việc khẳng định sự hợp tác Mỹ-Nhật sẽ đem lại kết quả cho Hội nghị thượng đỉnh G20, ông Shinzo Abe khẳng định các vấn đề toàn cầu sẽ không thể giải quyết nếu thiếu sự hợp tác của hai nước. Nhà lãnh đạo Nhật Bản không hề “quá lời” vì dù sao đất nước Mặt Trời mọc cũng là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, còn đồng minh Mỹ là nền kinh tế số 1 thế giới.

Đó là chưa kể tới cuộc gặp trước cả khi Hội nghị thượng đỉnh G20 Osaka diễn ra giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Shinzo Abe. Hai nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới (Trung Quốc) và thứ 3 thế giới (Nhật Bản) đã đạt được thỏa thuận 10 điểm nhằm cùng thúc đẩy phát triển bền vững mối quan hệ song phương.

Cũng cần phải nhắc tới cuộc gặp bên lề giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump, nơi hai bên đã “trao nhau” những cử chỉ thiện chí, biến những xích mích cũ trở nên nhẹ nhàng qua những câu đùa hài hước. Trong một phản ứng hóm hỉnh nhằm vào Tổng thống Putin khi phóng viên hỏi liệu Tổng thống Trump có nêu vấn đề can thiệp bầu cử Mỹ khi gặp ông Putin hay không, nhà lãnh đạo Mỹ đã cười lớn, chỉ tay nói với người đồng cấp Nga “đừng có can thiệp bầu cử”, khiến Tổng thống Putin cũng phải bật cười. Thiện chí hợp tác giữa Mỹ và Nga có vai trò quan trọng đối với cuộc khủng hoảng ở Syria là điều không thể phủ nhận.

Với sự họp mặt của đầy đủ nguyên thủ quốc gia hàng đầu thế giới, các cuộc họp chính thức không tránh khỏi bị lép vế so với những cuộc gặp bên lề, nhưng có vai trò “không bên lề” chút nào ở Hội nghị thượng đỉnh G20 Osaka. Nhất là trong bối cảnh tình trạng bất đồng thương mại gia tăng đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cùng với những nguy cơ từ căng thẳng Mỹ-Iran, cuộc khủng hoảng Syria…, rõ ràng thành công của các cuộc gặp song phương sẽ có tác động tích cực đối với các vấn đề nóng toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh G20 nói chung, Hội nghị thượng đỉnh G20 Osaka nói riêng, cho dù thế nào cũng mở ra một diễn đàn rộng lớn, khuyến khích các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận những vấn đề gây tranh cãi, tiến tới thu hẹp bất đồng. Sự hòa thuận giữa các “ông lớn” luôn khiến thế giới thanh bình và ổn định hơn.

MỸ HẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/nhung-cuoc-gap-khong-ben-le-581176