Thủ lĩnh tối cao bị ám sát, Hezbollah sẽ trả thù như thế nào?
Sau khi lực lượng Hezbollah xác nhận thủ lĩnh tối cao Hassan Nasrallah đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel, câu hỏi đặt ra là liệu họ có thể làm gì tiếp theo?
Trong vòng 72 giờ tới, các chỉ huy của Hezbollah có khả năng sẽ đánh giá tình hình lực lượng, mức độ an toàn để liên lạc và gặp gỡ, cũng như xác định khả năng chịu đựng của tổ chức khi tìm cách lên kế hoạch trả đũa.
Điều chưa thể xác định là bao nhiêu tên lửa của Hezbollah đã bị phá hủy trong đợt không kích của Israel suốt hai tuần qua.
Hezbollah đã thể hiện khả năng chịu đựng đáng ngạc nhiên trong vài tháng qua và có thể đang có cái nhìn xa hơn. Phương Tây và Israel cần cảnh giác trước sự thay đổi tốc độ rõ ràng trong việc làm giàu uranium của Iran, đồng thời chú ý đến nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân ở một khu vực vốn đang trên bờ vực thẳm, theo CNN.
Lựa chọn của Israel
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là các bước đi tiếp theo của Israel. Israel dường như nắm được thông tin rất chính xác về vị trí của các lãnh đạo Hezbollah, và điều này có thể đồng nghĩa với việc họ cũng biết rõ nơi mà Hezbollah cất giữ kho vũ khí.
Israel đã cho thấy họ có lợi thế về tình báo, sức mạnh quân sự, và khả năng chịu đựng sự lên án từ cộng đồng quốc tế. Song điều này có nguy cơ biến hai tuần không kích tàn bạo thành một tổn thất dài hạn đối với uy tín của Israel.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang đứng trước một sự lựa chọn mang tính quyết định. Liệu hai tuần qua có giúp ông củng cố uy tín an ninh trong nước và sẵn sàng đối mặt với những cáo buộc chống lại ông? Hay liệu ông sẽ tiếp tục cho rằng việc kéo dài cuộc chiến mà không có định hướng chiến lược rõ ràng là con đường tốt nhất?
Tầm nhìn rộng hơn cần phải thắng thế. Người dân Lebanon và các nước láng giềng phía nam cần một giải pháp chính trị và lệnh ngừng bắn ngay bây giờ, bất kể điều đó có ý nghĩa gì đối với số phận của giới tinh hoa chính trị ở Israel hiện nay.
Cho đến nay, các cuộc tấn công của Hezbollah chưa gây ra thiệt hại đáng kể và rõ ràng nào cho các mục tiêu Israel. Song điều đó có thể sẽ xảy ra nếu các lãnh đạo của Hezbollah quyết định phải phô diễn sức mạnh quân sự để cứu vãn tinh thần và duy trì vị thế trong khu vực. Nhưng nếu họ cố gắng phô diễn sức mạnh và thất bại, do bị Israel đánh chặn, điều đó chỉ càng khiến uy tín của họ bị đe dọa.
Sự chú ý đổ dồn vào Iran
Một câu hỏi quan trọng khác ở thời điểm này là Iran sẵn sàng bị lôi kéo vào cuộc xung đột này đến mức nào, theo Guardian.
Tất cả sự chú ý giờ đây sẽ đổ dồn vào phản ứng của Tehran. Iran đang phải đối mặt với một lựa chọn định mệnh mà họ luôn cố tránh, đặc biệt là với chính quyền cải cách mới của nước này.
Nếu chỉ đơn giản lên án gay gắt Israel vì tiêu diệt trụ cột của "trục kháng chiến" mà họ đã dày công xây dựng suốt nhiều năm, hoặc kêu gọi các bên khác hành động mà không chỉ định rõ, uy tín của Iran sẽ bị đe dọa.
Iran cũng có thể khuyên lực lượng Hezbollah chấp nhận tổn thất và đồng ý ngừng bắn mà không cần yêu cầu ngừng bắn ở Gaza - mục tiêu được Hezbollah tuyên bố trước đó.
Ngược lại, nếu Iran chọn cách đáp trả quân sự trực tiếp với Israel, hành động đó phải có ý nghĩa. Iran hiểu rằng họ sẽ phải đối mặt với một quân đội đã chứng minh năng lực công nghệ và tình báo vượt trội. Tình báo của Israel đã thâm nhập sâu vào Hezbollah và cũng có thể đã làm điều tương tự với Tehran.
Đối với tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian, người được bầu dựa trên cam kết dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế một phần bằng cách xây dựng mối quan hệ tốt hơn với phương Tây, cái chết của thủ lĩnh Nasrallah đến vào thời điểm rất bất lợi.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Sayeed Abbas Araghchi vừa trải qua một tuần ở New York bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, gặp gỡ các chính trị gia châu Âu như Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và Ngoại trưởng Anh David Lammy, nhằm thuyết phục họ nối lại các cuộc đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015 - thỏa thuận mà cựu Tổng thống Donald Trump đã hủy bỏ vào năm 2018.
Ông Rafael Grossi, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), từng tỏ ra ấn tượng với những gì ông nghe được từ các cuộc họp này.
“Tôi nghĩ đây là thời điểm có thể làm điều gì đó về vấn đề hạt nhân. Ưu điểm của ông Araghchi là ông ấy nắm được mọi thứ về quá trình này, vì vậy nó sẽ diễn ra nhanh hơn”, ông Grossi nhận định.
Tuy nhiên, cái chết của thủ lĩnh Nasrallah khiến phe cải cách khó có thể thuyết phục quân đội Iran rằng việc đưa ra “nhành ô liu” hòa giải là hợp lý.